Sau 2 tuần “mở cửa”, TP HCM chưa ghi nhận ổ dịch mới nào trong cộng đồng

19/10/2021 06:47

Kinhte&Xahoi Chiều ngày 18/10, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP HCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP 24 giờ qua.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: TTBC.

Thông tin về tình hình phòng chống dịch trên địa bàn TP, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết, tính đến 18 giờ ngày 17/10, có 418.269 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP HCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 417.770 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 499 trường hợp nhập cảnh.

Hiện TP HCM đang điều trị 11.531 bệnh nhân, trong đó: có 902 trẻ em dưới 16 tuổi, 404 bệnh nhân nặng đang thở máy, 18 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 17/10: có 640 bệnh nhân nhập viện, 664 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 241.461), 51 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 16.238).

Sau  2 tuần mở cửa, cho đến nay, TPHCM chưa ghi nhận ổ dịch mới nào trong cộng đồng.

Về công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, đến ngày 17/10/2021, có 7.116.611 mũi 1 và 5.475.267 mũi 2 đã được tiêm.

Trao đổi về tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 – 17 tuổi, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải khẳng định, hiện tại chưa có kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em tại TP HCM.

Thông tin thêm về việc này, Phó Ban chỉ đạo cho biết, ngày 14/10/2021, Bộ Y tế có văn bản số 8688 /BYT-DP gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố thuộc Trung Ương về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 – 17 tuổi. Qua đó, đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm mũi 1 từ tháng 10/2021 nếu đã chuẩn bị đủ điều kiện.

Thực hiện theo chỉ đạo này, Sở Y tế có Tờ trình UBND TP để chuẩn bị việc tiêm vắc xin cho trẻ em theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, Bộ chưa có hướng dẫn về loại vắc xin nào, thời gian tiêm chủng ra sao. Do đó, sau khi Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể hơn, UBND TP sẽ có chỉ đạo để Sở Y tế TP triển khai.

 Ngọc Hiếu - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Mưa, rét khiến giá rau xanh tăng cao

Do ảnh hưởng của mưa bão và đợt không khí lạnh đầu mùa khiến cho diện tích trồng rau xanh tại các vùng ngoại thành Hà Nội bị ngập úng, gây thối hỏng, ảnh hưởng đến nguồn cung rau xanh, khiến mặt hàng này tăng giá từng ngày.

Quản lý chặt chất lượng nông sản

Trong bối cảnh dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống mở cửa trở lại, nhu cầu tiêu thụ nông sản trên thị trường dần tăng cao. Nhằm quản lý chặt chất lượng sản phẩm nông nghiệp, Sở NN&PTNT Hà Nội đang phối hợp với các quận, huyện, thị xã tăng cường thanh tra, lấy mẫu xét nghiệm các sản phẩm có nguy cơ cao nhằm phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm về an toàn thực phẩm.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/sau-2-tuan-mo-cua-tp-hcm-chua-ghi-nhan-o-dich-moi-nao-trong-cong-dong-d168923.html