Quét mã QR, khai báo y tế trung thực là trách nhiệm của mỗi người trong phòng, chống dịch

24/09/2021 19:45

Kinhte&Xahoi Tại Hà Nội, dù dịch bệnh đang dần được kiểm soát tốt nhưng nguy cơ dịch bùng phát vẫn còn cao. Vì vậy, khai báo y tế tự nguyện, chủ động là yếu tố hết sức quan trọng để kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có rất nhiều người dân thờ ơ với việc quét mã QR khai báo y tế.

Người dân vẫn thờ ơ với việc quét mã QR khai báo y tế

 Để hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong cộng đồng khi nới lỏng giãn cách, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quét mã QR phục vụ công tác quản lý, truy vết. Theo đó, TP yêu cầu các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở dịch vụ... bắt buộc phải thực hiện tạo mã QR địa điểm tại địa chỉ https://qr.tokhaiyte.vn/ và kiểm soát người vào bằng việc quét mã QR.

Công dân trên địa bàn bắt buộc phải thực hiện việc quét mã QR khi vào các địa điểm công cộng, cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở dịch vụ... Trường hợp công dân không có điện thoại thông minh thì sử dụng Căn cước công dân hoặc Thẻ bảo hiểm y tế có mã QR để quét mã.

Việc đo thân nhiệt, thực hiện sát khuẩn, quét mã QR của khách hàng được các nhân viên tại Media Mart Hai Bà Trưng thực hiện nghiêm (Ảnh: Thành Lộc)

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người dân vẫn thờ ơ với việc quét mã QR khai báo y tế trực tuyến, nhiều hộ kinh doanh chưa biết hết tác dụng của mã QR; Có nhiều nơi chỉ làm cho xong, tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng.

Trao đổi nhanh với chủ quán bún riêu cua trên phố Sài Đồng, Long Biên được biết, mặc dù quán có dán mã QR ở ngoài cửa nhưng rất ít khách quét mã, thi thoảng quán vắng, nhân viên có nhắc khách nhưng họ cũng thờ ơ không muốn thực hiện.

Chị Hoàng Thị Khuyên (ở Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Tôi đi mua hàng ăn nhanh cũng không thấy mấy người quét mã, mặc dù ngoài cửa hàng có dán mã QR. Không thấy chủ cửa hàng nhắc, tâm lý nhiều người vào mua nhanh rồi về".

Bên cạnh đó, theo phản ánh, tại một số nơi trên địa bàn Hà Nội, một bộ phận không nhỏ người dân, hộ kinh doanh vẫn có tâm lý chủ quan, không nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Tình trạng tụ tập đông người, không đảm bảo khoảng cách vẫn xảy ra tại một số địa điểm như: 328 Trần Khát Chân; 11 Tô Hiến Thành; 169C Phố Huế; 82 Nguyễn Chánh…

Thực tế, việc khai báo y tế trung thực sẽ giúp các cơ quan y tế phát hiện người có nguy cơ tiếp xúc với các ca nhiễm bệnh ở các địa phương vùng dịch trở về để từ đó có các biện pháp chủ động ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập.

Đặc biệt, tại một số quán ăn gần khu công nghiệp, có nhiều công ty hoạt động với hàng chục, hàng trăm công nhân làm việc, di chuyển đi lại thường xuyên. Nếu không tuân thủ thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế và kiểm soát lỏng lẻo rất dễ bùng dịch, gây khó khăn trong công tác truy vết, khoanh vùng dập dịch.

Còn nhớ, chỉ vài tháng trước, nhiều người dân đã vô cùng bức xúc trước sự việc ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) và vợ có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, gian dối trong khai báo làm lây lan dịch bệnh Covid-19 ra cộng đồng, xã hội.

Rõ ràng, chỉ cần một người dân che giấu tình trạng có thể nhiễm bệnh của mình sẽ làm cho công sức của cộng đồng bị phá hủy.

Kiên quyết dừng hoạt động đối với các cơ sở không quét mã QR

 Để bảo vệ thành quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, cơ sở kinh doanh nghiêm túc tuân thủ các quy định của thành phố.

Việc quét mã QR tại các cửa hàng nhằm giám sát di biến động của người dân tại khu dân cư

Tại cuộc họp giao ban giữa Sở Chỉ huy thành phố với Sở Chỉ huy các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn về triển khai thực hiện Chỉ thị 22-CT/UBND, chiều 22/9, đồng chí Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội yêu cầu các quận, huyện phải triển khai nghiêm túc, tăng cường kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, xử lý các trường hợp vi phạm.

Các trung tâm thương mại, các cửa hàng, dịch vụ trong trung tâm thương mại chỉ được hoạt động theo đúng danh mục tại Chỉ thị 22 và cần đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch, giữ khoảng cách, thực hiện 5K, phải có quét mã QR; Cơ sở nào vi phạm kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động. Đồng thời, TP yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quét mã QR phục vụ công tác quản lý, truy vết.

Trên thực tế, những ngày qua, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh, các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố cũng đã duy trì việc kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, cửa hàng ăn uống…

Tại phường Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm), UBND phường đã kiểm tra, yêu cầu một số cơ sở kinh doanh phải đóng cửa khi chưa thực hiện nghiêm các biện pháp, kế hoạch phòng chống dịch. Một số doanh nghiệp, trụ sở ngân hàng đóng trên địa bàn phường cũng đã bị chúng tôi đề nghị UBND quận Hoàn Kiếm ra quyết định xử phạt hàng chục triệu đồng.

Trong những ngày tới, phường sẽ tiếp tục tổ chức kiểm tra, tuyên truyền để các chủ cơ sở kinh doanh, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn chấp hành nghiêm việc phòng, chống dịch; Tuyên truyền nhắc nhở người dân khi đến giao dịch, mua bán phải quét mã QR khai báo y tế và các biện pháp khác để duy trì, bảo vệ thành quả chống dịch trong suốt thời gian qua.

Tại phường Giảng Võ (quận Ba Đình), đối với một số dịch vụ kinh doanh được phép mở của trở lại, phường đã rà soát, kiểm tra và chỉ cho phép những cửa hàng đã đăng ký kinh doanh, có phương án phòng chống, dịch cụ thể như: Trang bị mã QR, nước khử khuẩn, đảm bảo khoảng cách, giãn cách… được bán hàng.

Trong 3 ngày qua, Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng. Đó là tín hiệu tích cực trong công tác phòng chống dịch của thành phố. Vì thế, hơn bao giờ hết, mỗi người dân và cả chính quyền địa phương cần có trách nhiệm, chủ động nâng cao ý thức trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh cho bản thân và cộng đồng; Tuyệt đối không chủ quan, thờ ơ và khai báo y tế theo quy định.

Khai báo y tế trung thực không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi của mỗi người, bởi khai báo y tế sẽ giúp cho người nhiễm hoặc có nguy cơ nhiễm Covid-19 được tiếp cận với dịch vụ y tế để xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm, ngăn chặn dịch bệnh lây lan sang người thân, gia đình và cộng đồng.

Để phòng chống dịch bệnh Covid-19, cùng với sự nỗ lực các cơ quan chức năng, mỗi người dân trong cộng đồng cần phải khai báo y tế trung thực đồng thời thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng chống dịch, hưởng ứng, thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Muốn tạo điểm quét QR để quản lý thông tin người ra vào, cung cấp cho cơ quan chức năng trong trường hợp cần thiết thì các cơ sở kinh doanh cần thực hiện như sau: Chủ địa điểm truy cập trang web https://qr.tokhaiyte.vn/; Chọn mục “Đăng ký địa điểm” và nhập đầy đủ thông tin về địa điểm cần đăng ký: Tên, thông tin về địa điểm, tên người đăng ký, số điện thoại. Sau khi hoàn tất các bước, chọn “Tải xuống Mã QR của địa điểm” để lưu hình ảnh mã QR về máy tính và in để dán ở lối ra vào. 

Ánh Dương - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/quet-ma-qr-khai-bao-y-te-trung-thuc-la-trach-nhiem-cua-moi-nguoi-trong-phong-chong-dich-178485.html