Ngày thứ bảy thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội tại Hà Nội: Vi phạm diễn ra phổ biến

30/04/2020 14:17

Kinhte&Xahoi Hôm qua (29-4) là ngày thứ bảy thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội và cũng là ngày đầu tiên thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới theo Chỉ thị số 07/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội. Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, tại hầu hết các quận, huyện, vi phạm diễn ra khá phổ biến, trong đó tập trung tại chợ dân sinh, quán trà đá, cà phê, quán ăn và chợ "cóc"…

Ngoại thành, nội thành vẫn còn vi phạm

Ngày 29-4, tại khu vực ngoại thành Hà Nội, nhiều cửa hàng kinh doanh không thiết yếu vẫn tiếp tục đóng cửa, đa số người dân thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang nơi công cộng. Tuy vậy, xuất hiện tình trạng hàng quán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; chưa thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch Covid-19 về đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, rửa tay sát khuẩn tại một số nơi công cộng, cửa hàng ăn, uống.

Trên địa bàn thị trấn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn), dễ nhận thấy nhiều hàng quán không thiết yếu mở cửa trước 9h, vi phạm Chỉ thị 07-CT/UBND của UBND thành phố. Đặc biệt, ven quốc lộ 3 - đoạn qua địa phận thị trấn Sóc Sơn và xã Tiên Dược, các khách hàng tại nhiều quán trà vỉa hè không đeo khẩu trang và không tuân thủ giãn cách tối thiểu 2m.

Tương tự, nhiều cửa hàng ăn uống bán cháo vịt, vịt nướng, các cửa hàng cà phê, giải khát tại thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa) cũng chưa thực hiện giãn cách tối thiểu 2m giữa người với người hoặc giữ khoảng cách tối thiểu 1m và có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, trong khi nhiều khách vào quán cũng không thực hiện rửa tay sát khuẩn.

Các vi phạm như trên cũng được ghi nhận tại hai huyện Hoài Đức và Thạch Thất.

Trong khi đó, tại khu vực nội thành, vi phạm về thực hiện giãn cách xã hội và lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh diễn ra khá phổ biến. Tại quận Cầu Giấy, ngay từ sáng sớm, quán trà đá tại số 5 Lạc Long Quân, nhà A15 và C1 (phường Nghĩa Tân) đã tập trung đông người, không đeo khẩu trang.


Một số địa điểm trên địa bàn quận Đống Đa từng được Báo Hànộimới phản ánh vi phạm, như quán phở bên hồ Ba Mẫu (phường Phương Liên) hiện vẫn lấn chiếm vỉa hè và không thực hiện giãn cách xã hội.

Tại nhiều chợ dân sinh trên địa bàn quận Long Biên như: Kim Quan, Diêm Gỗ, Quán Tình, Phúc Lợi, nhiều người bán hàng và người dân đi mua sắm không đeo khẩu trang.

Tại quận Bắc Từ Liêm, chợ “cóc” ở gầm cầu đường sắt Thăng Long, đoạn qua đường Tân Xuân thường hoạt động từ sáng đến 14h, hàng hóa tràn xuống lòng đường, lượng người mua đông nhưng ít người giữ khoảng cách an toàn theo quy định...

Tiếp tục xử lý vi phạm

Trong ngày 29-4, nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội đã tiếp tục tuyên truyền, xử lý các vi phạm về trật tự đô thị, bảo đảm tối đa giãn cách xã hội.

Tại quận Ba Đình, Phó Chủ tịch UBND phường Kim Mã Cao Hợp Thanh cho biết, lực lượng liên ngành tập trung giải quyết các vi phạm tại chợ tạm làng Vạn Phúc và chợ tạm ở phố Thanh Bảo. Bên cạnh đó là tuyên truyền tới người dân các quy định mới về công tác phòng, chống dịch Covid-19… Tương tự, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phúc Ngô Thị Thúy Lan cho biết, phường cũng tăng cường nhắc nhở các cửa hàng kinh doanh không thiết yếu chấp hành nghiêm yêu cầu mở cửa sau 9h hằng ngày theo Chỉ thị 07-CT/UBND của UBND thành phố.

Còn theo bà Hoàng Thúy Anh, Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân), để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao, phường duy trì 3 chốt trực và thành lập 3 tổ công tác tuyên truyền trên xe ô tô lưu động và trên xe máy đến các địa bàn dân cư, đồng thời tăng cường kiểm tra, nhắc nhở và quyết liệt xử phạt các trường hợp vi phạm. Đến nay, các lực lượng của phường đã xử phạt 29 trường hợp không đeo khẩu trang. Tuy nhiên, một bộ phận người dân buôn bán nhỏ thiếu ý thức, còn chủ quan không đeo khẩu trang khi thấy nới lỏng giãn cách xã hội. Thời gian tới, UBND phường sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm theo Chỉ thị 07-CT/UBND của UBND thành phố.

Về những vi phạm trên địa bàn, ông Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, tổ công tác của phường sẽ thường xuyên tuần tra, nhắc nhở người dân và chủ cửa hàng kinh doanh thực hiện nghiêm việc bảo đảm trật tự đô thị, không lấn chiếm lòng, lề đường để buôn bán. Đặc biệt, lực lượng chức năng sẽ kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm mà người dân và báo chí phản ánh.

Hôm nay bắt đầu kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, dự báo, lượng khách du lịch và người dân đi lại, tập trung tại các nơi công cộng trên địa bàn thành phố để vui chơi, mua sắm, ăn uống sẽ tăng lên so với những ngày qua. Nhằm chấn chỉnh ý thức thực hiện của người dân, khách du lịch rất cần chính quyền các địa phương tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở để mọi người luôn đề cao cảnh giác trong phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, lực lượng chức năng cũng cần xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.

Xử phạt 87 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng

Ngày 29-4, lực lượng chức năng các huyện đã xử phạt 87 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng. Cụ thể: Mê Linh - 55 trường hợp, Đan Phượng - 25 trường hợp, Thạch Thất - 4 trường hợp, Thường Tín - 3 trường hợp.

Tính từ ngày 1-4 đến nay, các địa phương ngoại thành đã xử phạt 4.478 trường hợp vi phạm quy định giãn cách xã hội với số tiền là 1,597 tỷ đồng. 



CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi để đảm bảo bình ổn giá thịt lợn

Để thực hiện bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt trong thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19, UBND thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành thành phố và đề nghị các doanh nghiệp thực hiện nhiều biện pháp nhằm đưa giá thịt lợn hơi xuống khoảng 70.000 đồng/kg trong tháng 4/2020, lộ trình đến cuối Quý II và III/2020 giảm xuống còn từ 65.000 đến 60.000 đồng/kg.

Link bài gốc http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/966127/ngay-thu-bay-thuc-hien-noi-long-gian-cach-xa-hoi-tai-ha-noi-vi-pham-dien-ra-pho-bien?fbclid=IwAR1DC8ddqlZ9iS9GlyNgI-4L0ykowSSpeaGGo83Mw8DKgYiJyahHtbnR_B8