Nhiều địa phương vướng mắc trong hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động

07/09/2022 18:10

Kinhte&Xahoi Thống kê từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, tính đến nay, đã có hơn 4,6 triệu lượt lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg với tổng kinh phí hơn 3,1 nghìn tỷ đồng.

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Chính sách này nhằm chia sẻ, hỗ trợ cho người lao động còn khó khăn về nhà ở yên tâm làm việc và hỗ trợ công ty, doanh nghiệp giữ chân người lao động đang làm việc, thu hút lao động vào làm việc, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tính đến nay, đã có hơn 4,6 triệu lượt lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà với tổng kinh phí hơn 3,1 nghìn tỷ đồng

Tính đến nay, ngoài 3 tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng không có đối tượng, 60 tỉnh, thành phố đã tiếp nhận được hơn 5,2 triệu lượt lao động với kinh phí hơn 3,7 nghìn tỷ đồng (tương đương với gần 58% kinh phí đề xuất ban đầu), phê duyệt được hơn 5 triệu lượt lao động với kinh phí hơn 3,6 nghìn tỷ đồng (96,6% số hồ sơ đề nghị) và thực hiện chi trả cho hơn 4,6 triệu lượt lao động với kinh phí hơn 3,1 nghìn tỷ đồng (86,1% số hồ sơ đã được phê duyệt; 83,3% số hồ sơ đề nghị).

Hiện nay, có 41 tỉnh hoàn thành giải ngân 100% so với số đề nghị; Chỉ còn 6 tỉnh giải ngân dưới 80% so với số đề nghị (Bình Dương, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hưng Yên). Những tỉnh chưa hoàn thành giải ngân là những địa phương có số lượng hồ sơ lớn.

Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quá trình thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg đã hỗ trợ đúng đối tượng, công khai, minh bạch, giúp cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, lao động thuộc các vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước giảm bớt khó khăn, ổn định và duy trì sản xuất, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có một số nguyên nhân dẫn đến việc chậm giải ngân theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ở một số địa phương, đó là: Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức, tinh thần trách nhiệm chưa cao; Chưa quyết liệt trong việc triển khai chính sách; Việc ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện chính sách còn chậm; Công tác thông tin, tuyên truyền chưa đầy đủ, kịp thời.

Trình tự, thủ tục thực hiện đã được đơn giản hóa trong Quyết định 08/2022/QĐ-TTg nhưng trong quá trình thực hiện tại một số địa phương, người sử dụng lao động yêu cầu người lao động cung cấp các giấy tờ bổ sung để chứng minh về tình trạng ở thuê, ở trọ như hợp đồng thuê nhà, giấy đăng ký kinh doanh của chủ nhà trọ, giấy đăng ký tạm trú, kéo dài thời gian thẩm định hồ sơ xác minh tình trạng cư trú của người lao động.

Các tỉnh, thành phố cần tiếp tục thẩm định để giải ngân tiền hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi cho người lao động

Ngoài ra, còn tình trạng người sử dụng lao động chưa thực sự tìm hiểu về các điều kiện được hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, doanh nghiệp còn chưa chủ động trong việc triển khai thực hiện, công tác tuyên truyền đến người lao động; Nhiều doanh nghiệp sợ bị thanh, kiểm tra, liên đới trách nhiệm nên không thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn và lập danh sách đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Việc lập và gửi hồ sơ đề nghị theo quy định tại Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg còn muộn do nhiều doanh nghiệp muốn gộp 3 tháng vào làm thủ tục 1 lần. Vì vậy, đến giữa tháng 7/2022, hầu hết người sử dụng lao động mới tiến hành các thủ tục đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động…

Kinh phí đề nghị hỗ trợ đến nay thấp hơn dự kiến ban đầu khá nhiều (khoảng 54,83% so với 6.600 tỷ đồng). Lý do là năm 2021, khi xây dựng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các địa phương báo cáo nhu cầu số lượng lao động và dự kiến kinh phí hỗ trợ lên tới khoảng 6.600 tỷ đồng.

Trong đó một số địa phương thống kê cả lao động đang làm việc không thuộc phạm vi, đối tượng áp dụng quyết định; Dự kiến số lao động quay trở lại thị trường lao động nhiều; kinh phí hỗ trợ dự kiến tính đủ 3 tháng tiền thuê nhà, nhưng trên thực tế, có nhiều người lao động chỉ thuê nhà và xin đề nghị hỗ trợ theo số tháng thực tế thuê nhà là 1 hoặc 2 tháng.

Hiện nay, các tỉnh, thành phố đang tiếp tục thẩm định để giải ngân, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ đồng hành, hướng dẫn để các địa phương đẩy nhanh hơn nữa tốc độ giải ngân.

 Huyền Thanh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đảm bảo an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú trường học

Năm học 2022 - 2023 đã chính thức bắt đầu. Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giáo dục, các nhà trường cũng nỗ lực không ngừng để đảm bảo sức khỏe cho học sinh trong thời gian đến trường. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Hà Nội: Thu hồi vị thuốc cổ truyền Ngưu Tất

Tại Văn bản số 3802 do Sở Y tế Hà Nội ban hành nêu rõ, thực hiện công văn số 950/YDCT-QLD ngày 23/8/2022 của Cục Quản lý Y Dược cổ truyền thu hồi vị thuốc cổ truyền Ngưu Tất không đạt chỉ tiêu Độ ẩm.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nhieu-dia-phuong-vuong-mac-trong-ho-tro-tien-thue-nha-cho-nguoi-lao-dong-205187.html