Nghịch lý ngành điện, nơi thừa đổ đi, nơi không có dùng

11/05/2023 10:07

Kinhte&Xahoi Càng nắng nóng điện mặt trời càng hiệu quả, vì lượng điện mặt trời tạo ra đạt đỉnh công suất.

Đó là chia sẻ của một chuyên gia điện mặt trời nói về nghịch lý cũng như sự lãng phí lớn nếu như điện mặt trời không được sử dụng triệt để.

Thời tiết nắng nóng, giá điện tăng cao khiến cho nhiều người khó khăn lại càng khó khăn hơn. Điều đáng nói là càng nắng nóng thì điện mặt trời càng hiệu quả, vì lượng điện tạo ra đạt đỉnh công suất. Tuy nhiên, có một điểm yếu là điện mặt trời phải “phụ thuộc” vào lưới điện Quốc gia-gọi tắt là (EVN).

Điện mặt trời thân thiện với môi trường- Hình ảnh minh họa.

Để tìm hiểu thực hư về sự “phụ thuộc” này cũng như những lợi ích của điện mặt trời, phóng viên Pháp luật Plus đã có cuộc trao đổi với một vị Giám đốc về điện mặt trời (xin phép được giấu tên).

Vị Giám đốc cho hay: “Vì sao diện mặt trời phụ thuộc vào EVN, vì ban ngày khi có bức xạ từ mặt trời hệ thống sẽ chuyển hóa tạo ra điện phục vụ cho tải tiêu thụ, phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt.

Khi nguồn tải tiêu thụ lớn hơn lượng điện mặt trời tạo ra hoặc những ngày mưa gió hoặc vào ban đêm khi không có bức xạ mặt trời thì hệ thống thông qua inverter tự động xử lý sẽ lấy nguồn lưới điện quốc gia phục vụ cho tải tiêu thụ và đặc biệt vào ban đêm và những ngày mưa gió thì 100% phải lấy điện lưới quốc gia.

Thế mạnh của điện mặt trời là để tự tạo ra nguồn điện phục vụ tại chỗ, nhằm giảm thiểu sản lượng mua điện của EVN. Những đợt nắng nóng kéo dài thì điện mặt trời ngày càng hiệu quả vì lượng điện mặt trời tạo ra đạt đỉnh công suất.

Các tấm pin mặt trời trên những ngọn đồi xanh. (Ảnh nguồn internet).

Trong khi phụ tải tiêu thụ đang dùng rất lớn, đặc biệt các tải như nhà máy đá, tủ đông và hệ thống làm mát như máy lạnh, điều hòa, quạt là những nguồn tải tiêu thụ lớn và phải tiêu tốn rất nhiều tiền của doanh nghiệp cũng như hộ gia đình…

Khi lượng phụ tải bên dưới đang sử dụng ít hơn công suất tạo ra điện của hệ thống điện mặt trời nối lưới thì từ trước ngày 31/12/2020, các doanh nghiệp, các hộ dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh kịp lắp đặt và kịp ký hợp đồng với EVN theo cơ chế hỗ trợ mua điện giá Fit 2 của Thủ tướng Chính phủ trong 20 năm với giá 8.38 cent thì lượng điện dư đó được đẩy lên lưới quốc gia và được EVN thu mua lại với giá quy định 1kwh là 8.38 cent như trên nên sẽ đem lại hiệu quả kinh tế khá lớn.

Hàng tháng, ngoài giúp tiết kiệm tiền điện thì điện mặt trời còn mang lại một khoản đầu tư thụ động gần 25 năm, cứ có nắng là có tiền và giải quyết sớm việc thu hồi vốn đầu tư hệ thống vài chục, vài trăm triệu đến vài chục, vài trăm tỷ cho nhà dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với lý do quá tải đường dây và nhiều lý do a-b-c các thủ tục phát sinh đi kèm khác, EVN luôn có thông báo cắt giảm công suất phát lên lưới điện quốc gia, do đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng về hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế cho các dự án điện mặt trời.

Đặc biệt là từ sau 31/12/2020, Chính phủ tạm ngưng mua điện của các hệ thống điện mặt trời nên người dân không còn mặn mà đầu tư…

Khi EVN không cho hòa lưới như trước đây, điện mặt trời chỉ sử dụng ban ngày nên khi không dùng hết sẽ rất lãng phí.

Trước kia, người dân được mua lại điện dư ban ngày thì sẽ dùng số tiền đó bù đắp, trả cho lượng điện tiêu thụ ban đêm rất hiệu quả.

"Tôi muốn gửi câu hỏi tới EVN, không mua điện mặt trời, không cho nối lưới với EVN, trong khi điện mặt trời dư thừa phải đổ đi có được cho là lãng phí hay không?”- vị Giám đốc đặt câu hỏi.

Nhìn những tấm kính năng lượng điện mặt trời dưới cái nóng 40-41 độ C, những người am hiểu về điện mặt trời đều không khỏi xót xa vì sự lãng phí vô cùng lớn, trong khi người dân phải tiết kiệm không dám dùng vì giá quá cao so với thu nhập của họ.

Là người kinh doanh, chị Mai Lương - chủ đại lý kem Tràng Tiền cho biết: “Tôi thấy ngành điện cũng lạ, đáng lẽ càng dùng nhiều thì càng giảm giá đó là quy luật chung trong kinh doanh nhưng ngành điện lại khác, càng dùng nhiều người sử dụng càng phải trả khoản tiền cao hơn và nhiều hơn…Trong khi tôi làm kinh doanh nhiều năm nay, nếu khách mua bán với lượng kem càng lớn thì giá càng rẻ…Không chỉ tôi mà tất cả người kinh doanh đều làm như tôi, cứ mua nhiều là được giảm giá nhiều".

"Điện cũng là mặt hàng kinh doanh, tại sao lại đi ngược với xu thế kinh doanh, càng dùng nhiều giá lại càng cao, thật phi lý”- chi Mai phân trần.

 Ly Ly - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/dien-dan-luat-su-chuyen-gia/nghich-ly-nganh-dien-noi-thua-do-di-noi-khong-co-dung-d193365.html