Người dân chỉ được phép sử dụng pháo hoa trong dịp lễ, Tết

26/12/2022 19:52

Kinhte&Xahoi Dù đã tuyên truyền, cảnh báo và nhiều trường hợp đã bị xử lý hình sự nhưng tình trạng mua bán, tàng trữ, chế tạo pháo nổ, pháo hoa nổ vẫn tiếp tục xảy ra, nhất là trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Mới đây, Bộ Công an tiếp tục đưa ra khuyến cáo, chỉ cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị... Các trường hợp khác đều bị cấm.

Bắt giữ đối tượng tự chế pháo nổ để kiếm lời

 Khoảng 20h ngày 2/12, tổ công tác Công an huyện Ba Vì, TP Hà Nội trong quá trình làm nhiệm vụ tuần tra, phòng ngừa sử dụng pháo trái phép đã phát hiện Đặng Văn Quyền, (SN 1997, trú tại thôn Thịnh Thôn, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì), mang 2 quả pháo hoa nổ hình cầu đứng trước cửa nhà nên đã yêu cầu kiểm tra hành chính.

Qua kiểm tra, lực lượng làm nhiệm vụ đã thu giữ 2 quả pháo nổ trên cùng các tang vật khác có liên quan, đồng thời lập biên bản, bàn giao đối tượng cùng tang vật cho Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế-ma túy xử lý theo thẩm quyền.

Tại cơ quan điều tra, Quyền khai nhận mang 2 quả pháo trên cùng các công cụ tự chế ra trước cửa nhà định đốt chơi, nếu hiệu quả sẽ rao bán kiếm lời.

Cảnh sát thu giữ nhiều công cụ, vật liệu sản xuât pháo của nam thanh niên ở huyện Ba Vì

Khám xét nơi ở của Đặng Văn Quyền, Công an huyện Ba Vì còn phát hiện, thu giữ nhiều loại pháo hoa nổ, thuốc pháo, công cụ, phương tiện phục vụ quá trình chế tạo pháo hoa nổ. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn thu giữ 10 hộp pháo hoa nổ có tổng trọng lượng 17kg, trên vỏ hộp có in chữ nước ngoài.

Được biết, số pháo hoa trên được Quyền mua của một người không quen biết qua mạng xã hội Facebook để bán lại kiếm lời. Ngoài ra, Quyền cũng học cách chế tạo pháo hoa nổ và mua các nguyên liệu trôi nổi về chế tạo pháo. Hiện Cơ quan CSĐT - Công an huyện Ba Vì đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Đặng Văn Quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Chỉ huy Công an huyện Ba Vì, hành vi của Đặng Văn Quyền rất nguy hiểm, do đối tượng tàng trữ một lượng thuốc pháo ở trong nhà, chỉ cần một chút sơ sẩy có thể gây cháy, nổ, thương vong cho chính bản thân đối tượng và những người xung quanh.

Thời gian tới, Công an huyện Ba Vì tiếp tục tổ chức đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đặc biệt làm tốt công tác phòng ngừa với các loại tội phạm, nhất là tội phạm hoạt động liên quan đến pháo trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão.

Tiếp đến, ngày 6/12, trong quá trình tuần tra, thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán Quý Mão, Đội Điều tra tổng hợp - Công an huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng đã phát hiện, bắt quả tang Nguyễn Anh Tuấn (SN 1988, trú tại xã Quang Trung, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương), có hành vi sản xuất pháo nổ trái phép tại xưởng cơ khí ở thôn Thiên Kha, xã Tiên Cường, Tiên Lãng, Hải Phòng.

Tại hiện trường, Cơ quan Công an thu giữ pháo thành phẩm, pháo bán thành phẩm cùng các nguyên liệu là giấy cuộn pháo, các chất phụ gia là thuốc pháo, bột than CACBON, dây cháy (ngòi pháo) để sản xuất pháo có tổng trọng lượng trên 30kg và các tang vật liên quan khác. Cơ quan CSĐT - Công an huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đã ra quyết định tạm giữ hình sự Nguyễn Anh Tuấn để điều tra, xử lý về hành vi "Sản xuất, buôn bán hàng cấm".

Mới đây nhất, ngày 22/12, Công an huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đã phát hiện thu giữ hơn 10kg pháo nổ do một nam sinh tự chế để bán kiếm lời.

Cụ thể, qua công tác tuần tra kiểm soát tại khu vực đường liên xã thuộc địa phận xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, tổ công tác của Công an huyện Tiền Hải phối hợp với Công an xã Nam Trung, Công an xã Nam Phú phát hiện Đỗ Quang H (SN 2008), trú tại huyện Tiền Hải đang có hành vi vận chuyển trái phép 70 quả pháo nổ có tổng trọng lượng là 5,2kg.

Làm việc với cơ quan Công an, H khai tự chế pháo để bán dịp Tết. H lên mạng xã hội học cách làm pháo và đặt mua thuốc pháo. Cơ quan Công an khám xét nhà đối tượng thu giữ thêm 1 số lượng pháo thành phẩm và nguyên liệu sản xuất pháo các loại.

Ngày 21/12, Công an huyện Thường Tín, Hà Nội bắt quả tang Hà Văn Thắng, SN 1979, trú tại xã Lê Lợi đang tàng trữ 2 hộp pháo hoa nổ và 4 bánh pháo nổ

Chỉ được mua, sử dụng pháo hoa theo quy định

 Liên quan tới quy định về việc mua bán, sử dụng pháo hoa, mới đây Bộ Công an cho biết, hiện nhiều người vẫn chưa hiểu rõ thế nào là pháo hoa và pháo hoa nổ, những trường hợp nào được sử dụng 2 loại pháo này. Điều đó dẫn đến vi phạm về mua bán và sử dụng pháo trái phép ngày càng gia tăng, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán.

Giải đáp nội dung trên, đại diện Bộ Công an dẫn Điều 3 Nghị định số 137/2020 ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo, quy định pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi cho tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.

Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ. Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120m. Còn pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90mm hoặc tầm bắn trên 120m.

Theo cơ quan chức năng, các trường hợp tổ chức bắn pháo hoa nổ quy định tại Điều 11, sử dụng pháo hoa quy định tại Điều 17 Nghị định số 137/2020.

Cụ thể, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Công an huyện Tiền Hải, Thái Bình thu giữ số pháo tự chế của nam sinh

Theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), hành vi buôn bán, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo nổ là hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, điểm i khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm như sau: Phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với một trong những hành vi “Sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép”.

Điểm a khoản 7 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội cũng có quy định mức xử phạt về hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm.

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì người đốt, sử dụng pháo hoa trái phép sẽ bị phạt hành chính và tịch thu tang vật. Hành vi đốt pháo nổ nơi công cộng gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội hoặc hành vi sử dụng pháo nổ gây ra thương tích cho người khác thì có thể bị xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng hoặc tội cố ý gây thương tích theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt lên tới 7 năm tù.

Thành Long - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hàng Việt sẵn sàng phục vụ Nhân dân dịp Tết Nguyên đán

Tết Nguyên đán Quý Mão đang đến gần. Thời điểm này, các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống đã dự trữ số lượng lớn hàng hóa phục vụ Tết. Đáng mừng là hàng Việt chất lượng cao đang chiếm ưu thế trên kệ hàng Tết.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nguoi-dan-chi-duoc-phep-su-dung-phao-hoa-trong-dip-le-tet-214199.html