Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018

14/08/2018 14:35

Kinhte&Xahoi Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 104/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018.

Nghị quyết nêu rõ: Chính phủ thống nhất đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm tiếp tục xu thế tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát.

Chính phủ kiên định các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2018 đã đề ra theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, trọng tâm là kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, đặc biệt là bảo đảm an toàn cho người dân, củng cố niềm tin xã hội, niềm tin thị trường, niềm tin doanh nghiệp.

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018
Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính

Chính phủ yêu cầu Tổ điều hành kinh tế vĩ mô và các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế và trong nước, phối hợp điều hành kịp thời, hài hòa, hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô. Ban Chỉ đạo điều hành giá theo dõi diễn biến thị trường các mặt hàng thiết yếu, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh khi có biến động bất thường. Trong năm 2018, Chính phủ chưa xem xét điều chỉnh giá điện và giá một số dịch vụ công thiết yếu do nhà nước quản lý.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; tạo niềm tin, thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài quy mô lớn và có chuỗi giá trị toàn cầu. Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn, phát triển sản xuất, kinh doanh. Tăng cường phối hợp kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn việc nhập khẩu phế liệu, hàng hóa công nghệ lạc hậu, chất lượng kém vào Việt Nam; khẩn trương phân loại, giải tỏa, thanh tra, chấn chỉnh việc cấp phép nhập khẩu phế liệu thời gian qua.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý ngoại hối, ổn định thị trường ngoại tệ; tiếp tục điều hành linh hoạt tỷ giá, phù hợp với diễn biến cung cầu thị trường, cân đối vĩ mô và mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Bộ Tài chính phối hợp các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, bảo đảm đạt và vượt dự toán; tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, siết chặt quản lý chi ngân sách nhà nước, nhất là chi hội họp, đi nước ngoài; quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Kiểm tra an toàn hồ chứa, đập thủy điện; bố trí lại dân cư khu vực sạt lở nguy hiểm


Bộ Công Thương tập trung cơ cấu lại thị trường xuất khẩu gắn với chú trọng phát triển thị trường trong nước. Chủ động thực hiện các giải pháp bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của Nhân dân, nhất là khu vực miền Nam. Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các địa phương liên quan rà soát, kiểm tra an toàn, chất lượng hồ chứa, đập thủy điện, gắn trách nhiệm cụ thể trong quá trình vận hành, điều tiết, bảo đảm an toàn hồ, đập trong mùa mưa lũ, an toàn tính mạng và tài sản của người dân ở vùng hạ du; đánh giá tổng thể công tác bảo đảm an toàn các hồ chứa, đập thủy điện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 năm 2018.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt diễn biến thời tiết, mực nước sông, suối, hồ, đập; kiểm tra an toàn các đê, kè, công trình thủy lợi, đặc biệt là các hồ đập lớn, kiên quyết không đưa các hồ yếu, có sự cố vào chứa nước. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các thành viên của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai rà soát, chủ động có các phương án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan và địa phương liên quan thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai, bố trí lại dân cư khu vực sạt lở nguy hiểm, bảo đảm an toàn cho người dân. Hướng dẫn người dân trồng bù diện tích lúa, rau màu bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão, lũ; kiểm soát tốt dịch bệnh, cây trồng, vật nuôi tại vùng bị ngập lụt.

Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương kiểm tra, rà soát quy hoạch, có các giải pháp công trình nhà ở khu vực có nguy cơ sạt lở; có cảnh báo và giải pháp đối với nhà chung cư cũ, bị hư hỏng nặng tại các đô thị lớn; theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản để có đối sách phù hợp, kịp thời; phát triển nhà ở xã hội; theo dõi, đôn đốc việc di dời các trụ sở cơ quan ra khỏi khu vực đô thị theo kế hoạch.

Nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế kỳ thi trung học phổ thông quốc gia

Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức rà soát, thống kê, đánh giá cụ thể hiện trạng đầu tư, cải tạo nhà vệ sinh, cung cấp nước sạch trong trường học trước năm học mới, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Rà soát, xác định rõ những hạn chế, thiếu sót trong công tác tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, hoàn thiện hệ thống quản trị của ngành giáo dục, quy trình kỹ thuật, đồng thời tiếp thu ý kiến của các chuyên gia và nhân dân, tổ chức tổng kết, nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế, bất cập, bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch tất cả các khâu của kỳ thi; phối hợp với Bộ Công an điều tra xử lý nghiêm các vi phạm trong kỳ thi vừa qua.

Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Công an, các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, có chế tài xử lý nghiêm, chấn chỉnh hoạt động dịch vụ vận tải, tăng cường trách nhiệm của các nhà xe, lái xe; xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn trong giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung công tác xúc tiến, quảng bá, chấn chỉnh chất lượng dịch vụ du lịch, thu hút khách du lịch, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của ngành du lịch.

Bộ Y tế phối hợp với các địa phương tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh theo mùa, nhất là sau mùa mưa bão, lũ lụt. Tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh phục vụ Nhân dân.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo, nhất là đối với các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ. Phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tập trung xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi chính sách người có công. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chuyển mạnh đào tạo nghề theo đơn đặt hàng.

Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường nắm tình hình, bảo đảm an ninh, an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, nhất là các hoạt động kỷ niệm 73 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi, nhất là khu vực nông thôn. Phối hợp với các lực lượng chức năng điều tra, đề nghị truy tố, xử lý kịp thời các đối tượng nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam.

Về tình hình ban hành các văn bản cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh, Nghị quyết của Chính phủ nhấn mạnh, việc cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh phải thực chất, khắc phục triệt để những bất cập hiện nay, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, giảm tối đa chi phí cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Thống nhất đề xuất nâng chuẩn trình độ đào tạo đối với giáo viên mầm non

Về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Chính phủ thống nhất thông qua đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về bổ sung chính sách nâng chuẩn trình độ đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm theo lộ trình quy định tại dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Đồng thời, thống nhất chủ trương thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 29-NQ/TW (khóa XI.

Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục lấy ý kiến Nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học về dự án Luật này, nhất là việc tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia; phối hợp với Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Dân tộc rà soát vấn đề cử tuyển; chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội dự án Luật này.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Chính phủ thống nhất với đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc rà soát, sửa đổi các Luật liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học theo hướng một luật sửa nhiều luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, tháo gỡ vướng mắc trong triển khai cơ chế tự chủ đại học; bổ sung quy định về Hội đồng trường đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ có chức năng thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan chủ quản, giám sát các mặt hoạt động của trường đại học, tiến tới xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung quản lý nhà nước về giáo dục đại học./.

Theo Báo Chính phủ/KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

'Không để 1 cân nhãn nào của bà con không bán được'

“Phải khẳng định được mùa mà không rớt giá, được mùa, phải được cả giá”, “không được để 1 cân nhãn nào của bà con không bán được, không được để 1 cân nhãn nào của bà con phải bán rẻ so với giá trị thực”.