Niềm tin vững chắc của Việt Nam trong "cuộc chiến" chống "giặc" Covid-19

12/03/2020 14:15

Kinhte&Xahoi Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) ở nước ta đã bước sang giai đoạn mới đầy cam go, phức tạp song chúng ta có niềm tin vững chắc rằng với những kinh nghiệm quý báu rút ra từ “thắng trận đầu” cùng quyết tâm cao độ và biện pháp mạnh mẽ, đúng đắn sẽ giành chiến thắng trong cả cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Những biện pháp mạnh mẽ cho chúng ta niềm tin vững chắc sẽ giành chiến thắng trong “cuộc chiến” chống “giặc” Covid-19

“Cuộc chiến” bước sang giai đoạn mới

Dịch Covid-19 trên thế giới cũng đã bước sang giai đoạn mới khi quốc gia tâm dịch Trung Quốc đang khống chế và đẩy lùi hiệu quả dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này. Điều đó không chỉ thấy ở số ca mắc mới những ngày gần đây chỉ dao động ở mức trên dưới 20 ca mỗi ngày và số tử vong cũng chỉ khoảng 20 ca/ngày, mức giảm rất mạnh so với thời điểm đỉnh dịch tới hàng nghìn ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-Cov-2/nCoV) gây dịch Covid-19 và hàng trăm ca tử vong mỗi ngày. Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 10-3 lần đầu tiên tới thăm thành phố tâm dịch Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) là nhằm phát đi thông điệp rằng quốc gia có gần 81.000 ca mắc Covid-19 và hơn 3.100 người tử vong này đã khống chế và đang đẩy lui dịch bệnh truyền nhiễm chết người này.

Tuy nhiên, trái với tín hiệu rất tích cực từ tâm dịch Trung Quốc, tình hình dịch Covid-19 tại nhiều quốc gia khác trên thế giới lại rất phức tạp, lây lan nhanh, khó kiểm soát. Dịch Covid-19 hiện đã xuất hiện tại 104 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng cộng hơn 114.000 người mắc và hơn 4.000 trường hợp tử vong. Trừ Trung Quốc, số ca nhiễm và tử vong trên thế giới đang không ngừng gia tăng như Italia (9.172 ca mắc, 463 ca tử vong); Hàn Quốc (7.513; 54); Iran (7.161; 237); Pháp (1.412; 30); Tây Ban Nha (1.231; 30), Đức (1.224; 2), Mỹ (1.030; 31)…

Dịch Covid-19 đã dẫn tới tình hình căng thẳng tại nhiều quốc gia, làm đảo lộn cuộc sống thường nhật và ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế, trước hết là lĩnh vực dịch vụ, du lịch, hàng không. Italy đã phải phong tỏa, hạn chế đi lại cả đất nước từ ngày 10-3 để ngăn chặn đà lây lan tới chóng mặt của dịch Covid-19 tại nước này.

Tại quốc gia phát triển và giàu có bậc nhất thế giới là Mỹ thì dịch Covid-19 cũng đang gây tác động rất tiêu cực tới nhiều mặt kinh tế - xã hội. Nhiều bang của Mỹ đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp để chống dịch, trong đó sự bùng phát nhanh của dịch bệnh Covid-19 đã buộc 2 ứng viên đang đua tranh để giành quyền đề cử của Đảng Dân chủ làm ứng cử viên Tổng thống của đảng này là Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và cựu Phó Tổng thống Joe Biden phải hủy bỏ các cuộc vận động tranh cử.

Không chỉ lây lan với tốc độ khó kiểm soát trên toàn cầu ngoài Trung Quốc đại lục, virus SARS-CoV-2 gây ra dịch Covid-19 đang biến đổi gene, gây ra nhiều lo ngại khắp thế giới. Hiện giới chuyên môn tại Italia đã xác định đồng thời có 4 biến chủng của virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 tại nước này và những chủng này khác với chủng của virus được xác định gây ra dịch bệnh tại thành phố tâm dịch Vũ Hán của Trung Quốc.

Đánh giá cao biện pháp mạnh mẽ ngăn chặn Covid-19 của Việt Nam

Tại Việt Nam, tính tới hết ngày 11-3 đã xác định 38 trường hợp mắc Covid-19 và đa số ca mắc mới được ghi nhận từ ngày 6-3 trở lại đây, tức là chỉ trong chưa đầy một tuần. Trước đó, từ ngày 23-1đến 5-3, cả nước chỉ ghi nhận 16 trường hợp mắc (hiện đều đã được chữa khỏi); từ ngày 6 tới nay đã ghi nhận thêm 22 trường hợp mắc mới (11 người Việt Nam và 11 người nước ngoài).

Cùng với đó, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe là 24.728 người, trong đó có 2.525 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 8.057 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 14.200 người cách ly tại nhà và nơi cư trú. So với ngày 9-3 số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly tăng 4.707 người; trong đó tăng 2.059 người đang cách ly tập trung tại bệnh viện.

Có thể thấy dịch Covid-19 đã bước sang giai đoạn mới ở nước ta với diễn biến phức tạp, đòi hòi chúng ta phải có những biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết và nghiêm ngặt hơn để ứng phó với dịch bệnh. Dự báo diễn biến dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng lớn đến kinh tế thế giới, khu vực và nhiều nước đối tác lớn, qua đó tiếp tục tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực của đất nước và cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ để ứng phó hiệu quả, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, các cơ sở y tế, tổ chức, cá nhân liên quan tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ… trong đó lưu ý tiếp tục thực hiện nghiêm giải pháp cách ly hành khách đi từ vùng có dịch hoặc đi qua vùng có dịch vào Việt Nam. 

Cách ly là một trong những giải pháp quan trọng bậc nhất để phòng chống dịch Covid-19 và điều đó được minh chứng trong giai đoạn chống dịch đầu tiên vừa qua. Trong chỉ đạo mới nhất ngày 11-3, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn nguy cơ, phát hiện sớm, phân loại, khoanh vùng nhanh nhất, cách ly kịp thời, dập dịch triệt để, không để dịch bệnh lây lan, chăm lo bảo vệ sức khỏe, điều kiện sinh hoạt và không thể lây nhiễm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, lực lượng vũ trang làm công tác phòng chống dịch, nhất là các khu cách ly tập trung.

Cùng với đó, nhiều biện pháp mạnh mẽ và kiên quyết khác đang tiếp tục được triển khai nhằm sớm khống chế dịch. Mới nhất, Chính phủ Việt Nam quyết định tạm dừng thực hiện chính sách miễn thị thực đơn phương đối với công dân các nước: Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Anh, Đức, Pháp và Tây Ban Nha, áp dụng từ 0h ngày 12-3. Bên cạnh việc tạm dừng chính sách miễn thị thực, chúng ta cũng bàn thảo vấn đề có nên cách ly tập trung với hành khách đến từ vùng dịch châu Âu…

Là một trong những lực lượng quan trọng chống dịch, quân đội đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch theo kịch bản đáp ứng 5 cấp độ dịch: Cấp độ 1: có trường hợp bệnh xâm nhập; Cấp độ 2: dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát trong nước; Cấp độ 3: dịch bệnh lây lan trên 20 trường hợp mắc trong nước; Cấp độ 4: dịch bệnh lây lan trong cộng đồng từ trên 1.000 - 3.000 trường hợp mắc; Cấp độ 5: dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng từ trên 3.000 - 30.000 trường hợp mắc.

Quyết tâm cao độ và các biện pháp mạnh mẽ, chúng ta có niềm tin vững chắc sau khi thắng trận đầu sẽ giành chiến thắng cả cuộc chiến chống dịch Covid-19. Gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 10-3, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, ông Kamal Malhotra đã đánh giá cao nỗ lực, hoạt động mà Việt Nam tiến hành để ngăn chặn lây lan dịch Covid-19, không chỉ ở giai đoạn 1 mà cả giai đoạn 2 hiện nay.

Theo ông Kamal Malhotra, Việt Nam là quốc gia duy nhất chặn đứng và giảm số lượng người mắc Covid-19 (chữa khỏi 16 trường hợp) và Liên hợp quốc đã sử dụng kinh nghiệm giai đoạn đầu của Việt Nam để chia sẻ với các nước trên thế giới. Trước việc có thêm những trường hợp nhiễm Covid-19 mới, Liên hợp quốc vẫn đánh giá cao các biện pháp mạnh mẽ, chủ động mà Việt Nam đang thực hiện để chặn sự lây lan trong cộng đồng. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hãy là người tiêu dùng thông thái

Mặc dù các siêu thị, nhà sản xuất đã cam kết cung cấp đủ nguồn hàng và giữ ổn định giá cả, nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn ùn ùn kéo nhau đi mua thực phẩm tích trữ. Khuyến nghị dành cho người dân lúc này là cần bình tĩnh, hãy là những người tiêu dùng thông thái, góp phần ổn định thị trường.

Hà Nội: Chợ, siêu thị đầy ắp hàng hóa, sức mua giảm

Không còn cảnh tranh giành vơ vét mua hàng hóa tích trữ, qua khảo sát một số chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn Hà Nội và sáng 8/3, thị trường đã ổn định hàng hóa trở lại, các kệ hàng đầy ắp hàng hóa. Cùng với đó sức mua cũng đã giảm mạnh.

Link bài gốc https://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/niem-tin-vung-chac-cua-viet-nam-trong-cuoc-chien-chong-giac-covid19/846173.antd