Nguồn gốc và chất lượng của thịt heo giá rẻ hơn rau bán tràn lan trên mạng

13/07/2020 11:12

Kinhte&Xahoi Trong khi giá thịt heo ngoài chợ, siêu thị đắt đỏ, trên "chợ mạng", giá thậm chí chỉ bằng một nửa giá heo hơi trong nước.

 Sườn que được nhiều đầu mối bán lẻ xả đông và hút chân không. Ảnh: Báo Vnexpress

Theo báo Vnexpress, từ cuối năm 2019 đến nay, giá heo hơi tại Việt Nam liên tục tăng. Hiện, giá heo hơi tại các địa phương dao động quanh 85.000-93.000 đồng một kg. Giá thịt heo đã pha lóc tại các chợ, siêu thị luôn 120.000-250.000 đồng một kg.

Trong khi giá thịt heo ngoài chợ, siêu thị đắt đỏ, trên "chợ mạng", giá thậm chí chỉ bằng một nửa giá heo hơi trong nước.

Chị Yến, chủ cửa hàng thực phẩm ở Tân Phú, người rao bán sườn que heo với giá 45.000 đồng một kg cho thùng 10 kg cho biết, loại này nhập khẩu từ Ba Lan nên mới có giá rẻ. "Hàng có kiểm định nên được các quán ăn khá chuộng. Loại này ướp gia vị đầy đủ còn ngon hơn cả hàng Việt. Tôi bán lẻ mỗi ngày chỉ vài chục kg nhưng bán sỉ thì lên tới hàng tạ vì nhà hàng, quán ăn chuộng", chị Yến nói.

Không chỉ bán sườn que, anh Hòa - một đầu mối nhập khẩu thịt lợn ở Thủ Đức cho biết, đang bán thêm thịt ba chỉ bụng có giá 70.000 đồng, móng giò sau 40.000 đồng, tim lợn 70.000 đồng một kg. Toàn bộ hàng được đóng theo thùng 10 kg. Nếu muốn có giá rẻ hơn, phải lấy một lần 10 thùng, khoảng 1 tạ.

Theo anh Hòa, toàn bộ hàng trên được nhập khẩu chính ngạch từ Canada, Ba Lan... - các nước mà theo anh giá thịt heo đang rẻ. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ thịt heo tại các quốc gia này thấp. Mặt khác, các loại thịt trên thường không được ưa chuộng như cốt lết hay thịt thăn.

Báo Pháp luật TP.HCM cũng phản ánh, nhiều sản phẩm thịt heo khác cũng có mức giá rẻ hơn nhiều so với thịt heo nội địa. Đơn cử theo một bảng giá người bán cung cấp, chân giò heo của Đức, Mỹ, Hà Lan chỉ dao động 40.000-60.000 đồng/kg, trong khi đó giá 1 kg chân giò heo Việt Nam bán tại các chợ và siêu thị đều trên 100.000 đồng. 

Một người bán tên PT trên mạng xã hội cho hay chuyên cung cấp thực phẩm đông lạnh ngoại nhập với giá phải chăng. Chẳng hạn giò sau chỉ 45.000 đồng/kg, bắp giò chỉ hơn 90.000 đồng/kg. Người bán cho biết thêm, khách hàng muốn mua bao nhiêu cũng có và hàng được cắt sẵn cho người mua dễ lựa chọn.

Tuy nhiên, khi người viết ngỏ ý đặt mua với số lượng lớn và yêu cầu phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc thực phẩm, hạn sử dụng và giấy chứng nhận an toàn thực phẩm thì người bán không phản hồi.

Về nguồn gốc của các sản phẩm giá giá rẻ, báo Vnexpress dẫn chia sẻ của một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu thịt heo về làm thực phẩm chế biến ở TP HCM cho biết, rất khó có được giá "siêu rẻ" như trên. Bởi lẽ, các mặt hàng thịt mà công ty ông nhập đa phần có giá 80.000 đồng một kg và đang tăng do nhu cầu của nhiều quốc gia. Như vậy, sau khi trừ chi phí thì giá bán ra thấp nhất cũng phải cả trăm nghìn đồng một kg. Với những sản phẩm có giá "siêu rẻ" thường là hàng cận date hoặc chất lượng không cao nên vị này khuyên khách hàng nên cân nhắc.

Theo quản lý thị trường TP HCM, các sản phẩm online hiện nay rất khó kiểm soát vì các đầu mối bán hàng ít cung cấp thông tin. Nhiều khi họ chia sẻ cho nhau để cùng đẩy hàng nhưng khi giao hàng lại là một đầu mối khác. Do đó, người tiêu dùng nên thận trọng.

Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho biết trên báo Pháp luật TP.HCM: "Đối với các sản phẩm thịt mua trên mạng xã hội, người mua nên yêu cầu người bán cung cấp giấy tờ xuất xứ vì không loại trừ đây là các lô hàng tồn để lâu không bán được dẫn đến cận đát, sắp hoặc đã quá hạn sử dụng nên bán tháo kiểu được đồng nào hay đồng nấy.

“Các loại thịt này có thể sẽ không còn giá trị dinh dưỡng, thậm chí nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng sức khỏe” - ông Bình cảnh báo.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí về chất lượng thịt nhập khẩu, ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y thuộc Bộ NN&PTNT, khẳng định: Thịt nhập khẩu chính ngạch vào nước ta được cơ quan chức năng kiểm tra đều đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Các nước mà Việt Nam nhập khẩu thịt chủ yếu là Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Mỹ, Tây Ban Nha và Nga. Các nước này có ngành chăn nuôi công nghiệp phát triển và công nghệ giết mổ hiện đại nên chi phí sản xuất họ thấp, vì vậy giá thành thịt rất cạnh tranh so với các nước khác.

Cũng theo ông Thành, các lô thịt trước khi được nhập khẩu vào Việt Nam đều phải có giấy chứng nhận kiểm dịch, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng các nước xuất khẩu. Khi về đến cửa khẩu Việt Nam, cơ quan chức năng của nước ta sẽ tiếp tục lấy mẫu từng lô hàng để kiểm tra từ cảm quan cho đến các chỉ tiêu lý hóa, sinh vật, hạn sử dụng... “Khi đảm bảo được các điều kiện này mới được phép thông quan” - ông Thành nói.

Hà Thúy - Vietq.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc http://vietq.vn/thit-heo-gia-re-hon-rau-ban-tran-lan-tren-mang-d176132.html