Nguyên lãnh đạo thành phố đề xuất cho Hà Nội quyết định mức xử vi phạm trật tự xây dựng đến gấp 50 lần

18/09/2023 14:39

Kinhte&Xahoi Sáng 18-9, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố Hà Nội qua các thời kỳ đã tham gia hội nghị đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) do Thành ủy, HĐND, UBND thành phố tổ chức.

Hội nghị diễn ra tại trụ sở Thành ủy Hà Nội. Trong ảnh, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong giới thiệu chương trình hội nghị.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.

Tham dự có các đồng chí: Phạm Thế Duyệt, nguyên Uỷ viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy; Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy; các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Tây...

Tham dự còn có lãnh đạo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp, thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ công tác, soạn thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Một số vấn đề mới, khó về kỹ thuật lập pháp

Phát biểu đề dẫn, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, thực hiện nhiệm vụ đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, từ năm 2021, Hà Nội đã tiến hành việc tổng kết thi hành Luật Thủ đô năm 2012 và đề xuất chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo; UBND thành phố đã thành lập Tổ công tác xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) để lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai nhiệm vụ tổng kết thi hành Luật và xây dựng hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu đề dẫn hội nghị.

 Hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội để cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu (tháng 10-2023) và dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ bảy (đầu năm 2024).

Trên cơ sở kế thừa Điều 1, Luật Thủ đô năm 2012, dự thảo Luật quy định cụ thể và bổ sung các nội dung về tổ chức chính quyền tại Thủ đô, ngân sách, huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô và liên kết, phát triển vùng Thủ đô vào phạm vi điều chỉnh của Luật. Theo đó, Luật Thủ đô quy định về vị trí, vai trò; tổ chức chính quyền; tài chính, ngân sách, huy động nguồn lực đầu tư; xây dựng, quản lý, bảo vệ Thủ đô và liên kết vùng Thủ đô. Bố cục của dự thảo Luật gồm 7 chương, 59 điều, tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012.

Nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt tham luận.

 "Luật Thủ đô (sửa đổi) là một đạo luật đặc biệt, có nhiều cơ chế đặc thù, đột phá, có phạm vi tác động rộng, khác biệt với nhiều luật và văn bản dưới luật hiện hành, tác động đến thẩm quyền của nhiều cơ quan Trung ương; một số vấn đề mới, đột phá có nội dung phức tạp, khó về kỹ thuật lập pháp", Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nói.

Đồng chí Trần Sỹ Thanh khẳng định, thành phố rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố đối với toàn bộ dự thảo Luật; trong đó, có những vấn đề quan trọng, còn có ý kiến khác nhau, cần được tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, thận trọng, đánh giá toàn diện. Nêu 16 vấn đề cụ thể đề nghị các đại biểu cho ý kiến, Chủ tịch UBND thành phố mong rằng với kiến thức sâu rộng, bề dày kinh nghiệm công tác và tình cảm đặc biệt với Thủ đô, của các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố sẽ đóng góp nhiều ý kiến quý báu, có giá trị thiết thực cả về lý luận và thực tiễn; giúp thành phố tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với những quy định đặc thù, vượt trội, hiệu lực, hiệu quả, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu góp ý.

  Phạt nặng để người sau sợ không dám vi phạm

Đóng góp vào hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, việc sửa đổi Luật Thủ đô ở thời điểm này là chín muồi. Thành phố đã đầu tư rất nhiều công sức, tâm huyết, trí tuệ để xây dựng hồ sơ Luật Thủ đô (sửa đổi). Tuy nhiên, cần hoàn thiện bản dự thảo theo hướng cô đọng, khái quát cao hơn nữa, trong đó cần tận dụng tối đa nội dung Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đơn cử như nội dung phần tổ chức thực hiện Nghị quyết phân công rất rõ, rất hay, chỉ cần chỉnh sửa câu chữ cho phù hợp với văn bản luật là có thể đưa vào Luật Thủ đô (sửa đổi).

Nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị đặc biệt nhấn mạnh đề nghị dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần được điều có tính bao trùm, khái quát hơn, khẳng định tính vượt trội so với các luật khác.

“Luật Thủ đô 2012 có quy định một số nội dung đặc thù cho Hà Nội về xử phạt hành chính, nhưng theo tôi là mới chỉ vượt, chứ chưa trội. Vì đối với Hà Nội, những vi phạm như trật tự xây dựng gây ra những hậu quả rất phức tạp, nặng nề. Nếu chỉ quy định cho phạt gấp 2 lần so với các địa phương khác thì người ta thấy vẫn rất có lợi nên sẵn sàng vi phạm. Do đó, có thể cho phép Hà Nội quy định mức phạt, thông qua tại HĐND thành phố; mức phạt có thể gấp nhiều lần mức của các địa phương khác, thậm chí là 50 lần. Chúng ta phạt nặng là để ít phải phạt, để người sau không dám vi phạm. Mong là các cơ quan lập pháp như Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp ủng hộ Hà Nội theo hướng đó”, đồng chí Phạm Quang Nghị góp ý.

Nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng đề nghị phải tăng quyền hạn cho Chủ tịch UBND thành phố cao hơn Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khác, tương tự đối với Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã tại Hà Nội; đi liền với quyền hạn là tăng trách nhiệm, trách nhiệm phải lớn hơn.

Nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo tham luận.

Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành uỷ, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn góp ý vào Chương II dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), cụ thể là Điều 9 về HĐND thành phố quy định rõ được bầu 125 đại biểu, trước đây chỉ được bầu có 95 đại biểu. "Tăng như vậy là phù hợp, tôi hoàn toàn tán thành. Quy định số lượng cụ thể là rất đúng", đồng chí nói. Nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng đề nghị phải tăng thẩm quyền Hà Nội quyết định về biên chế công chức, viên chức; quy định cụ thể về hệ số tăng thêm hằng năm để dễ tổ chức thực hiện.

Góp ý về nội dung quy định di dời các bệnh viện, trường học, cơ sở sản xuất ô nhiễm ra khỏi nội đô, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành uỷ, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho rằng, bản chất quy hoạch Thủ đô là quy hoạch vùng, nên theo Luật Quy hoạch là phải tuân thủ quy hoạch ngành và quy hoạch cấp quốc gia. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần làm rõ mối quan hệ này để bảo đảm việc di dời các cơ sở trên có tính khả thi, phù hợp, không bị chồng chéo, không vi phạm các luật chuyên ngành.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tây, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Bùi Duy Nhâm đóng góp ý kiến.

Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành uỷ, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng cho rằng, dự thảo Luật cần cô đọng hơn nữa. Về tên gọi, lần này, Luật Thủ đô được bổ sung hẳn 2 chương, nên có thể gọi là Luật Thủ đô sửa đổi và bổ sung. Còn để quy định được các quy định vượt trội, thì phải thống nhất quan điểm là quyền hạn phải đi liền với trách nhiệm, chứ không phải đặc quyền đặc lợi; đi liền với quyền hạn vượt trội, Thủ đô phải gương mẫu, đi đầu trên mọi mặt, mọi lĩnh vực. Từ thống nhất quan điểm như thế, mới có thể mạnh dạn giao quyền hạn vượt trội cho Hà Nội.

Về phân quyền cho Hà Nội, nguyên Chủ tịch UBND thành phố đề nghị phải tính toán, xem xét kỹ với từng đề xuất, phải căn cứ vào năng lực, khả năng thực hiện, các hệ quả liên quan… Ví dụ như cần xem xét kỹ hơn đề xuất quy định giao cho HĐND thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất dưới 1000ha, đất trồng lúa dưới 500ha sang mục đích khác...

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tây, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Bùi Duy Nhâm cho rằng, quy định việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm, bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô là rất cần thiết, đáp ứng nguyện vọng của người dân và nhu cầu thực tiễn đời sống. Bởi còn chưa di dời thì thành phố có làm bao nhiêu đường thì vẫn không giải quyết được ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, cần có quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị di dời và có cơ chế, chính sách hỗ trợ về đất đai, kinh phí cho các đơn vị này.

Sự vượt trội phải được thể hiện trong các điều, khoản

Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành uỷ, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng, việc sửa đổi Luật Thủ đô là hoàn toàn phù hợp bởi nhiều điều, khoản đã không còn phù hợp. Dự thảo Luật lần này đã tập trung phân cấp, giao quyền cho Hà Nội, quy định trách nhiệm của Hà Nội, đưa được nhiều nội dung, văn bản mới nhất… Ấn tượng với Điều 4 và Chương II của dự thảo Luật, đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng, quy định tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố lên 125 đại biểu thì tính bình quân cứ 75.000 dân có 1 đại biểu, vẫn thấp hơn 3 lần so với trung bình cả nước (khoảng 26.000 dân có 1 đại biểu HĐND cấp tỉnh).

Đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh phát biểu tham gia ý kiến.

"Nên bổ sung 1 điều hoặc 1 khoản đặt ở Chương II quy định rõ thẩm quyền của Thường trực HĐND thành phố thực hiện nhiệm vụ giữa hai kỳ họp. Nên quy định rõ về thành phố trực thuộc thành phố. Đối với thu hút, trọng dụng nhân tài, không nên chỉ dừng ở phát hiện, bồi dưỡng mà cần quy định rõ về đào tạo nhân tài", đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh đề nghị.

Tán thành 5 quan điểm nêu trong Tờ trình Chính phủ trình Quốc hội, đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh đề nghị, nên cân nhắc bỏ các từ “vượt trội”, vì điều quan trọng không phải là nói nhiều từ “vượt trội", mà sự vượt trội ấy phải được thể hiện trong các điều, khoản của dự thảo Luật.

Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây Vương Văn Biện cho rằng, đối với Thủ đô môi trường phải được coi là quan trọng số 1 khi xét duyệt các chương trình, dự án; dù là đầu tư hàng nghìn tỷ mà không bảo đảm về môi trường thì không thể cấp phép đầu tư, không thể thông qua. Luật Thủ đô (sửa đổi) phải làm rõ được điều này. Đồng chí Vương Văn Biện đồng thời đề nghị, Luật Thủ đô phải quy định quy chuẩn, tiêu chuẩn cao hơn về xây dựng đô thị, khắc phục những bất cập hiện nay.

Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu điều hành phần thảo luận.

Nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội cho rằng, quy định đưa huyện thành quận và thành lập thành phố trực thuộc Thành phố cần thiết phải có kế hoạch chuyển tiếp; trong dự thảo Luật chưa thấy nói về vấn đề này. Nhà thơ Bằng Việt cũng đề nghị cần quy định rõ hơn về yêu cầu bảo vệ môi trường, thành lập quỹ bảo vệ môi trường trong Luật Thủ đô (sửa đổi), hiện mới quy định rải rác trong một số điều nhưng chưa rõ.

Quan tâm vấn đề văn hoá trong dự thảo Luật, nhà thơ Bằng Việt cho rằng, Hà Nội là Thủ đô văn hiến, nên văn hoá phải được quan tâm số 1, có chiến lược phát triển văn hoá lâu dài, bền vững. Luật nên viết dài hơn, kỹ hơn về công nghiệp văn hoá, cho phép Hà Nội cởi mở, phóng khoáng hơn, có quỹ lớn hơn trong việc phát triển văn hoá.

Nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt đề nghị đặt tên là Luật Thủ đô Hà Nội để làm rõ đây là quy định về Luật dành cho Thủ đô Hà Nội, xác định rõ trách nhiệm của Hà Nội trong luật. Thủ đô của cả nước rồi thì phải nêu rất rõ ràng về phần trách nhiệm của Hà Nội ra sao, phần trách nhiệm của trung ương, trách nhiệm của nhân dân cả nước ra sao. Ví dụ như cải tạo chung cư cũ chậm, nếu chẳng may xảy ra động đất mà nguy hiểm đến tính mạng người dân thì trách nhiệm Hà Nội, trách nhiệm trung ương đến đâu, phải rất rõ. “Chất lượng nội dung Luật Thủ đô sửa đổi mới là chính, nếu đạt được yêu cầu chất lượng thì thông qua, nếu chưa đạt thì không vội thông qua, chứ không nên cố thông qua cho có thành tích”, đồng chí Phạm Thế Duyệt nhấn mạnh.

Điều hành phần thảo luận, trân trọng cảm ơn 8 ý kiến sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm của các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, các ý kiến góp ý giúp Ban Chỉ đạo, Tổ soạn thảo có tư duy mới, cái nhìn mới; nhất là quan điểm, sự nhìn nhận Luật Thủ đô vốn đã rất quan trọng rồi, nhưng quan trọng hơn nữa là khi được Quốc hội thông qua, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải đi vào đời sống, đem lại hiệu quả thiết thực.

Phát biểu kết luận và tiếp thu ý kiến góp ý tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, tinh thần chung của các bộ, ngành đều rất ủng hộ đối với Luật Thủ đô (sửa đổi). Trao đổi, làm rõ thêm các ý kiến góp ý của đại biểu, đề cập đến vấn đề phân cấp, giao quyền lớn hơn cho Hà Nội quyết định đầu tư các dự án hay chuyển mục đích sử dụng đất, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố đề xuất phân quyền đồng thời với trách nhiệm quản lý phải lớn hơn; đồng thời đề xuất này nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay là quy trình thủ tục các dự án quy mô từ 10.000 tỷ đồng trở lên phải được thông qua Quốc hội cho dù đó là dự án hoàn toàn của thành phố như cầu Tứ Liên, hoàn toàn nằm trên địa bàn thành phố, do ngân sách thành phố chi đầu tư; thời gian trình và thông qua phải mất hàng năm. Đối với việc chuyển mục đích sử dụng đất trong một số dự án dù chỉ "dính" một ít đất rừng sản xuất, đất lúa không ảnh hưởng đến môi trường, an ninh lương thực, nhưng do phải thực hiện theo quy trình thủ tục Chính phủ duyệt mất hơn 1 năm, ảnh hưởng đến tiến độ dự án, như trường hợp đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh kết luận và tiếp thu ý kiến các đại biểu.

 Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh trân trọng cảm ơn các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ đã tham gia hội nghị đóng góp ý kiến trực tiếp hoặc bằng văn bản. "Chúng tôi xin tiếp thu nghiêm túc và giao cho bộ phận chuyên môn nghiên cứu tiếp thu cụ thể để hoàn thiện các điều, khoản và nội dung, hình thức dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bảo đảm chất lượng cao nhất trước khi trình Quốc hội", đồng chí Trần Sỹ Thanh nêu rõ.

Hà Vũ - Ảnh: Viết Thành - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thị trường bánh trung thu: Bắt đầu sôi động

Còn chưa đầy nửa tháng nữa là tới Tết Trung thu, thị trường các loại bánh truyền thống cho dịp này bắt đầu nhộn nhịp với nhiều chủng loại sản phẩm, hương vị đa dạng, mẫu mã bắt mắt. Theo khảo sát, năm nay các loại bánh trung thu tăng giá nhẹ so với những năm trước do giá nguyên liệu đầu vào tăng.

Cẩn trọng với bánh Trung thu “handmade” giá rẻ

Dịp Tết Trung thu năm nay, nhiều loại bánh Trung thu “handmade” (sản xuất thủ công) cỡ nhỏ, nhiều màu sắc với cách tạo hình các con vật ngộ nghĩnh được rao bán nhiều trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Kích cỡ nhỏ, hương vị mới mẻ, mức giá “siêu rẻ” đã giúp những loại bánh này nhanh chóng “hút” khách.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/nguyen-lanh-dao-thanh-pho-de-xuat-cho-ha-noi-quyet-dinh-muc-xu-vi-pham-trat-tu-xay-dung-den-gap-50-lan-642272.html