Quốc Oai – Hà Nội: Nhà xưởng xây dựng trên đất nông nghiệp, chính quyền ở đâu?

10/09/2019 14:41

Kinhte&Xahoi Nhiều người dân tại thôn Đông Hạ, xã Đông Yên, Quốc Oai phản ánh, hiện trên địa bàn có rất nhiều công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

Đặc biệt những sai phạm trên là trường hợp của bà Dương thuê đất của ông Nguyễn Bá Bình xây dựng nhà xưởng không phép trên đất trồng cây lâu năm. Điều kì lạ mọi việc diễn ra công khai rầm rộ trên địa bàn mà không vấp phải bất cứ sự phản kháng nào của chính quyền sở tại.

Chính quyền xã Đông Yên đang ở đâu?

Để làm rõ những thông tin trên chúng tôi có mặt tại địa điểm mà người dân phản ánh. Có thể thấy rằng những công trình nằm chạy dọc theo con đường tỉnh 421B qua địa bàn xã, giao thông thuận lợi, không ít nhà xưởng đã được xây dựng trên đất nông nghiệp để phục vụ sản xuất với nhiều mục đích khác nhau.

Nổi bật nhất là nhà xưởng được cho là của bà Dương thuê lại đất để xây dựng xưởng sản xuất đồ gỗ, tre trúc…trên một diện tích gần hai nghìn m2 đã được hô biến thành xưởng sản xuất, gây bức xúc cho dư luận nhưng không hiểu sao những công trình trên lại không bị chính quyền xử lý dứt điểm.

Trong vai người đi hỏi tìm mua đất nông nghiệp làm nhà xưởng. Chúng tôi được những người dân nơi đây nhiệt tình chỉ bảo: "Ở đây ngày trước xây dễ lắm chú à, mấy năm gần đây thì khó hơn nhưng không sao, nếu chú mua được đất sẽ có người làm dịch vụ trọn gói cho chú xây nhà xưởng, kinh phí nhiều hơn chút thôi, chú cứ yên tâm".

Thấy chúng tôi có vẻ phân vân về tính pháp lý, người đàn ông đang cầm trên tay cốc bia chỉ tay về phía xa và nói: Những nhà xưởng đó đã đi vào hoạt động hơn 1 năm nay và nhiều nhà hiện tại đang xây dựng nhưng có bị sao đâu. Nếu không tin chú ra hỏi họ mà xem chẳng phải suy nghĩ nhiều đâu. Giá cả phù hợp, ở đây họ vẫn xây bình thường không cần phép miễn sao "làm luật" cho ổn thỏa là xong hết. 

Người đàn ông tên T sau đó trao đổi số điện thoại cho chúng tôi và hứa hẹn sẽ sớm tìm được mảnh đất nông nghiệp như ý.

Đúng vậy, lời nói của người dân cũng rất có lý, bởi theo quan sát của chúng tôi có tới cả chục ngôi nhà được đưa vào sử dụng nhiều năm nay. Dọc đường 421B có tới  3-4 nhà xưởng lớn đã đi vào hoạt động, phần lớn xây dựng trên đất nông nghiệp. Nhữnng công trình trên tồn tại giữa thanh thiên bạch nhật mà không hề bị các cơ quan chức năng huyện Quốc Oai "tuýt còi".

Chắc cũng chẳng có ai dám liều lĩnh bỏ ra cả đống tiền để xây dựng nhà xưởng trái phép khi mà không có ai “chống lưng” cho mình. Những ngôi nhà, nhà xưởng được xây dựng nhiều ngày chứ có phải là cái kim đâu, chính quyền không thể không biết. Hơn nữa còn có cả hệ thống thanh tra xây dựng huyện ăn lương nhà nước có nhiệm vụ kiểm tra giám sát, phát hiện vi phạm TTXD báo cáo chính quyền về những vi phạm trên địa bàn không lẽ lại không phát hiện ra trường hợp nào? Hàng loạt công trình, kể cả nhà xưởng với diện tích lên tới hàng nghìn m2 được chủ đầu tư vô tư hoàn thiện và đưa vào sử dụng như thách thức chính quyền địa phương.


Công trình xây dựng trên thửa đất của ông Nguyễn Bá Bình phần lớn là đất trồng cây lâu năm nhưng không hề bị xử lý.

Liên quan đến nội dung trên phóng viên đã nhiều lần liên hệ với ông Tạ Đình Quý – Chủ tịch xã Đông Yên để có câu trả lời khách quan đa chiều, nhưng luôn nhận được sự né tránh đùn đẩy trách nhiệm cho cấp dưới. Ông cho biết mình đang đi học tập chung và giao cho ông Đang – Phó chủ tịch cung cấp thông tin.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đang cho biết: Ông Quý - Chủ tịch có giao cho tôi cung cấp hồ sơ, giấy tờ liên quan đến công trình nhà bà Dương. Đó là đất của hộ ông Bình bà Cúc cho bà Dương thuê lại, đã được cấp sổ đỏ năm 2017.

Khi được hỏi là diện tích đó có được cấp xây dựng hết diện tích hay không thì ông Đang cho biết chỉ được xây một phần. Sau đó ông chỉ đạo cán bộ địa chính cung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hộ ông Nguyễn Bá Bình cho phóng viên, không có biên bản lập hành vi xây dựng trái phép trên diện tích của hộ ông Bình.

Qua đối chiếu hồ sơ, một điều dễ nhận biết là tại thửa đất 660, tờ bản đồ 60 cấp cho ông Nguyễn Bá Bình và bà Trịnh Thị Cúc, cấp ngày 19/4/2017 thể hiện rõ, trên tổng số 1701,6 m2 thì có 192 m2 là đất ở (được phép xây dựng) còn lại 1509,6 m2 là đất trồng cây lâu năm. Tuy nhiên trên thực tế tất cả diện tích đã được xây dựng nhà xưởng quy mô, đi vào sản xuất ổn định.

Vậy câu hỏi đặt ra ai đã chống lưng cho bà Dương xây dựng nhà xưởng không phép trên đất nông nghiệp? Tại sao một công trình nguy nga tồn tại giữa thanh thiên bạch nhật lại không bị chính quyền xử lý? Dư luận không khỏi hoài nghi đặt câu hỏi phải chăng năng lực quản lý yếu kém của chính quyền sở tại hoặc có hay không sự tồn tại của “lợi ích nhóm” trong việc xây dựng trên? Câu hỏi trên xin gửi tới lãnh đạo UBND huyện Quốc Oai.

Tại cuộc họp ngày 25/3/2019, HĐND TP. Hà Nội đã tổ chức phiên giải trình về công tác quản lý trật tự xây dựng từ năm 2016 đến nay. Theo báo cáo, thời gian qua Hà Nội đã xử lý 98 cán bộ, công chức và các lao động hợp đồng thuộc lực lượng thanh tra xây dựng do có liên quan đến các sai phạm xây dựng. Trong đó có 72 trường hợp bị khiển trách, 16 trường hợp bị cảnh cáo, 3 trường hợp bị hạ bậc lương, 2 trường hợp bị giáng chức, 5 trường hợp bị buộc thôi việc. Trong số 98 trường hợp bị áp dụng các hình thức kỷ luận trên có 20 trường hợp là cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, trong đó có 2 phó Chánh thanh tra, 7 trưởng phòng/đội trưởng, 11 phó phòng/đội phó…

Trách nhiệm người đứng đầu địa phương đã được quy định rõ nhưng hiện tượng buông lỏng quản lý vẫn còn tồn tại. Thiết nghĩ các cơ quan hữu quan cần có những chế tài mạnh mẽ, xử lý nghiêm thì mới hạn chế được tình trạng trên tránh xu hướng lan rộng.

Đề nghị các cơ quan chức năng huyện Quốc Oai, sớm có biện pháp xử lý nghiêm công trình vi phạm nêu trên. Làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể khi để xảy ra tình trạng xây dựng sai phép tại xã Đông Yên.

Báo sẽ tiếp tục đồng hành và phản ánh vụ việc tới bạn đọc.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nỗi lo từ thuốc đông y biến tướng

Mỗi năm có khoảng 30% số người bệnh được khám và điều trị bằng y học cổ truyền hoặc kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại. Tuy nhiên, chất lượng thuốc đông y đang trở thành vấn đề lớn đối các cơ quan quản lý cũng như người dân chữa trị bằng phương pháp này.

Nguồn: KD&PL