Sử dụng duy nhất một ứng dụng khai báo y tế, không để ùn tắc tại sân bay

26/01/2022 08:30

Kinhte&Xahoi Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 22/TB-VPCP ngày 25/01/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tại buổi kiểm tra công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Ảnh minh họa

Thông báo nêu rõ, việc bảo đảm an ninh, an toàn và an toàn giao thông của tất cả các loại hình giao thông là rất quan trọng, trong đó an ninh, an toàn hàng không là đặc biệt quan trọng.

Vấn đề quan trọng là bảo đảm tuyệt đối về an ninh, an toàn hàng không

 Trong năm 2021, tình hình trật tự, an toàn giao thông trong cả nước đã từng bước được cải thiện, giảm cả 3 tiêu chí về an toàn giao thông (số vụ, số người thiệt mạng và số người bị thương), an ninh hàng không được bảo đảm.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực biểu dương sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị trong ngành hàng không dân dụng và các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan đã nỗ lực, hoàn thành tốt và duy trì, đảm bảo an toàn, an ninh cho hoạt động hàng không dân dụng trong năm qua. Đồng thời, biểu dương Bộ Giao thông vận tải, các đơn vị liên quan, Ban Quản lý dự án Thăng Long và các đơn vị tham gia thi công Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã nỗ lực hoàn thành công trình để có thể đưa vào khai thác phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, du khách và kiều bào trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Trong điều kiện trở lại trạng thái bình thường mới của năm 2022, nhu cầu di chuyển, vận tải sẽ tăng lên, trong đó có vận chuyển hàng không. Vấn đề quan trọng là bảo đảm tuyệt đối về an ninh, an toàn hàng không. Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Bộ Giao thông vận tải, các đơn vị trong ngành hàng không thực hiện tốt một số nhiệm vụ.

Các chuyến bay thương mại thường lệ quốc tế đã được cho phép mở lại từ ngày 1/1/2022. Hiện đã có 8/9 nước thỏa thuận đồng ý. Trong giai đoạn 2, đã có chủ trương mở thêm các đường bay đến Úc và một số nước châu Âu. Việc mở lại đường bay thương mại góp phần phục hồi kinh tế và đáp ứng nhu cầu của người Việt Nam đi/đến các nước. Tất cả các đơn vị tại sân bay Nội Bài nói riêng và tất cả các sân bay trong cả nước nói chung kiểm tra, rà soát công tác an toàn, trang thiết bị phục vụ các chuyến bay, không để tình trạng chậm, hủy chuyến, cơ sở hạ tầng không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Các đơn vị thực hiện mục tiêu kép tăng cường phương tiện phục vụ hành khách, hàng hóa và kiểm soát dịch bệnh, yêu cầu xem xét lại một cách kỹ càng vấn đề xét nghiệm nhanh đối với trẻ em dưới 12 tuổi và trẻ sơ sinh khi đi tàu bay cùng bố, mẹ; vận dụng đúng các quy định, không để ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia giao thông hàng không. Tất cả các hãng hàng không tuân thủ các quy định về vận chuyển, đặc biệt là việc xét nghiệm đối với hành khách, không tự phát sinh thêm các thủ tục so với quy định.

Bộ Y tế khẩn trương báo cáo việc thực hiện Công điện số 9406/CĐ-VPCP ngày 23/12/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc tăng cường tiêm chủng, kiểm soát biến chủng mới Omicron của vi rút SARS-CoV-2, tiếp thu ý kiến của Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất điều chỉnh việc test nhanh đối với hành khách trước khi lên và sau khi xuống tàu bay.

Các doanh nghiệp cảng hàng không bố trí nơi khai báo y tế, kiểm tra y tế tại cảng hàng không một cách khoa học, hợp lý, không làm tăng thêm các bước/thủ tục, tránh tập trung đông người làm tăng nguy cơ lây nhiễm.

Ảnh minh họa

Thống nhất sử dụng duy nhất một ứng dụng khai báo y tế

 Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông thống nhất việc sử dụng duy nhất một ứng dụng khai báo y tế, không để phát sinh, vướng mắc gây ùn tắc hành khách tại sân bay với mục tiêu giải phóng hành khách nhanh nhất.

Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phải có biện pháp chủ động, sẵn sàng, kịp thời ứng phó, xử lý các hành vi đe dọa, uy hiếp đến an ninh, an toàn hàng không, đặc biệt là ứng phó khẩn nguy với các hành vi can thiệp bất hợp pháp, khủng bố vào hoạt động hàng không dân dụng.

Các Bộ: Giao thông vận tải, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Y tế bố trí các chuyến bay Combo, “giải cứu” đến các sân bay khác hoặc giãn cách giờ hạ cánh để giảm tải cho sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, tránh việc tập trung đông hành khách, không để ảnh hưởng đến các chuyến bay thương mại.

Về kiến nghị của các đơn vị tại cuộc họp, Bộ Quốc phòng chủ trì nghiên cứu, đề xuất giải pháp tổng thể quản lý chặt chẽ tàu bay không người lái, vật thể bay siêu nhẹ; Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế tiếp tục làm việc với các quốc gia/vùng lãnh thổ về mở chuyến bay thương mại, tần suất các chuyến bay; Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu điều chỉnh phương án xét nghiệm bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch bệnh COVID-19 và hạn chế tối đa phiền hà cho hành khách.

 Minh Quang - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bổ sung quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa

Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2022/NĐ-CP ngày 21/01/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Đo lường.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/su-dung-duy-nhat-mot-ung-dung-khai-bao-y-te-khong-de-un-tac-tai-san-bay-188808.html