Ngày Gia đình Việt Nam 28/6: Hoàn thiện pháp luật để gia đình là nơi trú ngụ an toàn nhất

28/06/2019 09:19

Kinhte&Xahoi Lâu nay, gia đình thường được coi là nơi yên bình nhất cho đời sống bình thường của con người. Nhưng ở giai đoạn hiện nay, vì nhiều lý do, gia đình nhiều khi đã trở thành nơi kém an toàn. Thực tế này đòi hỏi phải xây dựng một khái niệm pháp lý về không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình để gia đình thực sự trở thành nơi trú ngụ an toàn nhất, là chỗ dựa tinh thần và thể xác tốt nhất cho mỗi người.

Muôn vàn lý do bạo hành gia đình

Con trai bỏ thi THPT quốc gia sau khi chứng kiến cha đâm mẹ tử vong. Đó là câu chuyện buồn vừa mới xảy ra tại xã Quế Thọ huyện Hiệp Đức, Quảng Nam ngày 25/6. Ngày xảy ra án mạng cũng là ngày em Tô Văn Phú học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Phú - huyện Hiệp Đức bước vào ngày thi đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia.

Trưa 25/6, sau khi hoàn thành môn Ngữ văn, Phú về nhà ăn cơm để chuẩn bị bước vào thi môn Toán trong chiều cùng ngày thì vô tình chứng kiến cảnh cha đâm mẹ tử vong. Vụ việc đau lòng không chỉ cướp đi sinh mạng người vợ, khiến người chồng vướng vòng lao lý mà còn khiến con trai của họ bỏ dở ước mơ trước giảng đường đại học, vì em Phú phải ở nhà để lo hậu sự cho mẹ và bỏ thi những môn còn lại của kỳ thi THPT quốc gia.

Thống kê của Vụ Gia đình - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, trong 5 năm trở lại đây, số vụ bạo hành gia đình được ghi nhận khoảng 20.000 vụ/năm. Theo số liệu báo cáo của các tổ chức phi chính phủ, cứ 2-3 ngày lại có một vụ án mạng liên quan đến bạo hành gia đình và nạn nhân đa phần là phụ nữ và trẻ em. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo hành trong gia đình, nhưng từ góc độ các ông chồng (là đối tượng chính gây ra bạo lực) có thể thấy xuất phát từ nhận thức chịu ảnh hưởng nặng nề bởi quan niệm bất bình đẳng giới, tư tưởng nam trị, gia trưởng, bởi định kiến truyền thống xem nhẹ vai trò của phụ nữ trong gia đình của họ. 

Trình bày tại hội thảo khoa học quốc gia “Không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em - Khuyến nghị chính sách” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức mới đây, Thạc sĩ Ngô Thị Mai Diên – Viện Thông tin – Khoa học xã hội cho biết đàn ông gây ra bạo lực gia đình có muôn vàn lý do để biện minh. 

“Nhận thức của người chồng gây bạo hành cũng là một trong những vấn đề được quan tâm. Đa số họ coi hành vi bạo hành của mình là đương nhiên, có thể chấp nhận được: “Đàn ông thì rượu một tí, chè một tí, thuốc nữa có sao đâu, mà tôi cũng không nghiện. Anh em có bữa liên hoan với nhau thôi mà vợ cứ kèo nhèo, khó chịu. Tát thôi chứ đấm đá hay gì gì nữa cũng phải chịu. Để lần sau chừa hẳn không có cái thói đấy nữa”.

Nhiều người trong số họ hàng ngày gây bạo hành gia đình nhưng không hiểu đó là bạo hành gia đình: “Nói bạo hành nghe ghê quá. Mắng mấy câu, tát tai hay đánh mạnh cũng là lúc nóng lên, để vợ chồng hiểu tính nhau chứ thế mà nói thành bạo hành không nghe được”. Có người chồng ý thức được hành vi của mình là bất thường, là không/chưa đúng nhưng không nhận lỗi mà có thiên hướng biện minh, đồng thời tìm cách đổ lỗi cho vợ, vì vợ mà anh ta buộc phải có hành động như vậy: “Báo đài nói là vợ chồng bình quyền cũng đúng thôi. Giờ khác xưa nhiều rồi. Nhưng mấy ông bảo mình nói một câu vợ nói mười câu, có lúc lại câm như hến, hỏi không thèm nói thì tôi chứ bố tôi cũng phải điên lên. Đánh cũng đau nhưng ai bảo. Tôi cũng cố rồi mà không thể kìm được”…

Như vậy, người đàn ông này đã tự cho mình ba thứ quyền: quyền phán quyết hành động của vợ là sai “hỏi không thèm nói”, quyền thể hiện sự tức giận “không thể kìm được” và quyền đánh vợ “đánh cũng đau nhưng ai bảo” – theo bà Diên.

Đâu là không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em ?

Cũng theo bà Ngô Thị Mai Diên, bản chất của gia đình là nơi trú ngụ an toàn, là chỗ dựa tinh thần và thể xác tốt nhất cho mỗi người. Tuy nhiên, với xã hội ngày càng phát triển như hiện nay, thì các hình thức bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em gái cũng có nhiều biến đổi cả về hình thức và mức độ nghiêm trọng. Bạo lực gia đình không dừng lại ở những gia đình nghèo khó, học vấn thấp mà nó còn xuất hiện cả những gia đình khá giả, có học thức.
 
Thực tế này cho thấy, cơ sở pháp lý của không gian an toàn nói chung và tại gia đình nói riêng cho phụ nữ và trẻ em là vô cùng cần thiết. Bàn về vấn đề này tại hội thảo khoa học quốc gia “Không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em - Khuyến nghị chính sách”, bà Nguyễn Thị Thùy Dung – Huyện Đoàn Gia Lâm, Hà Nội và ông Nguyễn Tài Tuấn Anh – Văn phòng Luật sư Doanh Thương có chung một quan điểm cho rằng, không gian an toàn trong gia đình đó là an toàn không bị bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em; an toàn trong quan hệ hôn nhân bình đẳng, hạnh phúc, không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…

Luật pháp Việt Nam đặc biệt quan tâm bảo vệ cho phụ nữ, trẻ em. Những đạo luật bảo vệ cho phụ nữ, trẻ em đến nay đều đã được ban hành, đi vào cuộc sống như Luật Trẻ em; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình… .

Như vậy, không gian an toàn được tiếp cận và lồng ghép trong quy định của các bộ luật, luật chuyên ngành và các nghị định của Chính phủ. Việc thực hiện tốt các quy định này, cũng đồng nghĩa với việc xây dựng hiệu quả về mặt pháp lý “không gian an toàn” cho phụ nữ và trẻ em.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thùy Dung và ông Nguyễn Tài Tuấn Anh, nếu coi việc xây dựng khung pháp lý về “không gian an toàn” nơi công cộng là quan trọng nhất, thì việc xây dựng khung pháp lý “không gian an toàn” trong gia đình cần được quan tâm nhất.

Bởi lẽ, đây chính là không gian tác động một cách sâu sắc, trực tiếp vào tâm lý của phụ nữ và trẻ em, cũng là không gian khó tiếp cận nhất do tính cách của người phụ nữ hay cam chịu, giữ thể diện cho gia đình, cũng như không muốn sự đổ vỡ gây ảnh hưởng đến tâm lý con cái. Còn trẻ em lại là đối tượng yếu thế, sống phụ thuộc về mặt kinh tế vào các thành viên còn lại trong gia đình.

Để hoàn thiện pháp luật về không gian an toàn nói chung và tại gia đình nói riêng cho phụ nữ và trẻ em gái, bà Nguyễn Thị Thùy Dung và ông Nguyễn Tài Tuấn Anh chp rằng có rất nhiều giải pháp. Trong đó, ở góc độ pháp luật cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ, tạo môi trường sống lành mạnh, thân thiện cho phụ nữ và trẻ em.

Bổ sung thuật ngữ “không gian an toàn” và cơ chế đảm bảo không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em vào trong các dự thảo xây dựng pháp luật, nghị định, chương trình hành động, góp phần xây dựng một khung các quy định mang tính đồng bộ, thống nhất; cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động xây dựng không gian an toàn, chế tài xử phạt các cá nhân, tổ chức xâm phạm vào không gian an toàn nói chung, không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em nói riêng. 

Hôm nay (28/6) Ngày Hội Gia đình Việt Nam năm 2019 khai mạc tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hà Nội) và kéo dài đến ngày 30/6. Trong khuôn khổ ngày hội, Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam và Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam phối hợp thực hiện trưng bày chuyên đề “Lễ cưới truyền thống của các dân tộc Việt Nam,” giới thiệu tới công chúng các nghi lễ độc đáo trong lễ cưới truyền thống các dân tộc vẫn lưu giữ được đến ngày nay.

Qua đó, khẳng định lễ cưới là một trong những sinh hoạt văn hóa truyền thống, chứa đựng giá trị về văn hóa, lịch sử và giáo dục, góp phần làm phong phú thêm những dòng chảy văn hóa của các tộc người trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đám cưới là khởi nguồn cho một gia đình hạnh phúc, nơi các thành viên trong gia đình sẻ chia, là điểm tựa yêu thương của mỗi người trong suốt cuộc đời.

“Bờ vai ấm áp” gồm 20 câu chuyện cá nhân dung dị, xúc động về vai trò của người đàn ông trong gia đình là trưng bày chuyên đề diễn ra trong khuôn khổ ngày hội. Cũng tại dịp này, sẽ diễn ra lễ trao tặng bảng vàng “Gia đình doanh nhân tiêu biểu - ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền và “Biểu dương gia đình trẻ tiêu biểu lập thân, lập nghiệp” cũng sẽ diễn ra. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đồng lõa với cái giả là vô lương

Việc một tờ báo vạch trần thủ đoạn của mặt hàng tivi, điều hòa Asanzo lắp ráp linh kiện từ Trung Quốc nhưng lại ghi xuất xứ tại Việt Nam đã gây phẫn nộ cho nhiều người.

Nguồn: Pháp luật Plus