Quân đội, công an sẵn sàng chống dịch

11/03/2020 09:38

Kinhte&Xahoi Ngày 10/3, tại Hà Nội, Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch trong Quân đội.

Bộ đội Hóa học phun hóa chất tiêu tẩy khu vực phố Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội.

Theo Báo cáo sơ kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong Quân đội, trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, tiến triển nhanh trên toàn cầu, nguy cơ dịch xâm nhập, lây lan vào Việt Nam và khả năng có thể bùng phát lớn trên các cấp độ là khó lường.

Do đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Quốc phòng yêu cầu nhanh chóng rà soát toàn bộ số cán bộ, chiến sĩ, nhân viên trong khu vực phố Trúc Bạch, cho cách ly tại nhà; rà soát ngay và xác định toàn bộ quân nhân có tiếp xúc gần với ca bệnh Covid-19 mới mắc để có biện pháp cách ly.

Thời gian tới, Quân đội sẽ xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch theo kịch bản đáp ứng 5 cấp độ dịch: cấp độ 1: có trường hợp bệnh xâm nhập; cấp độ 2: dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát trong nước; cấp độ 3: dịch bệnh lây lan trên 20 trường hợp mắc trong nước; cấp độ 4: dịch bệnh lây lan trong cộng đồng từ trên 1.000 - 3.000 trường hợp mắc; cấp độ 5: dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng từ trên 3.000 - 30.000 trường hợp mắc.

Đặc biệt, nếu ở cấp độ 5, Ban Chỉ đạo sẽ tổ chức họp, triển khai nhiệm vụ và các biện pháp cấp bách, quyết liệt, đồng bộ trên diện rộng và tập trung cao độ tại các khu vực trọng điểm; kết hợp cho phép các bệnh xá của các đơn vị có dịch tổ chức thu dung, điều trị tại chỗ cho các bệnh nhân nhẹ của đơn vị, thực hiện đúng quy định về điều trị bệnh dịch  nguy hiểm không để lây nhiễm chéo nhằm giảm tải cho tuyến bệnh viện...

Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, hiện nay tình hình dịch bệnh đã lan rộng trên thế giới với hơn 100.000 người mắc, hàng nghìn ca tử vong. Dịch bùng phát mạnh tại Trung Quốc, Hàn Quốc, châu Âu, Iran… Việt Nam đang ở giai đoạn mới trong phòng, chống dịch, rất cần có kế hoạch để sẵn sàng ứng phó với khả năng dịch bùng phát mạnh hơn.

Trưởng Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu lực lượng Bộ đội Biên phòng thực hiện tốt việc kiểm soát cửa khẩu, ngăn chặn những người nhập cảnh qua đường mòn, lối mở. Binh chủng Hóa học cần sẵn sàng nhận nhiệm vụ phun khử trùng, tiêu tẩy.

Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh 86 cần xây dựng phần mềm quản lý dịch bệnh, nghiên cứu quản lý thông tin trên mạng, tham mưu xử lý những trường hợp cần thiết… Thượng tướng Trần Đơn cũng yêu cầu Cục Quân y nghiên cứu, tổ chức tập huấn, tham mưu chỉ đạo cho các bệnh viện nâng cao năng lực trong phòng, chống dịch bệnh, sẵn sàng chữa trị.

Cho rằng những ai không chấp hành cách ly, khai báo gian dối làm lây nhiễm ra cộng đồng, gây chết người thì có thể xử lý hình sự, kể cả trong quân đội, Thượng tướng Trần Đơn cũng nhất trí với đề xuất xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch theo hướng cập nhật với tình hình dịch bệnh, đảm bảo đúng tinh thần "Chống dịch như chống giặc", kiên trì phương châm phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị tại các cơ sở y tế. “Các đơn vị không được chủ quan. Vì dân chúng ta không tiếc gì. Lo cho dân là nhiệm vụ của Quân đội”, Thứ trưởng Trần Đơn nhấn mạnh.
 
Trước đó, tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo của Bộ Công an về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ngày 9/3, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương tập trung triển khai thực hiện Công điện ngày 7/3/2020 của Thường trực Ban Bí thư về tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới; quán triệt phương châm chỉ đạo của Thủ tướng: “Chống dịch như chống giặc” và các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19; Điện của Bộ Công an về một số giải pháp của lực lượng Công an trong công tác phòng, chống dịch.

Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Ban Chỉ đạo tiếp tục bám sát những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh, hướng dẫn chuyên môn của các cơ quan chức năng và kế hoạch, tình huống, phương án đã đề ra để chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh; thể hiện rõ vai trò chủ động, tích cực của lực lượng Công an trong việc phối hợp với các ban, bộ, ngành tham gia công tác phòng, chống dịch của cả nước…

Bên cạnh đó, Công an các đơn vị, địa phương cũng cần đẩy mạnh đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tham mưu xử lý nghiêm các hành vi tung tin, bịa đặt gây ảnh hưởng tiêu cực trong phòng, chống dịch; gây hoang mang, kích động tâm lý tiêu cực trong quần chúng nhân dân. 

Lực lượng Quản lý xuất nhập cảnh phối hợp chặt chẽ với ngành y tế làm tốt công tác kiểm dịch y tế, tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm soát hoạt động xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu; thực hiện nghiêm việc khai báo y tế bắt buộc theo đúng chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh. Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương rà soát chương trình, kế hoạch công tác, tạm hoãn hoặc dừng tổ chức các hội nghị, hội thảo, tránh tụ tập, hội họp đông người không cần thiết để tập trung phòng, chống dịch Covid-19. 

Tăng cường kiểm soát dịch tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia

Ngày 10/3, tại Hội nghị Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ biên giới, kiểm soát cửa khẩu và triển khai phòng, chống dịch Covid-19 trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh Bộ Tư lệnh BĐBP nhấn mạnh, các đơn vị phải nắm chắc tình hình biên giới, ngoại biên để tăng cường quản lý chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, nhất là đường mòn, lối mở.

Tất cả các cửa khẩu cần đưa kiểm dịch lên quy trình đầu tiên, không được phát sinh đường mòn lối mở mới, phối hợp với địa phương sẵn sàng đóng cửa đường mòn, lối mở khi có lệnh. Đồng thời, từ chối nhập cảnh người có thân nhiệt cao, hạn chế cho phép người đi từ các quốc gia vùng dịch về, yêu cầu tất cả hành khách, cán bộ, chiến sĩ kê khai y tế đầy đủ. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hãy là người tiêu dùng thông thái

Mặc dù các siêu thị, nhà sản xuất đã cam kết cung cấp đủ nguồn hàng và giữ ổn định giá cả, nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn ùn ùn kéo nhau đi mua thực phẩm tích trữ. Khuyến nghị dành cho người dân lúc này là cần bình tĩnh, hãy là những người tiêu dùng thông thái, góp phần ổn định thị trường.

Hà Nội: Chợ, siêu thị đầy ắp hàng hóa, sức mua giảm

Không còn cảnh tranh giành vơ vét mua hàng hóa tích trữ, qua khảo sát một số chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn Hà Nội và sáng 8/3, thị trường đã ổn định hàng hóa trở lại, các kệ hàng đầy ắp hàng hóa. Cùng với đó sức mua cũng đã giảm mạnh.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/quan-doi-cong-an-san-sang-chong-dich-d119110.html