Nhiều gói thầu trị giá hàng chục tỷ, vì sao UBND huyện Hoài Đức vẫn đấu thầu...bằng giấy?

14/05/2020 17:30

Kinhte&Xahoi Mặc dù Bộ KHĐT đã có thông tư về việc đấu thầu qua mạng, nhưng UBND huyện Hoài Đức vẫn đấu thầu bằng giấy và Công ty Chí Cường đã trúng thầu.

Mặc dù lộ trình đấu thầu qua mạng (ĐTQM) giai đoạn 2016 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng và Quyết định số 1402/QĐ-TTg ngày 13/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng ĐTQM giai đoạn 2016 – 2025.

Cũng như Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng và quản lý, sử dụng giá trị bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả, thế nhưng ngay tại huyện Hoài Đức, hàng loạt gói thầu được sử dụng ngân sách nhà nước với số vốn từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng được đấu thầu bằng giấy với tỷ lệ tiết kiệm siêu thấp, không đảm bảo được tỷ lệ tối thiểu theo yêu cầu khiến dư luận hoài nghi về câu chuyện "quân xanh, quân đỏ" và doanh nghiệp sân sau.

 
Khu đất dịch vụ An Khánh chưa được giải phóng xong mặt bằng nhưng Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức vẫn tổ chức đấu thầu.

Chính điều này đã khiến dư luận địa phương và một số nhà thầu tham gia đấu thầu các gói thầu do Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức là bên mời thầu bức xúc trước thông tin, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Chí Cường liên tiếp cùng lúc trúng 2 gói thầu với giá trị từ 20 tỷ đồng đến 40 tỷ đồng do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức làm đơn vị mời thầu, Chủ đầu tư là UBND huyện Hoài Đức với điệp khúc đấu thầu rộng rãi, một giai đoạn hai túi hồ sơ bấp chấp Chỉ thị của Thủ tướng chính phủ cũng như Thông tư của Bộ kế hoạch đầu tư về việc đấu thầu qua mạng.

Theo tài liệu PV Báo Pháp luật Việt Nam có được, vào đầu tháng 5/2020, Ban quản lý dự án (BQLDA) ĐTXD huyện Hoài Đức vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án ĐTXD HTKT khu đất dịch vụ xã An Khánh - Vị trí X11.

Trong đó, có 4 nhà thầu tham dự gói thầu này, gồm: Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Chí Cường; Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Huy Hoàng; Công ty TNHH Hiếu Nam; Công ty CP 873 Xây dựng công trình giao thông.

Nhà thầu Chí Cường đã dễ dàng vượt qua 3 đối thủ để trúng gói thầu này, với giá trúng thầu là 21,07 tỷ đồng. 3 nhà thầu còn lại trượt thầu với lý do đáng tiếc.

Cụ thể, Nhà thầu Hiếu Nam trượt thầu vì HSDT không hợp lệ, trong khi đó nhà thầu này đã từng trúng thầu 15 gói thầu từ năm 2018 tới nay với giá trị trúng thầu mỗi gói thầu từ 10 - 36 tỷ đồng.

Nhà thầu 873 trượt thầu do HSDT không hợp lệ trong khi nhà thầu này được công bố trúng 7 gói thầu (với tư cách thành viên trong liên danh trúng thầu) có giá trị trúng thầu mỗi gói thầu từ 38 - 129,3 tỷ đồng. HSDT của Nhà thầu Huy Hoàng không đạt về năng lực, kinh nghiệm.

Trụ sở UBND huyện Hoài Đức.

Trước đó, trong năm 2019, Công ty CP đầu tư xây dựng Chí Cường cũng đã trúng gói thầu xây dựng trường mầm non An Khánh do Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức làm đơn vị mời thấu, giá trúng thầu là hơn 40 tỷ đồng.

Theo tài liệu và quá trình tìm hiểu của phóng viên báo Pháp luật Việt Nam được biết, các gói thầu mà Công ty CP đầu tư xây dựng Chí Cường đã trúng thầu không có bất kỳ gói thầu nào được đơn vị mời thầu và chủ đầu tư là UBND huyện Hoài Đức đấu thầu qua mạng mà được đấu thầu rộng rãi một giai đoạn 2 túi hồ sơ với chung 1 mô tuýp có 4 nhà thầu tham dự thì 3 nhà thầu bị đánh trượt với lỗi sơ đẳng ngay từ vòng ngoài để cho doanh nghiệp còn lại nghiễm nhiên trúng thầu với tỷ lệ siêu tiết kiệm.

Liên quan đến sự việc này, Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Vân, Phó giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức, ông Vân cho biết: “Về thông tin đấu thầu, phía Ban quản lý dự án đều công khai minh bạch, không bao giờ có chuyện cản trở, hay gây khó khăn cho nhà thầu mua hồ sơ. Gói thầu này phía Ban thực hiện đấu giấy...”.

Ông Nguyễn Xuân Vân, Phó GĐ Ban QLDA huyện Hoài Đức làm việc với PV.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc tại sao không thực hiện đấu thầu qua mạng theo chỉ đạo của Thủ tướng cũng như Thông tư mới nhất của Bộ kế hoạch đầu tư đã ban hành?

Vị Phó giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức lý giải: “Do kế hoạch lựa chọn nhà thầu được thực hiện từ trước năm 2019.

Năm đó cũng không yêu cầu 100% việc đấu thầu bắt buộc tất cả các gói phải đấu thầu qua mạng. Tại gói thầu này Ban thực hiện theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được lãnh đạo UBND huyện phê duyệt...”.

Việc bán hồ sơ được thực hiện từ tháng 2 năm 2020 đến đầu tháng 5/2020 thì công bố kết quả lựa chọn nhà thầu. Việc này không sai vì đã có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt từ trước.”.

Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi về nguồn vốn đề thực hiện dự án này được lấy từ đâu?

Ông Vân cho hay: “Dự án xây dựng các công trình hạ tầng như dự án này một phần vốn thu từ người dân và nguồn ngân sách cuả huyện vì đây là dự án xây dựng hạ tầng đất dịch vụ nên khi người dân được hưởng đất dịch vụ người dân phải nộp 821.000đ/1m2.

Một phần làm hạ tầng, một phần nộp vào ngân sách tiền thuế đối với người sử dụng đất. UBND TP Hà Nội cho phép thu tiền đất dịch vụ của dân để làm, nếu làm không đủ thì làm ở mức độ vừa phải thôi còn thiếu thì sau này thành phố và huyện tính... Hiện tại Ban vẫn chưa ký hợp đồng với Công ty CP đầu tư xây dựng Chí Cường...”.

Lý giải về việc tại sao chưa giải phóng xong mặt bằng sạch mà Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức vẫn tổ chức thực hiện việc đấu thầu?

Ông Vân lý giải: “ Do hiện tại người dân họ đang có ý kiến đòi được hưởng đất dịch vụ khi bị thu hồi đất. Hiện tại còn khoảng mấy chục hộ, giả sử như không giải phóng được sẽ phải tiến hành cưỡng chế để thi công chứ chờ người dân bàn giao biết bao giờ mới làm được".

Phụ lục kế hoạch lựa chọn nhà thầu được UBND huyện Hoài Đức phê duyệt từ năm 2018.

Theo tài liệu phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam có được, ngày 17/10/2018 tại Quyết định số 6104/QĐ-UBND do ông Nguyễn Anh, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Đức ký đóng dấu về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại dự án đầu tư xây dựng HTKT khu đất dịch vụ xã An Khánh - Vị trí X11 trong dự án này có 7 gói thầu nhỏ với tổng giá trị là 25,755 tỷ đồng đều được chỉ định thầu riêng phần xây lắp thi công xây dựng thì lại được đấu thầu bằng giấy (Một giai đoạn 2 túi hồ sơ).

Được biết, Công ty CP đầu tư xây dựng Chí Cường được thành lập ngày 28/11/2008 có địa chỉ tại Lô B13 - Khu đấu giá Vạn Phúc thuộc phường Vạn Phúc, TP Hà Nội, do ông Nguyễn Chí Cường là người đại diện theo pháp luật.

Trong khi đó, dư luận địa phương lại “dấy” lên nhiều thông tin rằng sở dĩ Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Chí Cường lại trúng thầu những dự án có nguồn ngân sách lớn do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện là đơn vị mời thầu vì công ty này là “sân sau” của lãnh đạo huyện?

Phải chăng UBND huyện Hoài Đức đang cố tình chống lệnh Thủ tướng và Bộ kế hoạch đầu tư trong việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu từ năm 2018 đến năm 2020 mới tổ chức thực hiện việc đấu thầu để tạo điều kiện cho Công ty CP đầu tư xây dựng Chí Cường trúng thầu bằng hình thức một giai đoạn 2 túi hồ sơ.

Đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Công an Hà Nội vào cuộc điều tra lại quá trình đấu thầu và lựa chọn nhà thầu của Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức để đảm bảo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ảnh hưởng từ dịch bệnh, người nuôi gia cầm tại Đồng Nai khổ sở vì... giá hạ thấp tận đáy

Đồng Nai là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước. Ngoài dẫn đầu về đàn heo thì Đồng Nai còn có tổng đàn gia cầm cũng xếp TOP của cả nước với khoảng hơn 32 triệu con. Tuy nhiên, hiện nay giá gia cầm và trứng giảm thấp tận đáy khiến người nuôi gia cầm tại Đồng Nai lao đao vì lỗ nặng hoặc không có lãi, mất thu nhập.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/dau-thau/nhieu-goi-thau-tri-gia-hang-chuc-ty-vi-sao-ubnd-huyen-hoai-duc-van-dau-thaubang-giay-d124448.html