Người dân kiện Công ty Rạng Đông đòi bồi thường có được không?

11/09/2019 11:25

Kinhte&Xahoi Trong một động thái hậu vụ cháy xảy ra ngày 28/8, chính quyền quận Thanh Xuân (Hà Nội) cùng đại diện Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông đã đến thăm hỏi, tặng quà (gồm 01 phích nước inox loại 2 lít, 05 bóng đèn Led do đơn vị sản xuất) cho một số hộ dân xung quanh nhà máy, đồng thời hỗ trợ mỗi gia đình 1 triệu đồng.

Có ý kiến cho rằng, những người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại sau vụ cháy của Công ty Rạng Đông như: người dân xung quanh ở gần Công ty, cảnh sát PCCC, nhà báo tác nghiệp tại hiện trường… đều có thể yêu cầu bồi thường và khởi kiện đến Tòa án quận Thanh Xuân.

Bộ Tư lệnh Hóa học lấy mẫu tại hiện trường vụ cháy.

15,1-27,2kg thủy ngân phát tán ra môi trường

Thông tin từ Tổng cục Môi trường cho biết, vụ cháy đã làm cháy khoảng 6.000m2 kho chứa sản phẩm gồm Bóng đèn huỳnh quang, bóng đèn compact và bóng đèn tròn công suất thấp. Cụ thể khoảng 480.000 bóng đèn huỳnh quang, chủ yếu là loại đèn dài 1,2m,sử dụng thủy ngân (Hg) lỏng với hàm lượng là 20mg/bóng. Bóng đèn compact có 1.600.000 sản phẩm, sử dụng 01 viên Amalgam/bóng đèn trọng lượng khoảng 11,5 mg, hàm lượng Hg khoảng 22-30%.

Bóng đèn tròn công suất thấp dùng sợi đốt vonfram là 2.000.000 sản phẩm). Ngoài ra còn có nguyên liệu và một số loại hóa chất độc hại. Trong khi theo báo cáo ban đầu của Công ty, từ năm 2016 Công ty chỉ sử dụng viên Amalgam (hỗn hống của Hg – Zn và Bismut) để sản xuất bóng đèn và khối lượng viên Amalgam trong kho chứa hóa chất tầng 1 bị cháy chỉ còn vài kg.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Môi trường, qua kiểm tra thực tế của Tổng cục Môi trường ngày 31/8/2019 cùng với quá trình đấu tranh với Lãnh đạo Công ty, Công ty mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng Hg lỏng (có độc tính cao hơn so với viên Amalgam).

Các nhà khoa học của Tổng cục Môi trường ước tính, lượng thủy ngân phát tán ra ngoài môi trường do sự cố cháy nổ là 15,1 kg đến 27,2 kg. Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đánh giá, đây là vụ cháy nổ mất an toàn về hoá chất có quy mô ảnh hưởng ở mức trung bình, gây thiệt hại rất lớn đến tài sản, gây nguy cơ với môi trường, với sức khoẻ con người.

Các hoá chất gây ô nhiễm môi trường xung quanh chủ yếu là thuỷ ngân, kim loại nặng, phát tán chủ yếu vào đất, môi trường xung quanh, lắng đọng trong trầm tích đáy sông Tô Lịch, phát tán theo dòng nước sử dụng để chữa cháy. Vùng có nguy cơ gây ô nhiễm có bán kính đến 500m, tính từ hàng rào của kho chứa sản phẩm bị cháy.

Chứng minh thiệt hại như thế nào?

Ông Nguyễn Minh Đức - Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích, Luật Bảo vệ môi trường yêu cầu đơn vị gây sự cố môi trường phải khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước. Vụ cháy nhà máy Rạng Đông là một sự cố môi trường và Công ty Rạng Đông phải chịu toàn bộ chi phí của việc khắc phục ô nhiễm.

Về trách nhiệm dân sự, phải theo nguyên tắc của bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Người dân trong khu vực có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khoẻ, tài sản. Nếu muốn được bồi thường người dân sẽ phải thống kê thiệt hại như tiền viện phí, thời gian đóng cửa hàng, thậm chí cả việc giảm giá trị tài sản…

Người dân đưa ra mức thiệt hại của mình, Rạng Đông có quyền đưa ra mức khác, nếu không thống nhất được thì ra toà. Trong khi đó, luật sư Trương Anh Tú - Đoàn luật sư Hà Nội khẳng định, căn cứ pháp lý để yêu cầu bồi thường thiệt hại sức khỏe cũng như môi trường gồm: Một là, có thiệt hại xảy ra; hai là, hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật; ba là, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra; bốn là, bên gây ra thiệt hại có lỗi.

“Hiện nay cơ quan chức năng chưa hoàn tất điều tra để đưa ra kết luận cuối cùng về vụ cháy. Do đó tới thời điểm này, chưa thể xác định Công ty Rạng Đông có lỗi trong vụ cháy hay không, lỗi là vô ý trong việc bảo quản kho hàng để chất độc hại phát tán trong đám cháy, hay do ai đó đốt” - ông Tú nói.

Điều 602 Bộ luật Dân sự 2015 quy định việc: Bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường. Theo đó, “chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi”.

Luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định: “Ô nhiễm môi trường” là sự biến đổi của các thành phần môi trường không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường và tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng xấu đến con người và sinh vật; “Sự cố môi trường” là sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái hoặc biến đổi môi trường nghiêm trọng. Khoản 1 Điều 112 quy định Trách nhiệm khắc phục sự cố môi trường.

Theo đó, tổ chức, cá nhân gây sự cố môi trường có trách nhiệm sau: d) Bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan; Điều 163 xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường gồm:

1. Suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường;

2. Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường là vấn đề không đơn giản. Để chứng minh được việc thiệt hại (chẳng hạn như cửa hàng phải đóng cửa, chi phí khám, điều trị bệnh…) có nguyên nhân từ vụ cháy ở Cty Rạng Đông đòi hỏi phải có chứng từ chứng minh.

Theo TS Vũ Thu Hạnh, trên thực tế không dễ dàng xác định chính xác mức độ gây hại đến môi trường của từng đối tượng. Bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau là giải pháp đã được pháp luật dân sự tính đến trong trường hợp này.

Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, trong các ngày 6 – 7/9, cơ quan này đã phân công cán bộ hàng ngày kiểm tra việc thực hiện triển khai các biện pháp khắc phục sự cố môi trường tại khu vực bị cháy thuộc Công ty Rạng Đông.

Kết quả phân tích so sánh với Quy chuẩn kỹ thuật về nước thải công nghiệp trên địa bàn thủ đô Hà Nội, cho thấy duy nhất thông số COD tại Hố ga trước cửa tổ phục vụ và chăm sóc khách hàng của Công ty Rạng Đông là 821mg/l (vượt 5,47 lần); còn lại tất cả các thông số, bao gồm cả thủy ngân tại 5 vị trí, đều nằm trong giới hạn cho phép.

Cũng trong ngày 6/9, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết đã lấy mẫu không khí tại 6 vị trí lân cận khu vực xảy ra cháy, trong đó có điểm giáp cổng giữa sân Trường tiểu học Hạ Đình. Kết quả phân tích so sánh cho thấy các thông số như vi khí hậu, chì (trung bình 24 giờ), kẽm đều nằm trong giới hạn cho phép; không phát hiện thấy thủy ngân (trung bình 24 giờ) trong không khí.

Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ tiêu: SO2, Benzen, bụi… tổng tại một số vị trí xung quanh, nhấ tlà vị trí giáp cổng Công ty Động Lực, vẫn còn vượt quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đồ chơi truyền thống chiếm ưu thế thị trường Tết Trung thu

Trước đây, cứ dịp cận Rằm tháng Tám, đèn lồng và đồ chơi nhựa công nghiệp Trung Quốc xuất hiện tràn lan ở các phố đồ chơi trẻ em ở Hà Nội. Nhưng nay các mặt hàng ngoại nhập có phần lép vế vì sự xuất hiện trở lại của những món đồ chơi truyền thống trong nước, có mẫu mã đa dạng, vật liệu thân thiện với môi trường.

Nguồn: Pháp luật Plus