Phổ biến pháp luật cho nghệ sĩ thế nào để hiệu quả?

24/06/2021 10:53

Kinhte&Xahoi Mặc dù được coi là lực lượng trí thức, có trình độ, nhận được sự hâm mộ của đông đảo khán giả nhưng một bộ phận không nhỏ các nghệ sĩ lại có cách hành xử thiếu chuẩn mực, thậm chí có những hành vi bị coi là vi phạm pháp luật.

“Ngây ngô” trong hành xử

Thời gian vừa qua, hàng loạt những scandal trong làng giải trí khiến công chúng “dậy sóng”, rồi chuyển sang ngán ngẩm xuất phát từ những hành xử thiếu chuẩn mực của các nghệ sĩ. Như sự việc một vài nghệ sĩ quyên góp tiền ủng hộ người dân, nhưng chưa hoặc không đưa đến tay người cần, giải ngân thiếu thông tin minh bạch. Hay chuyện hàng loạt nghệ sĩ quảng cáo thực phẩm chức năng “thổi phồng” sự thật, quảng cáo hàng kém chất lượng, hoặc bán hàng không rõ nguồn gốc, hàng nhái…

Rồi còn những nghệ sĩ khoe thân bất chấp, nói chuyện văng tục, chửi bậy trên mạng xã hội hoặc có lời lẽ mang tính chất vu khống người khác nhưng lại chối bay chối biến, hay tự cho mình là “vùng cấm”, truyền “lệnh tấn công” khi có người công kích mình, thậm chí là kéo người đi hăm dọa, đòi hành hung người khác…

Hoài Linh quyên góp tiền ủng hộ người dân, nhưng chưa đưa đến tay người cần, giải ngân thiếu thông tin minh bạch.

Còn trong chuyện nghề, có thể đến một số hành vi như trốn thuế, “ăn cắp” chất xám, vi phạm bản quyền…

Tất cả những hành xử ấy, tích tụ qua một thời gian dài đã khiến công chúng “bùng nổ”, một bộ phận không nhỏ công kích, quay lưng với giới giải trí. Làng giải trí cùng nhiều nghệ sĩ bị mất uy tín trầm trọng trong mắt công chúng.

Những năm qua, chính bản thân người làm trong ngành giải trí, vì mù mờ pháp luật đã không ít lần gánh chịu những thiệt thòi. Từ việc họ vô tình bị mượn hình ảnh, tên tuổi cho những hoạt động quảng cáo phi pháp, bản quyền tác phẩm của mình bị sử dụng trái phép, hoặc bị vu khống, xâm phạm đời tư… nhưng vẫn không dám hoặc không có cách xử lý rốt ráo, để diễn ra trong thời gian dài.

Trong những lời xin lỗi, giải thích của mình, nhiều nghệ sĩ vừa nhận sai, đồng thời lại đưa ra nhiều lý do. Có người vì “không biết đó là sai”, có người vì “ngây ngô”, hoặc tin lời người quản lý, hoặc tin lời đối tác. Có người lại cho rằng vì đó là “cá tính mạnh” của mình. Nhưng cho dù giải thích hay không, hoặc giải thích thế nào đi nữa thì cũng có thế thấy được, lý do lớn nhất cho những hành xử lệch chuẩn về mặt đạo đức, vi phạm pháp luật như trên là việc không hiểu luật, hoặc biết luật nhưng vẫn hành xử “bừa”.
 
Cũng có thể họ nghĩ rằng đã nắm trong tay nhiều “quyền lực truyền thông”, mỗi một sự xuất hiện kiếm bạc tỉ, mỗi một phát ngôn là gây sóng gió, làm gì cũng có fan hâm mộ “tiền hô, hậu ủng”, tung hô hết mình. Thế nên, lâu dần họ sinh ra tâm lý ngạo mạn, cho rằng mọi hành xử của mình là chuẩn mực nên không biết và cũng không cần biết đến những ranh giới pháp luật.

Nghệ sỹ được phổ biến pháp luật

Hành vi sai phạm của nghệ sĩ không chỉ gây ảnh hưởng đến danh tiếng của cá nhân họ mà có ảnh hưởng đối với công chúng. Đặc biệt, đối với các fan hâm mộ trẻ tuổi, nghệ sĩ đôi khi còn là “người truyền cảm hứng” và hành xử của nghệ sĩ là “kim chỉ nam” của họ trong đời sống.

Thế nên, một khi nghệ sĩ sống cảm tính, coi mình đứng trên pháp luật, không phải chỉ bản thân họ gánh hậu quả mà là khán giả và một phần xã hội cũng bị ảnh hưởng.

Chính vì thế, mới đây, UBND TP HCM đã yêu cầu Sở Văn hóa - Thể thao phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, các sở, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm quản lý hiệu quả hoạt động nghệ thuật trên không gian mạng; đề xuất văn bản yêu cầu lãnh đạo các đơn vị quản lý các nghệ sĩ, diễn viên (công lập và ngoài công lập) tăng cường phổ biến các quy định pháp luật, định hướng đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên thuộc đơn vị nâng cao nhận thức, trách nhiệm, uy tín của bản thân đối với cộng đồng, xã hội; đề xuất các quy chế quản lý, xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp có sai phạm trong lĩnh vực nghệ thuật…

Nhưng việc triển khai chủ trương trên như thế nào cho hợp lý và hiệu quả thì vẫn còn là điều cần bàn đến, bởi nghệ sĩ hoạt động ít phụ thuộc vào các cơ quan quản lý họ. Cạnh đó, “nghệ sĩ” không chỉ bao gồm những người nổi tiếng mà còn rất nhiều người đang bước chân vào nghề, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật ở nhiều khía cạnh khác nhau.

Cạnh đó, khái niệm “như thế nào là nghệ sĩ” vẫn chưa rõ ràng. Có không ít người, mang tiếng là giới “showbiz”, nhưng hoạt động chính của họ là Facebooker, Tiktoker, Youtuber… quay clip, chụp ảnh, đăng tải trên mạng xã hội. Họ cũng có fan hâm mộ đông đúc, có ảnh hưởng nhất định đến công chúng, cũng không ít lần vi phạm pháp luật cố ý hoặc vô tình, nhưng rõ ràng hoạt động của họ không phải là hoạt động nghệ thuật. Như vậy, đối tượng thuộc “làng giải trí” mà không phải nghệ sĩ này liệu có nằm trong phạm vi “nghệ sĩ” được phổ biến, giáo dục pháp luật trong yêu cầu mới của thành phố hay không? Nếu không thì giải pháp nào để phổ biến pháp luật cho họ…?

 Ngọc Mai - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sàn thương mại điện tử khai và nộp thuế thay cho người kinh doanh: Liệu có khả thi?

Sàn thương mại điện tử khai và nộp thuế thay cho người kinh doanh là một trong những nội dung gây chú ý tại Thông tư số 40/2021/TT-BTC hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được Bộ Tài chính ban hành ngày 1/6/2021.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/pho-bien-phap-luat-cho-nghe-si-the-nao-de-hieu-qua-d159025.html