Sản phẩm làng nghề Hà Nội hút khách quốc tế

19/05/2022 18:56

Kinhte&Xahoi Nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm quà tặng, đồ lưu niệm của các đoàn vận động viên tham gia SEA Games 31, du khách, những ngày này, các cơ sở sản xuất, làng nghề trên địa bàn Hà Nội đang chạy hết công suất để cho ra lò những sản phẩm chất lượng nhất.

Qua đó giới thiệu nét tinh hoa, độc đáo và hấp dẫn của sản phẩm làng nghề Thủ đô đến với bạn bè quốc tế.

Đa dạng các sản phẩm lưu niệm SEA Games 31

Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại một số tuyến phố trên địa bàn TP Hà Nội như Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Lược, Lương Văn Can... cho thấy, hầu hết cửa hàng kinh doanh đang bày bán các sản phẩm đồ lưu niệm, áo, cờ cổ vũ... chào đón SEA Games 31 với nhiều mức giá khác nhau.

Du khách mua quà lưu niệm tại gian hàng OCOP trong khuôn viên Trung tâm VH-TT&TT huyện Thanh Trì.

Cụ thể, sản phẩm áo thun in hình linh vật Sao la được bán với giá từ 70.000 - 100.000 đồng/áo, quốc kỳ các nước và cờ để bàn in biểu tượng SEA Games 31 có giá từ 10.000 - 30.000 đồng, băng rôn cổ động, decal dán mặt có giá từ 5.000 - 10.000 đồng, thú bông Sao la có giá từ 120.000 - 150.000 đồng/sản phẩm.

Chị Thanh Bình, chủ cửa hàng đồ lưu niệm số 87 Hàng Bông (Hoàn Kiếm) cho biết, hiện cờ Việt Nam và áo phông in hình SEA Games 31 là sản phẩm được nhiều người hỏi mua. “Sau khi đội tuyển Việt Nam vào bán kết môn bóng đá nam, có cơ hội bảo vệ HCV, sức tiêu thụ cờ Việt Nam tăng mạnh” - chị Bình chia sẻ.

Sản phẩm lưu niệm liên quan đến SEA Games 31 cũng được các gian hàng trên sàn thương mại điện tử như Sendo, Lazara, Shopee hay mạng xã hội Zalo, Facebook bày bán khá phong phú. Chẳng hạn, một chiếc túi Canvas có logo SEA Games 31 được bán với giá từ 90.000 - 100.000 đồng, bộ ghép hình gỗ SEA Games 31 có giá từ 270.000 - 280.000 đồng. Ngoài ra, những sản phẩm khác như dây chuyền, cốc sứ, ví name card, bộ bấm móng tay… in logo SEA Games 31 dao động từ vài chục nghìn đến cả trăm nghìn đồng/sản phẩm.

Trên trang website chính thức của SEA Games 31 (seagames2021.com) cũng có hẳn một "SEA Games shop" đăng bán một số món hàng lưu niệm như linh vật, quạt cầm tay, bình giữ nhiệt, bật lửa zippo, nước rửa tay, bút bi lưu niệm, móc khóa 2D silicon, miếng decal dán tủ lạnh, dụng cụ mở bia, huy hiệu cài áo… với giá từ vài chục nghìn đến gần 500.000 đồng/sản phẩm. Đặc biệt "SEA Games shop" còn tung ra các gói sản phẩm bán theo combo và có dịch vụ giao hàng tận nơi.

Làng nghề tung ra nhiều sản phẩm mới

Để phục vụ nhu cầu mua sắm quà tặng, đồ lưu niệm của các đoàn thể thao, khách du lịch đến Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung trong thời gian diễn ra SEA Games 31, cơ sở sản xuất tại các làng nghề truyền thống đã chế tác ra nhiều sản phẩm đặc trưng.

Chủ tịch Hội Làng nghề Vạn Phúc (Hà Đông) Phạm Khắc Hà cho biết, hiện các cơ sở của làng nghề đang tập trung sản xuất quà tặng phục vụ khách tham quan và du lịch trong thời gian diễn ra SEA Games 31.

Còn tại làng nghề truyền thống Bát Tràng (Gia Lâm), Giám đốc Công ty CP Sứ Việt Vũ Văn Đức thông tin, hiện công ty đã thiết kế hình ảnh Sao la (linh vật và biểu tượng SEA Games 31) in lên các sản phẩm đĩa, bình, lọ… vừa để làm đồ trưng bày, lại có thể sử dụng hàng ngày.

Cũng với mong muốn quảng bá nghề truyền thống của Thủ đô, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát (Sơn Tây) đã chế tác thủ công một bộ sưu tập gồm 31 linh vật Sao la từ gỗ mít nguyên khối. "Với ý nghĩa thân thiện, nhanh nhẹn và hoạt bát, vừa phù hợp với tính chất của thể thao, vừa mang đặc trưng của đất Việt, linh vật Sao la sẽ là món quà lưu niệm độc đáo cho người hâm mộ quốc tế và Việt Nam tại kỳ SEA Games 31" - nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chia sẻ.

Nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm quà tặng của các đoàn vận động viên và du khách, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức Hội chợ triển lãm hàng lưu niệm Thủ đô năm 2022 (Hanoi Great Souvenirs 2022).

Tại hội chợ các làng nghề, nghệ nhân đã trưng bày giới thiệu hơn 10.000 sản phẩm quà tặng thủ công mỹ nghệ, đặc biệt nhiều món quà tặng in hình linh vật SEA Games 31. Tương tự, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội 2022 với sự tham gia của nhiều làng nghề Thủ đô.

Anh Nontapat Panchan - thành viên trong Đoàn Thể thao Malaysia sang Việt Nam tham dự SEA Games 31 chia sẻ, các sản phẩm lưu niệm bày bán tại hội chợ, làng nghề đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, thu hút, tạo ấn tượng với khách tham quan, mua sắm. "Chúng tôi có thể tìm và mua những sản phẩm từ thủ công mỹ nghệ, vải lụa, đến đồ trang sức... về làm quà cho bạn bè, người thân sau khi kết thúc SEA Games 31" - anh Nontapat Panchan chia sẻ.

Theo quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, SEA Games 31 là sự kiện thể thao lớn nhất khu vực, thu hút khoảng 10.000 đại biểu, vận động viên, phóng viên quốc tế tham dự. Đây là cơ hội vàng để quảng bá điểm đến du lịch Thủ đô và sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Đồng thời là dịp để Hà Nội khẳng định thương hiệu điểm đến tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế và khu vực.

Sản phẩm OCOP tạo dấu ấn tốt

Hà Nội được chọn là địa điểm chính tổ chức SEA Games 31 với gần 20 môn thi đấu.

Những ngày qua, tại các nhà thi đấu quận, huyện nơi tổ chức môn thi trong khuôn khổ SEA Games, nhiều địa phương đã tổ chức các gian hàng giới thiệu sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đặc sắc, thu hút sự quan tâm của thành viên đoàn thể các nước.

Trong những ngày diễn ra các trận thi đấu môn bóng rổ của SEA Games 31, huyện Thanh Trì đã bố trí 25 gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP tại khuôn viên của Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao của huyện

Ngoài các gian hàng của Thanh Trì còn có các sản phẩm làng nghề của huyện Thường Tín, Phú Xuyên (Hà Nội) và một số tỉnh, thành khác… Sau các trận thi đấu, được chiêm ngưỡng và mua sắm tại các gian hàng bên ngoài Nhà thi đấu Thanh Trì, các vận động viên và du khách quốc tế rất thích thú.

Anh Chanapid Jakrawan - đội tuyển bóng rổ Thái Lan cho biết, anh rất ấn tượng với các gian hàng sản phẩm truyền thống của Việt Nam. “Tôi đã mua một vài sản phẩm lưu niệm để tặng bạn bè, người thân khi về nước. Người dân rất thân thiện và lịch sự, mến khách. Tôi nhất định sẽ quay lại Việt Nam vào một ngày không xa để trải nghiệm cuộc sống và con người nơi đây”.

Còn Chủ tịch Liên đoàn Bóng rổ Indonesia KhoPhotay cho biết: “Chúng tôi rất vinh dự khi được tới đây tham gia thi đấu, được tham quan các gian hàng OCOP của Thanh Trì. Các sản phẩm rất bắt mắt và ấn tượng. Ban Tổ chức cũng làm rất tốt công tác tổ chức và chuẩn bị, đặc biệt là các hoạt động bên lề của SEA Games 31”.

Có thể nhận thấy rằng, SEA Games 31 đã tạo cơ hội cho các cơ sở sản xuất, làng nghề nâng cấp chất lượng, mẫu mã, quảng bá sản phẩm tới du khách quốc tế. Qua đó góp phần vào việc quảng bá du lịch Thủ đô và các sản phẩm quà tặng hấp dẫn cho du khách.

"Tôi rất vui khi được đến Thanh Trì và tham gia trải nghiệm những hoạt động bên lề SEA Games 31. Sau khi thi đấu, chúng tôi sẽ đi thăm các làng nghề truyền thống và trải nghiệm thêm về các sản phẩm tại địa phương, nơi diễn ra môn thi đấu bóng rổ." - Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng rổ Indonesia Nirmala Dewi 

Nam Bắc - Lê Nam - KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đưa nông sản sạch về Thủ đô phục vụ người dân

Để phục vụ tốt nhu cầu của người dân Thủ đô, ngành Công Thương Hà Nội đã và đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố đưa nhiều mặt hàng nông sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm về Thủ đô; đồng thời, tổ chức kết nối cung - cầu giữa doanh nghiệp sản xuất với đơn vị bán lẻ tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Qua đó góp phần thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

link bài gốc https://kinhtedothi.vn/san-pham-lang-nghe-ha-noi-hut-khach-quoc-te.html