Dù đây là vấn đề đã được cảnh báo rất nhiều, thế nhưng, nhiều người vẫn bỏ ngoài tai và phải trả giá đắt cho sở thích gây nguy hại đối với sức khỏe này.
Đồ uống có đường ngày càng được giới trẻ ưa chuộng. Ảnh: Tú Uyên
Ngay sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, hai người con (một học đại học năm thứ nhất và một học lớp 10) của anh Nguyễn Minh Tân (quận Hoàng Mai, Hà Nội) tăng cân chóng mặt. Kết quả khám sức khỏe tại trường cho thấy, cả hai đều bị thừa cân, béo phì. Anh Tân kể, từ Tết đến nay, hai con của anh ăn, uống quá nhiều kẹo, bánh, mứt, nước ngọt… Thậm chí, bữa ăn nào cả hai anh em cũng uống nước ngọt có gas.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiêu thụ nước giải khát có đường ở Việt Nam tăng rất nhanh qua các năm. Nếu năm 2013, mỗi người tiêu thụ hơn 35 lít thì 7 năm sau, con số này tăng lên hơn 50 lít/năm.
Đáng lo ngại, các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ của đồ uống này với nhiều bệnh tật nguy hiểm khiến chất lượng cuộc sống suy giảm. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Diễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, uống nhiều đồ uống có đường sẽ gây ra gánh nặng về sức khỏe, tăng nguy cơ bị thừa cân béo phì, nguy cơ sâu răng, đái tháo đường type 2, bệnh tim, đột quỵ và các rối loạn chuyển hóa khác...
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ thừa cân, béo phì của trẻ từ 5 đến 19 tuổi ở Việt Nam tăng gấp đôi trong 10 năm qua, từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020. Khảo sát học sinh lớp 5 tại một số quận, huyện ở Hà Nội trong năm 2023 của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, khoảng một nửa số trẻ ở nội thành thừa cân, béo phì; tỷ lệ này ở ngoại thành là 20-31%.
Theo vị chuyên gia này, thừa cân, béo phì dẫn tới nhiều hệ quả nghiêm trọng. Xét nghiệm 500 trẻ béo phì thì có 35-50% trẻ bị rối loạn mỡ máu. Mặt khác, đái tháo đường không còn là bệnh của riêng người lớn mà đang dần trẻ hóa.
Còn bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn kể: “Mỗi ngày làm việc ở bệnh viện, tôi vẫn phát hiện ra những ca bệnh béo phì, gan nhiễm mỡ và mỡ máu là học sinh từ tiểu học đến trung học phổ thông, thậm chí là thanh niên học đại học hay đã đi làm. Khi tôi hỏi, đa số các cháu uống rất nhiều trà sữa, hoặc uống các nước ngọt khác…".
Hiện nay, trên thị trường, đồ uống có đường được bày bán ngày càng phong phú, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, thậm chí có thể dễ dàng mua với giá thành phù hợp túi tiền của người dân. Đây thực sự là tình trạng đáng báo động, gây ra nhiều tác hại khôn lường đối với sức khỏe.
Không chỉ tác động về mặt thể chất, theo Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, uống quá nhiều đồ uống có đường còn ảnh hưởng đến cảm xúc, tinh thần của trẻ. Một số nghiên cứu trên thế giới chỉ ra mối liên kết giữa việc tiêu thụ nước ngọt với các vấn đề sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên. Cụ thể, uống nước ngọt thường xuyên có liên quan đến việc gây hấn nhiều hơn, hiếu động thái quá và hành vi chống đối, trầm cảm...
Trước thực trạng trên, vị chuyên gia này cho rằng, cần phải có các giải pháp nhằm thay đổi nhận thức, quan điểm và thực hành của cộng đồng hướng tới tiêu thụ đồ uống có đường hợp lý, góp phần giảm nguy cơ mắc và tử vong do các bệnh không lây nhiễm. Đặc biệt, với trẻ em, thay vì uống các loại đồ uống có đường, các bậc phụ huynh nên cho trẻ sử dụng nước lọc, nước đóng chai, sữa ít béo hoặc không béo, sữa không đường hoặc ít đường… Nếu sử dụng nước ép trái cây, cha mẹ nên ưu tiên những trái cây ít ngọt và lưu ý không nên bổ sung thêm đường và muối vào đồ uống đó.
Để giảm những tác hại do đồ uống có đường gây ra đối với sức khỏe, WHO đưa ra khuyến cáo cần giảm lượng đường tự do tiêu thụ mỗi ngày với người lớn và trẻ em xuống mức tương đương dưới 10% và dưới 5% tổng năng lượng nạp vào cơ thể. Ngoài ra, Việt Nam cần khẩn trương ban hành các chính sách nhằm giảm tiêu thụ đồ uống có đường. Cụ thể là đánh thuế đối với đồ uống có đường, bắt buộc công bố nhãn dinh dưỡng, nhãn cảnh báo sức khỏe… trên bao bì sản phẩm đồ uống có đường.
Bên cạnh đó, việc tuyên truyền dưới nhiều hình thức về ảnh hưởng của đồ uống có đường với sức khỏe cũng cần được đẩy mạnh. Có như vậy mới giảm số ca mắc các bệnh liên quan đến đồ uống có đường trong giới trẻ, đồng thời giảm những chi phí không cần thiết cho xã hội.
Thu Trang - Hà Nội mới