Sở Y tế Hà Nội bắt tay khống chế dịch tả lợn Châu Phi

13/03/2019 09:28

Kinhte&Xahoi Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 955/KH-SYT về phối hợp triển khai các biện pháp khống chế dịch bệnh tả lợn Châu Phi.

Sở Y tế Hà Nội bắt tay khống chế dịch tả lợn Châu Phi

Theo đó, các đơn vị trong ngành có Kế hoạch, phương án phối hợp với các đơn vị có liên quan chủ động triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh tả lợn Châu Phi; Tăng cường công tác thanh kiểm tra việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở chế biến và sản xuất thực phẩm, đặc biệt là đối với các thực phẩm có nguồn gốc từ thịt lợn.

Phối hợp với ngành Thú y đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin chính xác, kịp thời cho nhân dân về diễn biến tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bệnh tả lợn Châu Phi, nội dung tuyên truyền cần đảm bảo yêu cầu vừa phòng chống dịch bệnh vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm từ thịt lợn, không gây hoang mang cho người dân; Tuyên truyền phổ biến cho người dân và các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm về việc đảm bảo vệ sinh ATTP, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm từ thịt lợn bị mắc bệnh dịch.

Phối hợp với ngành NN&PTNT và các sở, ban, ngành liên quan trong việc kiểm tra liên ngành về công tác phòng chống dịch bệnh tả lợn Châu Phi theo chỉ đạo của UBND Thành phố; Phối hợp giữa ngành Y tế với ngành NN&PTNT và ngành Công thương trong việc đảm bảo vệ sinh ATTP trên địa bàn Thành phố.

Phối hợp với Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn đặc biệt là các cơ sở dịch vụ ăn uống, sản xuất, chế biến thực phẩm có nguồn gốc từ thịt lợn.

Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn công tác đảm bảo vệ sinh ATTP cho người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, tuyên truyền cho người dân biết cách lựa chọn thực phẩm an toàn và các biện pháp phòng tránh ngộ độc thực phẩm.

Hướng dẫn Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp với Trạm Thú y trên địa bàn trong việc vệ sinh môi trường khử khuẩn tại các khu vực có dịch bệnh; hướng dẫn các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho cán bộ và người dân khi tiếp xúc, làm việc trong môi trường bị ô nhiễm do dịch bệnh.

Dịch tả lợn Châu Phi không lây truyền sang người, tuy nhiên có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của con người (mắc các dịch bệnh khác do ô nhiễm môi trường nếu không được xử lý vệ sinh kịp thời, đúng quy định).

Hiện nay, dịch tả lợn Châu Phi chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy, biện pháp phòng bệnh chính là phát hiện và xử lý kịp thời triệt để ổ dịch ngay từ khi xuất hiện ở phạm vi nhỏ để tránh lây lan.

Tuân thủ đúng các biện pháp phòng ngừa, vệ sinh chuồng trại và các nơi kinh doanh, chế biến thực phẩm; khi phát hiện các trường hợp lợn ốm, chết cần thông báo ngay cho các cơ quan Thú y trên địa bàn.

Không vận chuyển lợn hoặc các sản phẩm có nguồn gốc từ lợn ra vào vùng đang có dịch bệnh; Không chế biến và ăn các sản phẩm từ thịt lợn bị ốm, chết; nấu chín thịt lợn trước khi ăn.

 

Theo Infornet.vn/Hoanhap.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nước chấm - nước mắm: Phải minh bạch tên gọi

Mặc dù đơn vị sản xuất chỉ ghi trên bao bì là nước chấm nhưng khi ra siêu thị, loại sản phẩm này vẫn “đường hoàng” được ghi là nước mắm gây ra những hiểu lầm cho người tiêu dùng. Đã đến lúc cần phải định danh lại rõ hai loại sản phẩm này