Nhiều dự án xây cầu ở Đồng Nai chậm tiến độ vì vướng mặt bằng

22/08/2023 08:57

Kinhte&Xahoi Nhiều dự án xây dựng cầu ở Đồng Nai dù đã phải gia hạn thời điểm hoàn thành, thậm chí gia hạn nhiều lần nhưng vẫn chưa chốt được ngày về đích.

Trong những ngày cuối tháng 8, phóng viên đã có mặt tại khu vực triển khai xây dựng cầu Thống Nhất, cầu Vàm Cái Sứt (TP Biên Hòa), cầu Bạch Đằng 2 (huyện Vĩnh Cửu), cầu Nhơn Trạch (huyện Nhơn Trạch)... để ghi nhận tiến độ, quá trình thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh Đồng Nai.

Những cây cầu tiến độ rùa bò

Anh Nguyễn Văn Hùng, ngụ  nhà ở TP Biên Hòa, cho biết mỗi ngày anh đều đi ngang khu vực triển khai cầu Thống Nhất và cầu Vàm Cái Sứt nhưng thấy các dự án này chưa có nhiều sự thay đổi nên khá mong ngóng. Theo anh Hùng, hiện tại việc chậm hoàn thành các công trình trên chưa ảnh hưởng đến đời sống người dân nhưng anh và nhiều người đều chờ đợi các cây cầu hoàn thành để lưu thông nhanh, thuận tiện hơn.

“Tôi thấy vui khi sắp tới có cầu để bà con đi lại dễ dàng hơn trước. Dù vậy hiện nay ngày ngày ngang qua các dự án, thấy chưa thay đổi gì nên tôi cũng hơi buồn, vẫn mong dự án sớm hoàn thành. Trước mắt việc chậm trễ của dự án chưa ảnh hưởng đến việc đi lại của bà con do chúng tôi vẫn có nhiều cung đường khác để lưu thông. Nhưng về lâu dài chúng tôi vẫn muốn sớm có cầu để đi lại dễ dàng hơn”, anh Hùng nói.

Dự án cầu Vàm Cái Sứt chậm tiến độ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án cầu Vàm Cái Sứt khởi công vào tháng 10/2020 do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 390 tỷ, dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2022. Tuy nhiên, sau đó dự án phải gia hạn hợp đồng đến ngày 30/4/2023 và tiếp tục dời sang tháng 5/2024 mới hoàn thành. Cầu Vàm Cái Sứt là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh Đồng Nai, đây là hạng mục quan trọng trong dự án đường hương lộ 2. Dự án nhằm tạo lập thêm tuyến kết nối mới từ thành phố Biên Hòa đi TPHCM, giúp giảm quá tải, ùn tắc giao thông trên quốc lộ 51.

Tương tự, cầu Thống Nhất và đường dẫn hai đầu cầu thuộc dự án đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa có tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng và được khởi công từ cuối tháng 1/2023. Dự án được triển khai nhằm kết nối 2 phường Thống Nhất và phường Hiệp Hoà của thành phố Biên Hòa, giúp người dân di chuyển, ra vào nội ô thuận lợi hơn.

Theo kế hoạch, dự án sẽ thi công trong 900 ngày, tuy nhiên đến nay đã hơn nửa năm thi công gần như hiện trường vẫn “dậm chân tại chỗ”. Khi phóng viên có mặt tại dự án, có khoảng 6 máy cuốc, máy ủi… đang nằm tại khu vực triển khai dự án để chờ việc. Ngoài ra tại đây còn có 4 công nhân đang thi công đúc các cấu kiện bê tông tại phần đất dự án đã được bàn giao. Còn ngoài hiện trường chưa thấy triển khai và khá đìu hiu.

Chia sẻ với phóng viên một công nhân cho biết thời gian qua do chưa triển khai được các hạng mục khác nên một số anh em tập trung đúc các cấu kiện bê tông. Trong khi đó người nuôi cá bè cho biết họ có nắm thông tin phải di dời nhưng hiện vẫn chưa có nhiều thông tin cụ thể nên vẫn chờ cơ quan chức năng.

Tăng tốc trên công trường cầu Nhơn Trạch.

Giống như cầu Vàm Cái Sứt, và cầu Thống Nhất, dự án cầu Bạch Đằng 2 với quy mô 4 làn xe, nối thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai cũng đang chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu.

Dự án cầu Bạch Đằng 2 có chiều dài hơn 2,8km với mức đầu tư dự án là hơn 400 tỷ đồng từ vốn ngân sách, mỗi địa phương đóng 50% với phần cầu chính.  Dự án do Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư, Liên danh CTCP Tập đoàn Cienco 4 và CTCP Đầu tư và Xây dựng 492 phụ trách thi công. Khi hoàn thành, cầu Bạch Đằng 2 sẽ hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối các khu công nghiệp phía bắc của tỉnh Bình Dương với thành phố Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu, huyện Trảng Bom của tỉnh Đồng Nai. Dự án được khởi công vào cuối tháng 12/2021 và dự kiến hoàn thành trong 15 tháng kể từ ngày khởi công (tức là khoảng tháng 3/2023) nhưng đến nay dự án vẫn chưa về đích.

Ông Nguyễn Trọng Liêm, Kỹ sư Tập đoàn Cienco 4 cho biết, đến nay toàn bộ dự án mới hoàn thành khoảng 30% khối lượng công việc. Trong đó đã thi công xong cọc khoan nhồi và gần hoàn thành hạng mục mố trên bờ. Ngoài ra đối với trụ T4 đã thi công xong phần bệ, đang triển khai phần thân và dự kiến đến tháng 5/2024 dự án sẽ hoàn thành.

Công nhân làm việc tại công trường xây dựng cầu Bạch Đằng.

Cũng như những cây cầu nêu trên, một cây cầu khác đó là cầu Nhơn Trạch, tại huyện Nhơn Trạch đang chịu chung cảnh chậm tiến độ. Cầu Nhơn Trạch là cây cầu dài 2,6km (tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng) thuộc dự án đường vành đai 3 TP HCM kết nối huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) và TP Thủ Đức (TP.HCM). Trong chuyến thị sát đầu năm 2023, Thủ tướng đã yêu cầu nhà thầu và chủ đầu tư phải tập trung toàn bộ lực lượng để triển khai thi công, hoàn thành công trình sớm hơn so với tiến độ trong hợp đồng 3-4 tháng thế nhưng đến tiến độ công việc vẫn chưa đi tới đâu.

Vướng mặt bằng

Theo Văn phòng Tỉnh ủy Đồng Nai, tính đến hết tháng 7/2023 dự án xây dựng cầu trên địa bàn tỉnh vẫn chậm tiến độ và một trong những nguyên nhân là do vướng giải phóng mặt bằng.

Ông Ngô Thế Ân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai cho biết sau khi khởi công dự án cầu Thống Nhất, các nhà thầu đã chủ động đưa máy móc, nguyên vật liệu về tập kết để phục vụ thi công. Nhưng do vướng mặt bằng trên bờ và dưới sông nên hiện đơn vị thi công chưa thể tiếp cận vị trí xây dựng cầu.

“Dưới sông hiện vướng 20 lồng bè nuôi cá của các hộ dân khiến các phương tiện thi công không có mặt bằng để thi công. Do đó tới nay các nhà thầu mới chỉ đúc các cấu kiện bê tông tại phần đất dự án đã được bàn giao còn việc thi công ở hiện trường chưa được thực hiện”, ông Ân cho hay.

Ông Đỗ Khôi Nguyên, Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa nói rằng dự án cầu Vàm Cái Sứt và Thống Nhất sẽ giúp kết nối giao thông nội tỉnh thuận lợi hơn. Ông Nguyên cũng xác định nguyên nhân chính việc các dự án chậm tiến độ là do vướng mặt bằng nên địa phương đang tìm cách tháo gỡ. Cũng theo ông Nguyên hiện Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đồng Nai cùng thành phố đã có cuộc họp để bàn giải pháp. Thành phố Biên Hòa đã có phương án để sớm giải quyết công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư triển khai dự án.

Một góc khu vực triển khai cầu Thống Nhất.

Tương tự đối với dự án cầu Nhơn Trạch, vướng mắc mặt bằng phía Đồng Nai đang là nút thắt rất lớn cản trở tiến độ dự án. Mới đây ông Cho Byeong Hwan, giám đốc dự án gói thầu cầu Nhơn Trạch (đại diện cho nhà thầu chính), vừa có thư gửi Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư) bày tỏ quan ngại về tiến độ dự án do vướng mặt bằng. Hiện phía TP HCM đã bàn giao 100% mặt bằng, nhà thầu cam kết thi công hoàn thành sớm hơn bốn tháng so với hợp đồng. Tuy nhiên, phía Đồng Nai mới chỉ bàn giao được một phần ít mặt bằng.

Hải Sơn – Văn Bảo - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sôi động thị trường đồ dùng học tập

Thời điểm này, gần năm học mới, thị trường đồ dùng học tập trở nên sôi động hơn. Nhiều chương trình khuyến mãi đang được các nhà sách, siêu thị triển khai.

Giá các sản phẩm chế biến từ gạo tăng nhẹ do giá gạo tăng

Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 16-8, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam biến động trái chiều. Theo đó, giá gạo xuất khẩu 5% tấm giảm 5 USD/tấn, xuống còn 623 USD/tấn. Trong khi đó, gạo 25% tấm lại tăng 5 USD/tấn, lên mức 603 USD/tấn.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/giao-thong-do-thi/nhieu-du-an-xay-cau-o-dong-nai-cham-tien-do-vi-vuong-mat-bang-d197661.html