Quốc hội họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 6

21/11/2018 08:38

Kinhte&Xahoi Ngày 20/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội khóa XIV tiến hành họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 6.

Theo chương trình làm việc, đầu giờ sáng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Tiếp đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Từ 8 giờ 30 đến 8 giờ 45, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đón Tổng thống Ram Nath Kovind và Đoàn đại biểu cấp cao nước Cộng hòa Ấn Độ vào hội trường Diên Hồng. Tổng thống nước Cộng hòa Ấn Độ Ram Nath Kovind sẽ phát biểu ý kiến trước Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội tiễn Tổng thống Ram Nath Kovind và Đoàn đại biểu cấp cao nước Cộng hòa Ấn Độ.

Tiếp đó, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch; biểu quyết thông qua Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Sau giờ nghỉ giải lao Quốc hội họp phiên bế mạc (được phát thanh, truyền hình trực tiếp).

Tại phiên bế mạc, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Tiếp đó, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày dự thảo Nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV (với 95,26% số phiếu tán thành), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc kỳ họp.

Quốc hội bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau gần một tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành chương trình làm việc của kỳ họp thứ 6 với nhiều nội dung quan trọng như đã khẳng định trong Nghị quyết chung của kỳ họp vừa được Quốc hội thông qua.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, với sự tín nhiệm rất cao, Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước ta, được nhân dân và cử tri đánh giá cao.

Bên cạnh đó, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về nhân sự thành viên Chính phủ bảo đảm đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật. 

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 9 luật và cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Đặc biệt, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan với sự đồng thuận rất cao, là quốc gia thứ 7 phê chuẩn Hiệp định này, điều đó có ý nghĩa quan trọng thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong việc chủ động hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.

Đánh giá cao sự điều hành quyết liệt, sát sao của Chính phủ

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp cuối năm 2018, cũng là kỳ họp có ý nghĩa sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Qua việc đánh giá cho thấy, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm qua vẫn phát triển khá toàn diện, việc cơ cấu lại nền kinh tế đã đạt được những kết quả tích cực, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt mục tiêu, tiến độ đề ra, GDP tăng trưởng tích cực, an sinh xã hội và đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên, quốc phòng, an ninh được giữ vững, hoạt động tư pháp, công tác xây dựng chính quyền có nhiều đổi mới, vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới không ngừng được nâng cao.

Quốc hội đánh giá cao sự điều hành quyết liệt và sát sao của Chính phủ, sự chủ động, nỗ lực, phối hợp hiệu quả của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân về những thành tích nổi bật của năm 2018 và 3 năm qua; đồng thời, đã phân tích, chỉ ra những hạn chế, khó khăn, thách thức của nền kinh tế, đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm tiếp tục phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã quyết định và thông qua 4 nghị quyết về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4. Qua đó cho thấy, các nghị quyết đã được triển khai nghiêm túc, nhiều cam kết, lời hứa đã được thực hiện và mang lại những kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao.

Quốc hội ghi nhận những nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ, ngành trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và đánh giá cao trách nhiệm của các vị đại biểu, các cơ quan của Quốc hội trong việc giám sát, theo dõi việc thực hiện các yêu cầu của Quốc hội.

Công tâm, khách quan trong lấy phiếu tín nhiệm

Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện mức độ tín nhiệm và sự ghi nhận, đánh giá công tâm, khách quan về những nỗ lực, kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.

Quốc hội đề nghị những người được lấy phiếu tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.  

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, Kỳ họp thứ 6 tiếp tục có những đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội; việc thảo luận, tranh luận và giải trình tạo không khí làm việc sôi nổi, dân chủ, trách nhiệm, thu hút sự quan tâm, theo dõi của nhân dân, cử tri. Kết quả của kỳ họp tạo niềm tin về sự đoàn kết, nhất trí để phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ của những năm tiếp theo và cả nhiệm kỳ 2016-2020.

Ghi nhận tâm huyết của các đại biểu Quốc hội

Quốc hội ghi nhận sự tham gia tích cực, trí tuệ, tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội; sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc, tinh thần làm việc tận tụy, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong suốt quá trình chuẩn bị và tiến hành kỳ họp; đồng thời đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy, kịp thời báo cáo kết quả kỳ họp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để kịp thời phản ánh, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan và tích cực chủ động hơn nữa trong công tác lập pháp, giám sát.

Quốc hội yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chính quyền địa phương các cấp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục đánh giá, rút kinh nghiệm những việc đã làm được, chưa làm được; đổi mới phương pháp quản lý, chỉ đạo điều hành, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động để tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới.

Gửi tới các thầy cô niềm tin và lời chúc mừng chân thành, tốt đẹp nhất

Bế mạc kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đúng vào ngày Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gửi tới các cô giáo, thầy giáo và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã và đang công tác trong ngành giáo dục niềm tin và lời chúc mừng chân thành, tốt đẹp nhất; bày tỏ kỳ vọng, toàn ngành giáo dục sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, quyết tâm khắc phục hạn chế, khó khăn, thực hiện có hiệu quả chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện sự nghiệp giáo dục - đào tạo của nước nhà.

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi lời cảm ơn trân trọng tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, các vị khách quý đã dành thời gian tham dự, theo dõi kỳ họp và luôn quan tâm, góp ý kiến cho hoạt động của Quốc hội; cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngành, các cấp, các địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí, các đơn vị phục vụ đã hoạt động trách nhiệm, hiệu quả; cảm ơn sự quan tâm, chia sẻ, đóng góp ý kiến quý báu của cử tri và nhân dân đã góp phần vào thành công của kỳ họp.

 

Theo chinhphu.vn/Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thuốc làm từ nhau thai người sẽ nguy hại ra sao?

Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế các tỉnh phối hợp với các cơ quan như hải quan, quản lý thị trường, công an, Ban chỉ đạo 389 địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện các sản phẩm làm từ nhau thai. Tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.