Quốc hội xem xét dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi)

28/05/2019 10:47

Kinhte&Xahoi Họp phiên toàn thể tại hội trường sáng 28/5, Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Ảnh: quochoi.vn

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH và chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Dự án Luật được xây dựng hiện có bố cục gồm 6 chương với 101 điều quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.

Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư công, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, UBTVQH đã tiếp thu đa số ý kiến ĐBQH theo hướng sửa đổi tập trung vào tháo gỡ những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn quản lý vốn đầu tư công; thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư công; tăng cường cải cách hành chính và đẩy mạnh phân cấp. Căn cứ phạm vi sửa đổi rộng, số lượng điều sửa đổi khá nhiều, UBTVQH tiếp thu ý kiến ĐBQH, đổi tên dự án Luật “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công” thành dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Về việc tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập (Điều 5), ông Nguyễn Đức Hải cho hay, một số ý kiến ĐBQH đề nghị không tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Trường hợp cần thiết phải tách riêng đối với dự án đầu tư công cụ thể thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

UBTVQH tiếp thu theo hướng không quy định công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành một đối tượng riêng, nhưng cho phép trong trường hợp cần thiết và chỉ được thực hiện đối với dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A như quy định tại khoản 1 Điều 5 của dự thảo Luật. Trường hợp dự án giải phóng mặt bằng là một dự án độc lập thì được quản lý theo quy định chung như các dự án khác.

Về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C (Điều 7 đến Điều 10), nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị giữ nguyên các tiêu chí về tổng mức đầu tư trong phân loại các dự án như quy định của Luật hiện hành. Chính phủ và một số ĐBQH đề nghị điều chỉnh dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ đồng lên 20.000 tỷ đồng, mức vốn dự án A, B, C tăng lên tương ứng để phù hợp với thực tiễn.

Đây là nội dung còn ý kiến khác nhau, UBTVQH xin ý kiến ĐBQH theo 2 phương án.

Phương án 1: Giữ tiêu chí phân loại dự án như quy định hiện hành, vì Điều 11 của Luật Đầu tư công hiện hành đã quy định về điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công thực hiện trong trường hợp chỉ số giá có biến động lớn hoặc có điều chỉnh lớn về phân cấp đầu tư công… Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, việc phân cấp đầu tư công cơ bản ổn định; tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia với mức vốn 10.000 tỷ đồng và các mức phân loại dự án A, B, C như quy định hiện hành không phát sinh vướng mắc, ngược lại nếu điều chỉnh như đề xuất của Chính phủ sẽ gây xáo trộn lớn trong chuyển dịch phân loại, quản lý dự án; trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 và khóa 14 chỉ có 2 dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội. Do đó, để bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tiễn, đề nghị giữ quy định của Luật hiện hành về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia và phân loại dự án A, B, C.

Phương án 2: Điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 20.000 tỷ đồng, mức vốn dự án A, B, C tăng lên tương ứng gấp 2 lần mức hiện hành vì: Điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án lên cho phù hợp với thực tiễn biến động giá cả và quy mô dự án; mức vốn 10.000 tỷ đồng để xác định dự án quan trọng quốc gia được áp dụng từ năm 1997 theo Nghị quyết 05/NQ-1997-QH10 và được quy định tại Luật Đầu tư công (năm 2014) là 10.000 tỷ đồng. Trên thực tế, sau gần 4 năm thực hiện Luật Đầu tư công, tổng mức tăng thêm của cả tăng trưởng kinh tế và tăng giá là khoảng 52%, theo đó, có thể điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án tăng lên khoảng 1,5 lần. Tuy nhiên, để bảo đảm Luật Đầu tư công (sửa đổi) sau khi được thông qua sẽ áp dụng phù hợp trong dài hạn, cần điều chỉnh mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia tăng so với quy định hiện hành, lên 20.000 tỷ đồng.

Về quản lý nguồn vốn để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách, theo ông Nguyễn Đức Hải, có ý kiến đề nghị không quy định “nguồn vốn để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách” vì một số nguồn để lại cho đầu tư đã được điều chỉnh ở nhiều văn bản quy định khác nhau; có ý kiến đề nghị chỉnh lý về khái niệm tại phần giải thích từ ngữ. Một số ý kiến đề nghị cần đưa vào Luật để quản lý nguồn vốn này với quy định phù hợp, tạo điều kiện để các đơn vị phát huy quyền tự chủ, tránh hình thức, gây khó khăn trong triển khai thực hiện.

UBTVQH tiếp thu ý kiến ĐBQH và quy định trong dự thảo Luật như sau: Về khái niệm, xin được tiếp thu, chỉnh lý khái niệm để đảm bảo phù hợp với thực tế hình thành và sử dụng nguồn vốn này là “vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật”.

Về phương thức quản lý: Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH xin được chỉnh lý theo hướng chỉ quy định về nguyên tắc trong luật, giao Chính phủ quy định việc phân cấp thẩm quyền, trình tự, thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định dự án đầu tư, lập kế hoạch đầu tư công trung hạn (ĐTCTH) và hằng năm với các dự án sử dụng nguồn vốn này theo trình tự riêng phù hợp với quy định về quyền tự chủ tài chính của các đơn vị như thể hiện tại khoản 3 Điều 17, khoản 5 Điều 35 và Điều 58 của dự thảo Luật.

Về kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm, một số ý kiến đề nghị không quy định kế hoạch đầu tư công 3 năm cuốn chiếu. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định này nhưng đề nghị chỉ mang tính tham khảo như kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm.

UBTVQH báo cáo như sau: Nếu quy định kế hoạch đầu tư công 3 năm phải được phê duyệt, điều chỉnh như dự thảo Luật sẽ làm phức tạp, tăng thêm các trình tự, thủ tục không cần thiết, làm phát sinh khối lượng công việc rất lớn, tạo thêm nhiều tầng nấc khi quyết định bố trí vốn cho dự án, không phù hợp với tinh thần cải cách. Nếu quy định kế hoạch đầu tư công 3 năm chỉ để tham khảo thì không có căn cứ để bố trí vốn ĐTCTH cho năm đầu tiên của giai đoạn tiếp theo, không giải quyết được vấn đề phát sinh trong thực tiễn khi chuyển sang kế hoạch ĐTCTH giai đoạn mới; đồng thời, phát sinh thêm thủ tục hành chính. Vì vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo Luật.

Bên cạnh đó ông Nguyễn Đức Hải cũng cho biết, UBTVQH đã chỉ đạo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Pháp luật, Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát toàn bộ dự thảo Luật, nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến góp ý trong từng điều, khoản, cũng như hoàn thiện kỹ thuật lập pháp của dự thảo Luật./.

Theo chinhphu.vn/ Hoà Nhập

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Mỹ phẩm Hoàng Ngọc Diệp: Sau màn “ve sầu thoát xác” vẫn bán hàng chui.

Hàng loạt các sản phẩm mỹ phẩm của Công ty TNHH TM - DV Hoàng Ngọc Diệp (Công ty Hoàng Ngọc Diệp) và Công Ty TNHH TM và DV Thế Giới Nghệ (Công ty thế giới Nghệ) đều không có công bố chất lượng, tem nhãn mập mờ nguồn gốc xuất xứ, không đủ điều kiện lưu hành nhưng vẫn cung cấp ra thị trường khiến người tiêu dùng hết sức hoang mang.