Nhức nhối vi phạm trật tự đô thị xung quanh khu vực hồ Tây

30/08/2019 14:33

Kinhte&Xahoi Sau nhiều tháng hoàn thành việc cải tạo, lát mới vỉa hè theo tiêu chuẩn quy định thiết kế mẫu vỉa hè đường phố đô thị của UBND thành phố Hà Nội, khu vực đường đi dạo, vườn cây xung quang hồ Tây đã bị chiếm dụng trở lại làm nơi để xe, kinh doanh, buôn bán trái quy định.

Những năm gần đây, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều dự án sửa chữa, chỉnh trang lại hệ thống đường đi dạo ven hồ và xây mới khu tập thể dục, vườn hoa xung quanh khu vực hồ Tây để phục vụ lợi ích công cộng của nhân dân. Cũng chính bởi thường xuyên được nâng cấp, đầu tư cải tạo đồng bộ nên khu vực hồ Tây ngày trở nên sạch đẹp, văn minh, hiện đại hơn.

Sau khi dự án lát mới vỉa hè khu vực hồ Tây được hoàn thành thì tình trạng vi phạm trật tự đô thị lại tiếp diễn.

Trong đợt thay lát gạch đá vỉa hè mới đây theo tiêu chuẩn thiết kế đường phố đô thị trên địa bàn thành phố tại khu vực bờ hồ Tây được triển khai từ đầu tháng 4 đến nay đã hoàn tất. Tuy nhiên sau khi được đưa vào sử dụng, vỉa hè khu vực hồ Tây lại tiếp tục bị chiếm dụng trở thành nơi đỗ xe, kinh doanh, buôn bán.

Ghi nhận tại số tuyến phố: Trích Sài, Thụy Khê, Vệ Hồ… PV nhận thấy, vỉa hè đường đi dạo xung quang hồ, khu tập thể dục, vườn hoa đang bị chiếm dụng một phần hay thậm chí là toàn bộ bởi hàng quán ăn uống di động. Cách không xa các điểm buôn bán, kinh doanh trái quy định là những hàng xe máy, ô tô dừng đỗ ngay bên trên vỉa hè gây cản trở cho người đi bộ.

Các phương tiện được để trên vỉa hè gây khó khăn cho người đi bộ.

Người dân cho hay, các điểm hàng quán bán hàng di động trên vỉa hè thường là quán nước, quán ốc và chỉ hoạt động từ thời điểm chiều tối đến đêm muộn. Ngoài việc chiếm dụng không gian công cộng để buôn bán thì các hàng quán này cũng ngang nhiên xả rác ra khu vực chiếm dụng, gây nên cảnh tượng nhếch nhác cho buổi sáng ngày hôm sau.

Không chỉ có vậy, những chiếc xe máy, ô tô của khách cũng được chủ các điểm bán hàng, kinh doanh này xếp thành hàng dài trên vỉa hè và hệ quả là các viên gạch vừa mới được đầu tư đã bong tróc, nứt vỡ do phải chịu lực quá lớn. Nếu như tình trạng các phương tiện chiếm dụng vỉa hè của người đi bộ trong một thời gian dài thì nhất định phần gạch đá sẽ bị hư hại nghiêm trọng.

Vỉa hè xung quanh hồ Tây vốn dành riêng cho người đi dạo quanh hồ nhưng giờ lại nhường chỗ những bộ bàn ghế và những chiếc xe.

Người dân cũng cho biết, đã nhiều lần chính quyền các phường có trách nhiệm quản lý những tuyến phố của hồ Tây ra quân xử lý hoạt động bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè nhưng chỉ được một thời gian rồi đâu lại vào đấy. Nguyên nhân có thể thấy do các đơn vị phường ra quân không đồng đều và sau khi ra quân không có lực lượng dám sát nên chủ những hàng quán này lại tái diễn lấn chiếm vỉa hè, vi phạm trật tự đô thị.

Vũ Cừ

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra để đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu

Theo thông tin từ Cục an toàn vệ sinh thực phẩm, để đảm bảo quyền lợi cũng như an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, UBND Thành phố Hà Nội đã ra chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị thực hiện đồng bộ thanh, kiểm tra để đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) cho người dân trong dịp Tết Trung thu.

Chọn bánh Trung thu handmade thế nào cho an toàn?

Những ngày qua cơ quan chức năng liên tục phát hiện, thu giữ nhiều lô bánh Trung thu không rõ nguồn gốc nhập lậu vào Việt Nam. Lo ngại về chất lượng của những loại bánh này, nhiều người đặt niềm tin cho bánh trung thu handmade nhưng sự thật những chiếc bánh handmade có thực sự an toàn...

Nguồn: HATAP