Nhiều "khuyết điểm trong ngành giáo dục tại Thanh Hóa

14/12/2021 07:40

Kinhte&Xahoi Theo kết luận thanh tra, trong hai năm 2019 và 2020, Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa nhiều năm liền không thực hiện tuyển dụng, bổ sung đội ngũ viên chức các trường THPT.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành kết luận thanh tra số 1080/KL-BGDĐT liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục của UBND tỉnh Thanh Hóa năm 2019 và 2020. Theo đó, Bộ GD&ĐT đã chỉ ra nhiều hạn chế, thiếu sót của đơn vị này.

Chưa giải quyết dứt điểm đơn thư

Nổi bật như năm 2019 và 2020, UBND tỉnh chưa cấp đủ kinh phí chi hoạt động giảng dạy và học tập ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn; Không bố trí vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách Nhà nước cho các dự án khởi công mới thuộc lĩnh vực GD&ĐT.

 Giai đoạn 2019-2020, ông Nguyễn Đình Xứng giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; Ông Phạm Đăng Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phụ trách văn hóa xã hội.

Thời điểm thanh tra, toàn tỉnh có tình trạng thiếu nhiều giáo viên (GV) ở các cấp học, bậc học, mất cân đối giữa các môn học ở giáo dục phổ thông theo quy định; Chưa có phương án giải quyết, bố trí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp theo Đề án đào tạo nguồn nhân lực cho khu kinh tế Nghi Sơn; Chưa chỉ đạo UBND cấp huyện phối hợp với Sở GD&ĐT hướng dẫn, thanh tra và kiểm tra việc tổ chức, hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học trên địa bàn...

Ngoài ra, cũng tại thời điểm thanh tra, UBND tỉnh chưa giải quyết, chỉ đạo giải quyết dứt điểm đơn thư của bà Nguyễn Thị Hà Lan, bà Mai Thị Đức, bà Phạm Thị Thu theo đúng quy định pháp luật.

Trách nhiệm để xảy ra hạn chế, thiếu sót nêu trên thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phụ trách văn hóa xã hội thời kỳ năm 2019 và 2020.

Ông Nguyễn Đình Xứng. Ảnh: Bảo Minh/báo Xây dựng

Đối với Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa, nhiều năm liền không thực hiện tuyển dụng, bổ sung đội ngũ viên chức các trường THPT; Chưa cấp đủ kinh phí theo phân kỳ nhu cầu kinh phí thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và dự kiến phân bổ nguồn lực tài chính; Chưa công bố công khai thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử.

Sở GD&ĐT cũng chưa thực hiện thanh tra, kiểm tra đổi với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh về việc lập, phân bổ, sử dụng ngân sách Nhà nước cho giáo dục trên địa bàn tỉnh. Để xảy ra những hạn chế, thiếu sót này, trách nhiệm thuộc về Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa thời kỳ năm 2019 và 2020.

Bà Phạm Thị Hằng làm Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa thời kỳ năm 2019, 2020. Ảnh: Tuấn Minh

Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định

Bộ GD&ĐT cũng chỉ ra hàng loạt khuyết điểm dẫn đến các hạn chế, thiếu sót tại Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch & Đầu tư, UBND TP Thanh Hóa và các huyện, thị trên địa bàn tỉnh. Theo Bộ GD&ĐT, trách nhiệm để xảy ra hạn chế, thiếu sót trên thuộc về lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa và Giám đốc Sở GD&ĐT thời kỳ năm 2019 và 2020.

Từ những hạn chế xảy ra tại UBND tỉnh Thanh Hóa liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục, Bộ GD&ĐT kiến nghị UBND tỉnh rà soát, tham mưu HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về giáo dục, xây dựng, ban hành quyết định quy định về tỷ lệ phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách địa phương, định mức phân bổ chi thường xuyên và quy định tỷ lệ chi hoạt động giáo dục theo đúng quy định.

Chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở giáo dục công lập xây dựng đề án vị trí việc làm và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; Xây dựng kế hoạch biên chế hàng năm và trình Bộ Nội vụ thẩm định và giao chỉ tiêu, bố trí đủ biên chế giáo viên mầm non theo quy định; bố trí định mức biên chế ở các cơ sở giáo dục phổ thông đảm bảo đúng quy định.

Có phương án giải quyết số giáo viên dôi dư đối với các cơ sở giáo dục khối trực thuộc Sở GD&ĐT, chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông bố trí giáo viên dạy đảm bảo số tiết theo quy định, có phương án và đảm bảo bố trí đủ biên chế đối với các phòng GD&ĐT cấp huyện. Trường hợp chưa bố trí đủ biên chế thì cần đảm bảo các viên chức được điều động/biệt phái làm nhiệm vụ chuyên môn tại phòng GD&ĐT phải được hưởng các chế độ theo nhiệm vụ được giao.

Chỉ đạo rà soát tổng thể trên địa bàn tỉnh, có biện pháp giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; Chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị đề xuất phương án, kế hoạch giải quyết dứt điểm số lao động hợp đồng theo đúng quy định, có phương án xử lý giải quyết dứt điểm đối với những hợp đồng lao động ký với giáo viên không đúng quy định, nếu vẫn phải ký hợp đồng lao động thì phải đảm bảo chế độ, chính sách cho giáo viên theo đúng quy định.

Trụ sở Sở GD&ĐT Thanh Hóa.

Tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra đối với trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục của các đơn vị thuộc UBND tỉnh, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm sai phạm (nếu có) theo quy định pháp luật. Có văn bản hướng dẫn, thanh tra và kiểm tra việc tổ chức, hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo giải quyết dứt điểm đơn thư phản ánh, kiến nghị trên địa bàn về lĩnh vực giáo dục, đặc biệt đơn thư của bà Nguyễn Thị Hà Lan theo đúng quy định pháp luật.

Đối với Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa, Bộ GD&ĐT đề nghị tổ chức tuyển dụng viên chức theo phân cấp, thuộc thẩm quyền theo đúng đề án vị trí việc làm và chỉ tiêu kế hoạch được giao; rà soát điều kiện, đối tượng đối với những ứng viên đã trúng tuyển viên chức năm 2020 theo quy định, đề xuất UBND tỉnh hướng xử lý đối với trường hợp không đúng quy định, thiếu điều kiện tiêu chuẩn; Thực hiện bố trí đủ kinh phí triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo quy định,quy định cụ thể các đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý cấp phát các loại chứng chỉ.

Thực hiện phân cấp in bằng tốt nghiệp THCS cho các phòng GD&ĐT theo quy định. Xây dựng phương án và xử lý đối với chứng chỉ Sở GD&ĐT đã cấp không đúng thẩm quyền theo quy định.

Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định đối với tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh và Sở GD&ĐT để xảy ra hạn chế, thiếu sót được chỉ ra qua thanh tra, báo cáo kết quả thực hiện về Bộ GD&ĐT trước ngày 30/10/2021.

Bộ GD&ĐT cũng kiến nghị Thủ tưóng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 7 Phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước ban hành kềm theo Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2017 theo hướng điều chỉnh tỷ lệ chi thường xuyên cho hoạt động giảng dạy và học tập (không kể lương và có tính chất lương) phù hợp với tình hình thực tế xã hội giai đoạn 2021 - 2025.

Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 127/2018/NĐ-CP theo hướng bổ sung vị trí việc làm về kế toán đối với Phòng GD&ĐT huyện/thị xã/TP thuộc tỉnh đảm bảo đủ biên chế để thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại khoản 8 Điều 13 Nghị định số 127/2018/NĐ-CP.

Liên quan đến kết luận thanh tra nêu trên, ông Nguyễn Đức Cường - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, các đơn vị liên quan đến kết luận thanh tra tại Thanh Hóa đã gửi báo cáo việc khắc phục những hạn chế, thiếu sót được chỉ ra qua thanh tra. Hiện, các nội dung đang được Thanh tra Bộ GD&ĐT xử lý và sẽ thông tin lại quý báo sau.

Ông Trần Văn Thức – Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng cho biết: Sở GD&ĐT đã báo cáo về UBND tỉnh, sau đó UBND tỉnh báo cáo về Bộ GD&ĐT. Việc khắc phục có lộ trình, có việc khắc phục được nhanh nhưng có việc phải từ từ mới khắc phục được.

“Sáng 13/12, tôi nhận được công văn của UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các Sở, ban, ngành liên quan chỉ đạo khắc phục những hạn chế sau kết luận thanh tra của Bộ GD&ĐT” - ông Thức cho hay. 

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Hùng Tâm - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Siêu thị Hà Nội mở hàng loạt chương trình khuyến mãi

Hưởng ứng chương trình khuyến mãi tập trung quốc gia 2023, nhiều doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội đã chuẩn bị hàng hóa với số lượng tăng 20%-30% so với tháng bình thường, đồng thời liên kết chặt chẽ với nhà cung cấp liên tục tổ chức nhiều chương trình giảm giá hấp dẫn.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/nhieu-khuyet-diem-trong-nganh-giao-duc-tai-thanh-hoa-d172509.html