Nóng chuyện hóa đơn tiền điện: Chỉ 1 mã số, chấm dứt sai sót nghi ngờ

27/06/2020 10:49

Kinhte&Xahoi Chỉ cần nhập mã khách hàng, người dân hoàn toàn có thể đo được lượng điện sử dụng từng ngày một; khi có bất thường hoàn toàn có thể nhận ra ngay.

Tranh cãi chưa thôi, nghi ngờ không dứt

Những ngày cuối tháng 6, câu chuyện hóa đơn tiền điện “nóng” không kém gì thời tiết. Không ít người băn khoăn khi phải nhận những tờ hóa đơn tăng chóng mặt so với các tháng trước. Một vài vụ ghi nhầm tiền điện lên đến hàng chục triệu đồng do “sai sót cá nhân” như đổ thêm dầu vào lửa.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lập tức thành lập đoàn kiểm tra gồm đại diện EVN, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ),... cùng sự tham gia của báo chí.

Đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng kiểm tra công tơ điện. Ảnh: Lương Bằng

Đoàn đã kiểm tra ở các đơn vị thuộc EVN Hà Nội, sắp tới là điện lực miền Bắc, điện lực Đà Nẵng, điện lực TP.HCM... 2 ngày kiểm tra ở Hà Nội cho thấy, những hóa đơn gấp 3-4 lần không phải là chuyện hiếm gặp. Theo báo cáo của EVN Hà Nội, từ đầu tháng 6 đến nay, lượng điện tiêu thụ tại Hà Nội liên tục tăng cao, đặc biệt là ngày 9/6 đạt hơn 89,2 triệu kWh - lượng điện tiêu thụ cao nhất từ trước đến nay.

Lượng điện tiêu thụ trong tháng 6 tăng rất cao. Tính đến ngày 22/6, lượng điện tiêu thụ trung bình ngày là hơn 76,4 triệu kWh, tăng gần 22% so với tháng 5 và 77,8% so với tháng 4.

Số lượng khách hàng có sản lượng sinh hoạt tăng từ 30% trở lên chiếm tới 66% tổng số khách hàng sinh hoạt của EVN Hà Nội có phát sinh hóa đơn trong tháng 6. Trong đó, số lượng khách hàng có sản lượng từ 300% lên tới hơn 110 nghìn khách hàng. Cũng vì thế, từ 1/6 đến ngày 22/6, Trung tâm chăm sóc khách hàng của EVN Hà Nội đã nhận được tới 3.493 yêu cầu liên quan đến hóa đơn tiền điện và chỉ số công tơ, tăng 4,6 lần so với tháng 5/2020.

Trở lại việc đi kiểm tra, đoàn kiểm tra đã chọn ngẫu nhiên các trường hợp có khiếu nại về số tiền điện. Kết quả, có người thì “tâm phục khẩu phục” sau khi nhân viên điện lực đưa ra các số liệu chứng minh, so sánh với sản lượng cùng kỳ năm trước. Nhưng có khách hàng dù không còn khiếu nại gì thêm nhưng vẫn bày tỏ hoài nghi về tính chính xác của lượng điện tiêu thụ tại gia đình.

Rõ ràng, mùa hè nào cũng vậy, EVN lại đối mặt với những hoài nghi khi sản lượng điện của người dân tăng cao, cho dù có giải thích như thế nào chăng nữa. Nếu vẫn tiếp tục duy trì cách thức như hiện nay, những tranh cãi, hoài nghi ấy sẽ không bao giờ chấm dứt, trở thành câu chuyện “đến hẹn lại lên”. Vậy, lẽ nào tất cả phải chấp nhận sống trong hoài nghi khi cầm tờ hóa đơn tiền điện?

Số hoá, 2 bên cùng kiểm soát từ xa

Vấn đề nào cũng có thể giải quyết, quan trọng là có làm hay không và làm như thế nào. Với câu chuyện hóa đơn tiền điện EVN đang đối mặt, cần phải có các giải pháp khác biệt so với những cách làm bấy lâu nay vẫn làm.

Trước hết, phải đẩy nhanh việc thay thế công tơ cơ khí bằng cách loại công tơ điện tử có chức năng đo xa. Toàn tập đoàn EVN hiện vẫn sử dụng tới 48% công tơ cơ khí, 52% công tơ điện tử. Riêng EVN Hà Nội, dù đi hàng đầu trong việc thay thế công tơ cơ khí so với các đơn vị điện lực khác, nhưng vẫn còn nhiều. Trong số hơn 2,3 triệu công tơ của khách hàng sinh hoạt, vẫn còn 15% là công tơ cơ khí, tập trung ở các huyện, xã.

Dù thay thế công tơ cơ khí, nhưng vẫn còn lượng lớn công tơ điện tử đo gần, chưa thể đo xa.

Việc sử dụng công tơ điện tử có chức năng đo xa sẽ đảm bảo chính xác gần như 100% bởi tất cả đều hoàn toàn tự động. Số lượng điện sẽ được cập nhật tự động về hệ thống của điện lực địa phương.

Hàng ngày, bộ phận ghi chỉ số thực hiện thu thập, theo dõi, kiểm tra kết quả số liệu thu thập của tất cả các công tơ trên hệ thống để kịp thời kiểm tra, xử lý các tình huống bất thường. Sau phiên ghi chỉ số, các bộ phận liên quan thực hiện ký bảng kê kiểm soát chỉ số và lưu trữ trên hệ thống điện tử. Khi hoàn tất các công việc trên, bộ phận điều hành ghi chỉ số thực hiện chuyển dữ liệu ghi chỉ số vào hệ thống quản lý thông tin khách hàng để tính hóa đơn.

Với công tơ điện tử đo xa này, người dân hoàn toàn có thể theo dõi lượng điện sinh hoạt theo từng ngày một, chứ không phải chờ cả tháng thông qua việc truy cập vào website Trung tâm chăm sóc khách hàng của điện lực địa phương. Chỉ cần nhập mã khách hàng, và gọi đến Trung tâm chăm sóc khách hàng để lấy mật khẩu, người dân có thể đo được lượng điện sử dụng từng ngày một. Khi có bất thường, có thể nhận ra ngay để phản ánh với điện lực địa phương. Tuy nhiên, vẫn ít người biết đến tính năng này.

Công tơ điện tử đo xa ưu việt như vậy tại sao EVN không thể triển khai thay thế rộng rãi các công tơ cơ khí. Vấn đề là đầu tiên và duy nhất là “tiền đâu”. Công tơ điện tử đo xa đắt đỏ hơn nhiều công tơ cơ khí, cho nên việc thay thế toàn bộ công tơ cơ khí trong bối cảnh nguồn lực tài chính eo hẹp khiến EVN chỉ có thể làm từ từ, theo lộ trình. Vậy nên, cùng với việc chỉ đạo thanh kiểm tra việc ghi hóa đơn, Nhà nước cũng nên dành những nguồn lực để EVN đẩy nhanh quá trình này, giảm thiểu những băn khoăn, thắc mắc của khách hàng bao lâu nay.

Ngoài những thắc mắc liên quan đến công tơ điện, người dân cũng luôn đặt ra câu hỏi: Tại sao giá điện lại bán theo bậc thang mà không phải dùng 1 giá, tại sao dùng càng nhiều giá càng đắt? Ngành điện và Bộ Công Thương đã không ít lần trả lời rằng điện là hàng hóa đặc thù, sử dụng tài nguyên hữu hạn, và Việt Nam cũng chưa thừa điện, cho nên việc sử dụng điện phải tiết kiệm. Vì thế, đưa ra nhiều mức giá theo bậc thang là cách để người dân tiết kiệm điện.

Dù giải thích như vậy, nhưng nhiều người dân vẫn không tin và “đòi” nhà đèn phải áp dụng 1 giá điện cho dễ theo dõi. Nhiều người dân nói rằng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang là ngành điện đang “móc túi khách hàng”.

Cho nên, để không phải bước vào những cuộc tranh cãi không hồi kết, Bộ Công Thương, EVN cần tính đến một phương án khác. Đó là cùng với việc sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt vốn đã lạc hậu (dự kiến quý III sẽ có biểu giá mới với 5 bậc), ngành điện và Bộ Công Thương cũng nên nghiên cứu phương án áp dụng đồng thời cả giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang và bán lẻ điện theo chỉ 1 giá. Người dân được tự do lựa chọn, đăng ký việc áp dụng mức giá mua điện nào họ muốn. Có thể đặt ra điều kiện sau khi đăng ký phương án mua điện, người dân chỉ có thể thay đổi phương án sau 1 năm.

Sau 1-2 năm áp dụng, Bộ Công Thương, EVN có thể tổng kết lại thực hiện phương án này, đo sự hài lòng của khách hàng, thống kê xem có bao nhiêu khách hàng thay đổi từ điện một giá sang điện bậc thang và ngược lại. Khi đó, câu chuyện dùng điện 1 giá hay dùng biểu giá bậc thang có lợi cho dân hơn sẽ được trả lời rõ ràng. Còn với cách làm hiện nay, những tranh cãi sẽ không bao giờ dứt.

 Lương Bằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/lum-xum-hoa-don-tien-dien-tranh-cai-khong-dut-652108.html