Nhiều chính sách hỗ trợ "gỡ nút thắt" cho doanh nghiệp lữ hành

10/11/2021 16:18

Kinhte&Xahoi Trong hai năm 2020 - 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam chịu tổn thất nặng nề. Để phục hồi ngành du lịch trong bối cảnh hiện tại, trước mắt, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành.

Doanh nghiệp lữ hành ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh Covid-19

 Tiếp nối đà tăng trưởng cao 22,7% trong giai đoạn 2015-2019, ngành du lịch bước vào năm 2020 đón lượng khách quốc tế kỷ lục trong tháng 1, đạt 2 triệu lượt, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Du lịch Việt Nam đã kỳ vọng vào một năm thành công, vượt chỉ tiêu đón 20 triệu lượt khách quốc tế năm 2020 theo Nghị quyết 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị (Tổng cục Du lịch, 2020).

Khách quốc tế đến Việt Nam giai đoạn 2016-2020 (Theo Tổng cục Thống kê - 2021)

Tuy nhiên, từ tháng 2/2020, đại dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới đã ngay lập tức ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch. Theo Tổng cục Thống kê, từ tháng 3 đến hết năm 2020, Việt Nam không mở cửa du lịch quốc tế, ngành du lịch đối mặt với những khó khăn chưa từng xảy ra trước đó.

Số lượt khách quốc tế đến Việt Nam cả năm 2020 chỉ đạt 3,8 triệu lượt người, giảm 78,7% so với năm trước, trong đó hơn 96% là khách quốc tế đến trong quý I/2020; Từ quý II đến nay chủ yếu là các chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam.

Năm 2020, cả nước có 3.339 doanh nghiệp lữ hành, trong đó có 2.519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 820 doanh nghiệp lữ hành nội địa nhưng 90 - 95% các doanh nghiệp lữ hành tạm dừng hoạt động.

Cũng trong năm 2020, có 201 công ty lữ hành xin cấp mới giấy phép nhưng có tới 338 công ty xin thu hồi giấy phép. Các công ty lữ hành quốc tế chuyển hết sang kinh doanh lữ hành nội địa. Hơn 30.000 cơ sở lưu trú với 650.000 phòng trên cả nước có công suất phòng chỉ đạt 20 - 25% ở các tỉnh, thành phố...

Hoạt động du lịch bị đình trệ đã dẫn tới doanh thu du lịch lữ hành năm 2020 ước tính chỉ đạt 17,9 nghìn tỷ đồng, giảm 59,5% so với năm trước. Trong năm 2021, ngành du lịch tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng: "Do tác động của dịch Covid-19 trong 2 năm 2020-2021, hàng loạt doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, rơi vào tình trạng khó khăn. Năm 2020, có gần 400/2.500 doanh nghiệp lữ hành quốc tế thu hồi giấy phép, 90% doanh nghiệp lữ hành đóng cửa.

Hiện doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép chiếm 35% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Lĩnh vực lưu trú, công suất buồng phòng 6 tháng đầu năm 2021 đạt dưới 10%, đặc biệt những nơi trung tâm du lịch công suất rất thấp. Từ năm 2021, số doanh nghiệp lữ hành hoạt động chỉ chiếm 25% so với 2020. Nhiều lao động tạm nghỉ việc, lao động cầm chừng. Lượng khách sạn rao bán ngày càng tăng".

Giải pháp ứng phó chủ động của Chính phủ

Để đối phó với những tác động từ dịch bệnh đối với ngành du lịch, Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ.

Trong đó, doanh nghiệp và lao động ngành du lịch là một trong số những đối tượng được quan tâm và hưởng chính sách hỗ trợ, bao gồm: Gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các đại lý du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, bảo tàng, khu vui chơi giải trí; Giảm giá tiền điện cho các cơ sở lưu trú và các doanh nghiệp; Miễn, giảm lãi suất và lệ phí; Tiếp cận các khoản vay ưu đãi không lãi cho các doanh nghiệp trả lương cho nhân viên; Hỗ trợ tài chính người lao động du lịch bị mất việc hoặc nghỉ không lương bởi đại dịch...

Đặc biệt, Nghị quyết số 84/NQ-CP, ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 quy định các chính sách cụ thể hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành du lịch, như: Giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, bay đến với các chuyến bay nội địa từ tháng 3 cho đến hết tháng 9/2020; Áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá từ tháng 3 cho đến hết tháng 9/2020…

Ngành du lịch cũng đã liên tục có các văn bản đề xuất, kiến nghị với Chính phủ một số chính sách hỗ trợ khác cho các doanh nghiệp du lịch để triển khai trong và sau khi kiểm soát được dịch bệnh; Đồng thời, thường xuyên nắm bắt tình hình triển khai và cập nhật các cơ chế, chính sách mới ban hành trong gói hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Du khách tuân thủ đeo khẩu trang, phòng chống dịch Covid-19

Chương trình kích cầu du lịch được tổ chức trong năm 2020 nhận được sự hưởng ứng tích cực của các địa phương, doanh nghiệp và người dân. Việc kích cầu du lịch nội địa đã tạo ra xu hướng chuyển dịch mới, lan tỏa cảm hứng khám phá Việt Nam an toàn và hấp dẫn, đem lại những đóng góp thiết thực cho quá trình khôi phục kinh tế.

Cuối tháng 10/2021, Chính phủ đồng ý giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành cho các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, theo Nghị định 94.

Như vậy, từ ngày 28/10, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành chỉ phải đóng mức ký quỹ với dịch vụ lữ hành nội địa là 20 triệu đồng, giảm 80% so với trước đây.

Với dịch vụ lữ hành quốc tế, mức ký quỹ cũng giảm 80% so với trước. Trường hợp khách quốc tế đến Việt Nam, mức ký quỹ mới là 20 triệu đồng; Khách du lịch ra nước ngoài là 100 triệu đồng.

Số tiền chênh lệch giữa mức ký quỹ cũ và mới sẽ được ngân hàng nhận ký quỹ hoàn trả cho doanh nghiệp.

 Phương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chủ động nguồn hàng để bình ổn thị trường

Nhằm đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho thị trường phục vụ người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán 2022, ngành Công Thương Hà Nội đã chủ động phối hợp cùng các đơn vị cung ứng tăng lượng hàng dự trữ, không để khan hàng, tăng giá dịp cuối năm.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nhieu-chinh-sach-ho-tro-go-nut-that-cho-doanh-nghiep-lu-hanh-182357.html