Phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021 - 2025

01/10/2021 09:22

Kinhte&Xahoi Mục tiêu Chương trình nhằm tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn mại dâm; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp...

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Lao động)

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định 1629/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025 (Chương trình) với quan điểm thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, kinh tế-xã hội, hành chính, hình sự và các biện pháp khác trong phòng, chống tệ nạn mại dâm, nhằm bảo vệ thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; góp phần tăng cường trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ sức khỏe nhân dân, thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Mục tiêu của Chương trình nhằm tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn mại dâm; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và cộng đồng trong công tác phòng, chống mại dâm; tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội để hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm.

Chương trình đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống mại dâm; phấn đấu ít nhất 70% số xã, phường, thị trấn(cấp xã) tổ chức được ít nhất một hình thức tuyên truyền về phòng ngừa mại dâm và được duy trì thường xuyên, và ít nhất 60% người lao động trong các khu công nghiệp, 70% học sinh, sinh viên các trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, cung cấp thông tin, kiến thức về phòng, chống tệ nạn mại dâm.

Để đạt được mục tiêu trên, Chương trình sẽ xây dựng và thực hiện các chiến lược truyền thông về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác phòng, chống mại dâm; giảm kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng đối với người bán dâm; tăng cường tuyên truyền phòng ngừa đến toàn xã hội, chú trọng ở các khu vực miền núi, địa phương có nhiều người di cư để hạn chế phát sinh mới số người tham gia mại dâm...

Xây dựng các chương trình lồng ghép

Đồng thời, Chương trình tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm thông qua lồng ghép các chương trình có liên quan tại địa bàn cơ sở; xây dựng các hoạt động lồng ghép cho nhóm phụ nữ có nhu cầu tìm kiếm việc làm trong các chương trình về dạy nghề, tìm việc làm, hỗ trợ vay vốn, giảm nghèo nhằm cung cấp cho họ các cơ hội lựa chọn công việc phù hợp; xây dựng và tổ chức triển khai các kế hoạch lồng ghép việc thực hiện các chương trình an sinh xã hội, chương trình phòng, chống ma túy, phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương với nhiệm vụ phòng, chống mại dâm.

Bên cạnh đó, Chương trình cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm; điều tra, truy tố các tội phạm liên quan đến mại dâm. Trong đó, kiểm tra, quản lý chặt chẽ điều kiện thành lập và hoạt động kinh doanh, dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm theo quy định của pháp luật nhằm phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn việc lợi dụng các hoạt động này để tổ chức hoạt động mại dâm.

Chương trình phấn đấu 100% tố giác, tin báo, khiếu nại hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm được tiếp nhận, xác minh, phân loại, xử lý kịp thời; tổ chức kiểm tra ít nhất 20% số cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn; đến năm 2025, 100% các cơ sở được kiểm tra ít nhất một lần.

Can thiệp giảm tác hại, phòng ngừa lây nhiễm các bệnh xã hội, HIV/AIDS

Từ nay đến năm 2025, Chương trình xây dựng, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại, phòng ngừa lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm, như tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình thí điểm có hiệu quả của giai đoạn 2016-2020 theo hướng hỗ trợ trao quyền, tăng cường sự tham gia của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc giải quyết các vấn đề liên quan; hình thành mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ giảm hại; phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm có sự tham gia của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, chuyên gia, cá nhân trong và ngoài nước và một số nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm.

Chương trình phấn đấu ít nhất 10% địa bàn cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, triển khai mô hình thí điểm về phòng ngừa mại dâm, hỗ trợ can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, cung cấp dịch vụ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm...

 Lê Hải - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Ngành chăn nuôi bảo đảm nguồn cung những tháng cuối năm

Để bảo đảm nguồn cung cho thị trường, phục vụ Nhân dân Thủ đô trong mọi hoàn cảnh, nhất là vào dịp cuối năm, cũng như Tết Nguyên đán Nhâm Dần, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã lên phương án tăng cường phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã… triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh; Đồng thời khuyến khích các cơ sở chăn nuôi thúc đẩy việc tái đàn theo hướng chăn nuôi an toàn.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/phe-duyet-chuong-trinh-phong-chong-mai-dam-giai-doan-2021--2025-d167604.html