Nội dung trả lời chất vấn trúng và đúng các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

07/11/2023 17:30

Kinhte&Xahoi Sau gần 2 ngày diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá phần trả lời của các bộ trưởng, trưởng ngành và các Phó Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện tinh thần cầu thị, thông tin đúng và trúng các vấn đề đại biểu nêu.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh)

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh):

 Giải đáp nhiều vấn đề mà đại biểu, cử tri quan tâm

Qua 2 phiên chất vấn đầu tiên, các đại biểu đã đặt ra nhiều vấn đề xuất phát từ thực tiễn, đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhìn chung, các bộ trưởng trong phiên trả lời đầu tiên đã giải đáp nhiều vấn đề mà đại biểu, cử tri quan tâm. Tại phiên thứ hai, các bộ trưởng đều nắm được công việc, lĩnh vực mình phụ trách, điều hành. Tuy nhiên, một số nội dung trả lời chưa đáp ứng được mong muốn, yêu cầu của đại biểu nên nhiều đại biểu đã tiếp tục tranh luận.

Bước vào phiên chất vấn thứ ba đối với các lĩnh vực tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát; kiểm toán, từ thực tiễn của thành phố Hồ Chí Minh, tôi thấy các vấn đề về khắc phục tình trạng chậm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; việc cải thiện tiền lương cho đại bộ phận cán bộ, công chức, viên chức; việc thi hành án; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông... đều là nội dung được cử tri quan tâm, mong các bộ trưởng, trưởng ngành giải quyết thấu đáo.

Đại biểu Đinh Công Sỹ (Đoàn Sơn La).

Đại biểu Đinh Công Sỹ (Đoàn Sơn La)

 Bảo đảm đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất để thực hiện đổi mới giáo dục

Thời gian qua, Chính phủ và Quốc hội đã xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật để phát triển giáo dục và đào tạo, trong đó đã luật hóa mức chi tối thiểu cho giáo dục và đào tạo là 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, mức chi này trên thực tế chưa bảo đảm theo quy định của pháp luật, như trong năm 2022, dự toán chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo chỉ khoảng 50% có thể bảo đảm được, nhiều địa phương không đạt, thậm chí đạt dưới 15%.

Để thực hiện hiệu quả việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, theo tôi, cần bảo đảm hai yếu tố rất quan trọng là bảo đảm đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Tuy nhiên, thực tiễn đội ngũ giáo viên hiện đang thiếu rất nhiều; bên cạnh đó, cơ sở vật chất vẫn đang còn rất khó khăn, thiếu trường lớp cục bộ vẫn diễn ra, nhất là tại các thành phố lớn, khu công nghiệp...

Với những khó khăn, vướng mắc đã được nhận diện, tôi mong muốn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như ngành Giáo dục sớm có những giải pháp quyết liệt và mạnh mẽ hơn để khắc phục tồn tại, hạn chế. Bên cạnh đó, Chính phủ phải có sự điều phối, chỉ đạo sự vào cuộc của các bộ, ngành có liên quan để ngành giáo dục thực hiện được các mục tiêu của mình.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp)

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp):

 Mong chờ bước chuyển mới về cải cách tiền lương và vị trí việc làm

Tôi đánh giá cao phần trả lời chiều nay của các bộ trưởng về nhóm vấn đề nội chính, tư pháp đã thể hiện tinh thần cầu thị, thông tin trúng và đúng các vấn đề đại biểu nêu ra.

Đặc biệt, tôi ấn tượng trước phần trả lời đầy đủ, rõ ràng, rành mạch của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà về vấn đề cải cách tiền lương và vị trí việc làm. Trước những thông tin mà Bộ trưởng đã nêu, nhân dân và cử tri mong chờ từ ngày 1-7-2024 sẽ có bước chuyển biến mới về cải cách tiền lương và vị trí việc làm với cán bộ, công chức hiện nay

Cũng trong đầu giờ chiều nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã “đăng đàn” giải trình về tình trạng chậm, nợ văn bản của Chính phủ trong thời gian qua với tinh thần cầu thị, thẳng thắn, nhìn nhận rõ những hạn chế, thiếu sót... Trong thời gian gần đây, việc ban hành văn bản đã có chuyển biến tốt. Nội dung này được đề cập trong các phiên họp hằng tháng của Chính phủ nhằm tìm giải pháp khắc phục tốt nhất.

Như nhiều đại biểu đã nêu, tôi cũng cho rằng, nhiều cán bộ dám nghĩ mà không dám làm do xung đột văn bản pháp lý. Ví dụ thực tế như luật đã được ban hành nhưng chậm ban hành thông tư, nghị định hướng dẫn nên không có cơ sở thực hiện. Hy vọng tới đây, việc ban hành các văn bản pháp luật sẽ có chuyển biến tốt, nhanh chóng, kịp thời, đồng bộ, hạn chế những xung đột pháp lý đã được chỉ ra.

Đại biểu Quản Minh Cường (Đoàn Đồng Nai).

Đại biểu Quản Minh Cường (Đoàn Đồng Nai):

 Giáo dục, y tế là những vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm

Công tác chất vấn tại kỳ họp thứ sáu đã thể hiện sự công khai, minh bạch, rõ ràng. Người chất vấn và người trả lời chất vấn chuẩn bị kỹ lưỡng, nắm vững vấn đề.

Người dân, cử tri rất quan tâm đến các vấn đề “nóng” như: Chất lượng dạy học, vấn đề sách giáo khoa, chăm sóc sức khỏe nhân dân... được đề cập trong nhóm lĩnh vực lĩnh vực văn hóa, xã hội của phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Một nội dung cũng không kém phần quan trọng đó là vấn đề phòng, chống tội phạm trong nhóm lĩnh vực nội chính, tư pháp. Những năm qua, tội phạm xã hội đã được ngành công an làm rất tốt, tuy nhiên, tội phạm có nguyên nhân xã hội có chiều hướng gia tăng.

Tôi kỳ vọng sau phiên chất vấn, các bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện đúng lời hứa của mình, thể hiện quyết tâm, thực sự hành động. Các đại biểu Quốc hội cũng kỳ vọng những đối mới của Quốc hội tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này sẽ phản ánh, giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề bức thiết của đất nước và đời sống xã hội, đáp ứng sự mong mỏi của cử tri và nhân dân cả nước.

 Hoa  - Thành (ghi)- Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bảo đảm cung cầu, bình ổn thị trường Tết 2024

Đánh giá cung, cầu các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, vật tư nông nghiệp, năng lượng trong giai đoạn cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng, bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống…

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/noi-dung-tra-loi-chat-van-trung-va-dung-cac-van-de-dai-bieu-quoc-hoi-neu-647251.html