Người vừa hết cách ly tập trung vẫn có nguy cơ phát tán Covid-19

09/04/2020 09:50

Kinhte&Xahoi Số người thuộc diện cách ly tập trung đang giảm nhanh, tuy nhiên chuyên gia y tế cảnh báo nếu không tuân thủ cách ly chủ động tại nhà thêm 14 ngày nhóm đối tượng này vẫn có nguy cơ phát tán Covid-19.

Nhiều khu cách ly tập trung tại TPHCM không còn người thuộc diện cách ly theo dõi Covid-19

Theo thống kê của hệ thống giám sát dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM tính đến ngày 8/4 số người thuộc diện cách ly tập trung tại các trung tâm cách ly của thành phố đang giảm rất nhanh. Cụ thể, số lượng người thuộc diện cách ly tập trên toàn địa bàn chỉ còn 2.033 trường hợp. Khu cách ly còn nhiều người nhất là Ký túc xá Đại học Quốc gia, trên địa bàn quận Thủ Đức với 1.428 trường hợp.

Nhiều khu cách ly đã được “giải phóng” hoàn toàn như: Trung tâm cách ly của thành phố đóng trên địa bàn huyện Cần Giờ; khu khách sạn Phương Nam; Resort Cần Giờ; Khu Resort Mangrove (đều trên địa bàn huyện Cần Giờ); khu cách ly tập trung của Quân đoàn 4. Các khu cách ly còn lại chỉ còn số lượng rất ít từ vài người đến vài chục người dự kiến tất cả cũng sẽ trở về cộng đồng trong ít ngày tới.  

Số người mới nhiễm bệnh những ngày qua đang giảm mạnh nhưng cộng đồng không nên chủ quan

Tuy nhiên, những nguy cơ phát tán dịch bệnh ở nhóm người cách ly tập trung vẫn hiện hữu. Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM: Trên thực tế, dù đã được cách ly nhưng trong các khu cách ly tập trung nhiều người không tuân thủ các quy định, việc tiếp xúc vẫn diễn ra, thậm chí trên mạng xã hội còn có cả hình ảnh chụp hình ăn liên hoan ngay trong khu cách ly”. 

Dù được xét nghiệm lần 2 để khẳng định người cách ly hoàn toàn âm tính trước khi trở về cộng đồng song rủi ro vẫn có thể xảy ra xuất phát từ việc không tuân thủ tuyệt đối các quy định cách ly tập trung. Bệnh nhân có thể bị lây bệnh ngay sau khi lấy mẫu xét nghiệm lần 2 hoặc lây bệnh chỉ ít phút trước khi rời khỏi khu cách ly. Thực tế tại TPHCM đã có 2 trường hợp có mẫu xét nghiệm dương tính ngay trước thời điểm hết thời gian cách ly tập trung 14 ngày.

Những người hết thời gian cách ly trở về cộng đồng cần tiếp tục cách ly chủ động tại nhà thêm 14 ngày

Theo BS Hữu Khanh, việc tiếp tục cách ly chủ động tại nhà thêm 14 ngày là điều rất quan trọng và cần thiết để đảm bảo sự an toàn tuyệt đối tránh các nguy cơ lây nhiễm. Những người vừa rời khỏi khu cách ly tập trung nếu không thực hiện giải pháp chủ động cách ly tại nhà theo khuyến cáo chẳng may bị nhiễm bệnh thì những người đầu tiên bị lây chính là thân nhân của họ. Việc cách ly chủ động chỉ cần thực hiện thêm 14 ngày vì nguy cơ ủ bệnh của Covid-19 không thể kéo dài quá thời gian này.

Cũng theo phân tích của BS Trương Hữu Khanh, trên thực tế số ca bệnh mới phát hiện tại Việt Nam những ngày qua có biểu hiện giảm, có ngày không ghi nhận thêm trường hợp nào. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc dịch bệnh đã được đẩy lùi nên cộng đồng tuyệt đối không nên chủ quan. Số người cách ly trên cả nước còn nhiều, số ca bệnh nhiễm có thể xuất hiện từng đợt. Bên cạnh đó Việt Nam còn có nguồn ngoại nhập, trong nước vẫn chưa thể điều tra được hết nhóm nguy cơ ở hai ổ dịch lớn tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội và quán bar Buddha, quận 2, TPHCM.

Các giải pháp phòng chống, kiểm soát dịch tại TPHCM đang được triển khai quyết liệt

Để bảo vệ cộng đồng tránh nguy cơ nhiễm bệnh, các giải pháp cách ly xã hội, hạn chế tiếp xúc trực tiếp, mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên, chủ động phát hiện ca nghi nhiễm, có nguy cơ trong cộng đồng vẫn phải thực hiện thường xuyên. Bên cạnh đó, cần ăn uống đủ dinh dưỡng, tăng cường vận động, uống nhiều nước, có chế độ nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường sức đề kháng của cơ thể để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sản xuất, tiêu thụ nông sản thời Covid-19: Cơ hội đẩy mạnh mối liên kết

Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp thì vai trò hợp tác xã, doanh nghiệp trong liên kết tiêu thụ hàng hóa, trợ giúp người nông dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Việc này đang được các đơn vị liên quan đẩy mạnh qua nhiều kênh khác nhau để đồng hành với nông dân, bảo đảm ổn định sản xuất trong tình hình hiện nay.

Thịt lợn: Giá ngoài chợ, “giá trên tivi”

Một thực phẩm chiếm tới 70% cơ cấu bữa ăn gia đình, thịt lợn rất cần đưa vào diện bình ổn giá nếu không muốn tránh sốt giá, tránh khủng hoảng. Thực tế đang cho thấy, có sự chênh lệch lớn mà dân gọi là “giá tivi” và giá ngoài chợ.

Nguồn: Dân Trí/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/nguoi-vua-het-cach-ly-tap-trung-van-co-nguy-co-phat-tan-covid-19-d121474.html