Nghị quyết của Chính phủ về mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng chống dịch COVID-19

23/07/2021 10:32

Kinhte&Xahoi Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 79/NQ-CP ngày 22/7/2021 về mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng chống dịch COVID-19.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Bộ Y tế)

Nghị quyết nêu rõ, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, trực tiếp đe dọa sức khỏe, tính mạng nhân dân. Để đáp ứng yêu cầu cấp bách, Chính phủ quyết nghị thực hiện một số nội dung về mua sắm phục vụ phòng chống dịch COVID-19 như sau:

Về cơ chế, hình thức thực hiện mua sắm, việc triển khai ngay gói thầu để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của cộng đồng dân cư và mua thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện để phòng, chống dịch COVID-19 là trường hợp cấp bách được chỉ định thầu theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu.

Chính phủ đồng ý để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật đấu thầu đối với một số thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch mua trực tiếp của nhà sản xuất, cung ứng ở nước ngoài, mua qua các đơn vị mua sắm của Liên hợp quốc và một số mặt hàng đặc thù sản xuất trong nước trên cơ sở đề nghị của Bộ Y tế, Ủy ban nhân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Khi xây dựng giá gói thầu mua sắm hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng chống dịch COVID-19 cần căn cứ khoản 2 Điều 11 Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29 tháng 3 năm 2016 của Bộ Tài chính. Riêng đối với xây dựng giá gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư số 58/2016/TT-BTC nêu trên hoặc theo Điều 8 Thông tư số 14/2020/TT-BYT ngày 10 tháng 7 năm 2020.

Trong trường hợp đấu thầu rộng rãi qua mạng để mua hàng hóa phục vụ việc phòng, chống dịch, thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu tối thiểu là 10 ngày.

Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị tiếp tục chủ động mua sắm phục vụ phòng chống dịch theo phương châm bốn tại chỗ; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch.

Bộ Y tế căn cứ phương án ứng phó theo từng cấp độ dịch bệnh, Bộ Y tế xác định số lượng, chủng loại một số thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện cần mua ngay tại trung ương để phòng chống dịch tại một số vùng, khu vực bị ảnh hưởng nặng của dịch và hỗ trợ cho một số địa phương, đơn vị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Bên cạnh đó, chỉ đạo tổ chức mua sắm hàng hóa được giao thực hiện, phân bổ và quản lý sử dụng hàng hóa đúng mục đích, hiệu quả, đáp ứng kịp thời công tác phòng chống dịch; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan hướng dẫn mua sắm tập trung một số vật tư, trang thiết bị, hóa chất, phương tiện để các đơn vị, địa phương thực hiện; xây dựng và ban hành các thông tư theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại Điều 148 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn việc cấp phép nhanh đối với trang thiết bị y tế và việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh liên quan đến dịch COVID-19.

Bộ Tài chính bố trí ngân sách trung ương theo đề nghị của Bộ Y tế, các Bộ, cơ quan trung ương và hỗ trợ địa phương theo quy định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương bố trí ngân sách để hoàn lại phần do ngân sách địa phương bảo đảm để mua sắm vật tư, trang thiết bị, thuốc, hóa chất, phương tiện phục vụ phòng chống dịch COVID-19 theo quy định; phối hợp với Bộ Y tế xây dựng Thông tư theo trình tự, thủ tục rút gọn về thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh liên quan đến dịch COVID-19.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn kịp thời và phối hợp với các Bộ, ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện mua sắm phục vụ phòng chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết này của các Bộ, cơ quan trung ương, đơn vị, địa phương bảo đảm theo đúng quy định pháp luật.

Bộ Ngoại giao, Bộ Công an phối hợp với Bộ Y tế tìm kiếm, liên hệ với các nhà sản xuất, cung ứng ở nước ngoài để mua, nhập khẩu phục vụ kịp thời công tác phòng chống dịch.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ phương án ứng phó theo từng cấp độ dịch bệnh để xác định số lượng, chủng loại cần mua thuộc phạm vi quản lý; khẩn trương tổ chức thực hiện mua sắm đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng chống dịch đúng quy định./.

 Thanh Vân - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đưa đặc sản nhãn lồng và câu chuyện văn hóa lên sóng livestream

Trong mỗi sản vật địa phương không chỉ chứa đựng sự tâm huyết và tự hào của người dân, mà còn mang sứ mệnh kết nối và lan tỏa những giá trị văn hóa Việt Nam. Đằng sau hình ảnh nhãn lồng chính là câu chuyện về văn hóa và con người Hưng Yên.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/nghi-quyet-cua-chinh-phu-ve-mua-sam-thuoc-hoa-chat-vat-tu-trang-thiet-bi-phuong-tien-phuc-vu-phong-chong-dich-covid-19-d161395.html