Sự hy sinh thầm lặng của những "chiến binh áo trắng" Kỳ 1: Ngành Y tế Thủ đô “vắt sức” nơi tuyến đầu chống dịch

25/02/2022 10:53

Kinhte&Xahoi Ngay trong những ngày đầu năm 2022, ngành Y tế Thủ đô tiếp tục "căng sức" tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, chủ động, sẵn sàng ứng phó nhanh, kịp thời, đáp ứng hiệu quả trước mọi diễn biến phức tạp của dịch. Ngay trong Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, gác lại những buổi lễ chúc mừng, các chiến sĩ áo trắng thầm lặng lên tuyến đầu, vào tâm dịch, đẩy lùi dịch bệnh… Trước một đại dịch chưa từng có tiền lệ như dịch COVID-19, nhiều "chiến sĩ áo trắng" đã lao vào cuộc chiến và vững vàng đối mặt. Sự hy sinh đóng góp của họ đã “truyền lửa” cho toàn dân có niềm tin chiến thắng đẩy lùi dịch bệnh.

Ngày nào cũng là ngày Thầy thuốc

 Trong hai năm qua, các thầy thuốc, nhân viên y tế, nhất là những người trên tuyến đầu đã làm việc với tinh thần không biết mệt mỏi, nơi làm việc trở thành nơi sinh hoạt: Ăn, ngủ, nghỉ mỗi ngày.

Có người đã phải hoãn lại đám cưới hoặc không thể trở về khi người thân trong cơn “thập tử nhất sinh”, họ lựa chọn ở lại chiến đấu cùng đồng đội nơi tâm dịch với lời hứa “bao giờ hết dịch mới trở về”. Họ lên đường và chiến đấu trong tâm thế của một "chiến binh" như cách mà thế hệ cha anh từng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” thuở nào.

Những ngày đầu năm 2022, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp hơn bùng phát tại nhiều địa phương, trong đó Hà Nội luôn lập những kỷ lục buồn vì số ca mắc COVID-19 cao nhất cả nước. Nhiều nhân viên y tế phải tạm xa gia đình lên đường làm nhiệm vụ, xung phong lên tuyến đầu, tiến vào tâm dịch.

Trong đêm Giao thừa Tết Nguyên đán 2022, nhiều cán bộ y tế vẫn tất bận với công việc túc trực tại các phòng bệnh, lấy mẫu xét nghiệm hay triển khai tiêm vắc xin “xuyên Tết”. Dù bỏ lỡ phút giây đón năm mới thiêng liêng bên gia đình, người thân nhưng họ lại có một niềm vui khác cao cả hơn, đó là mang đến sự bình an cho hàng triệu gia đình.

TP Hà Nội triển khai tiêm vắc xin "xuyên đêm" cho người dân (Ảnh tư liệu)

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết: “Chúng tôi là những người đã “không chọn việc nhẹ nhàng”, ngày đêm sát cánh cùng người dân Thủ đô chiến đấu với dịch bệnh. Đó là những bác sĩ điều trị bệnh nhân nặng, dù nhà ở ngay Hà Nội nhưng đến nửa năm trời vẫn không được gặp gia đình; Là những y tá, điều dưỡng… cả ngày khoác lên mình bộ đồ bảo hộ, giữa cái nóng 39-40 độ C ngày hè, để lấy mẫu xét nghiệm, hỗ trợ người bệnh…

Họ là những tình nguyện viên, từ thanh niên cho tới người cao tuổi, từ hội viên phụ nữ, hội nông dân, bác trưởng thôn… hay những chiến sĩ công an, quân đội. Bất cứ ai cũng có thể bỏ dở bữa cơm gia đình mỗi khi nhận được điện thoại của F0 cách ly tại nhà, mang đến cho họ viên thuốc hạ sốt hay mớ rau, cân thịt…. Tôi xin được dành lời cảm ơn từ đáy lòng mình đến tất cả lực lượng tuyến đầu ấy.

Hai năm qua là hai năm vô cùng khó khăn và đầy thử thách với ngành y tế. Đó là những khó khăn, thử thách chưa từng có tiền lệ. Có lửa thì mới thử được vàng, có gian nan thì mới thử được sức, nhiều công việc chúng tôi không nghĩ mình có thể hoàn thành nếu không được đặt vào những hoàn cảnh, thời điểm như vậy”.

Dẫn chứng về thời điểm triển khai chiến dịch tiêm chủng với quy mô chưa từng có từ trước đến nay diễn ra vào tháng 9/2021, TS Trần Thị Nhị Hà chia sẻ, thời điểm ấy, có những ngày lực lượng y tế đã thực hiện tiêm hơn 600 nghìn mũi vắc xin phòng COVID-19; Có những điểm tiêm chủng diễn ra tới 2, 3 giờ sáng… Hay như việc triển khai điều trị, cấp phát thuốc và theo dõi F0 tại nhà với hình ảnh tất bật của những sắc xanh màu áo bảo hộ, thanh niên tình nguyện, thành viên của Tổ COVID-19 cộng đồng… đi tới từng nhà, từng ngõ nhỏ - nơi mà người dân đang cần, bất kể ngày đêm vì sự bình yên của Thủ đô.

Xứng đáng với lời thề Hippocrates

 Ngày 22/2, tại Hội nghị gặp mặt đại diện lực lượng y tế và lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch COVID-19 tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2022), bác sĩ Vũ Thị Thùy Tươi, Khu điều trị COVID-19, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, vinh dự được trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Bác sĩ Vũ Thị Thùy Tươi, Khu điều trị COVID-19, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội thăm khám cho các bệnh nhân

Trong cuộc chiến với COVID-19, bác sĩ Vũ Thị Thùy Tươi cùng các y, bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Hà Nội mang trong mình lời thề Hippocrates miệt mài từng ngày, từng giờ nỗ lực chăm sóc, điều trị cho 326 bệnh nhân tâm thần mắc COVID-19.

“Với bệnh nhân tâm thần mắc COVID-19, nhất là những người già, việc tiếp xúc với họ rất khó, bởi họ gần như không hợp tác, nên khó có thể nắm rõ được triệu chứng họ đang gặp phải (như đau họng, tức ngực, khó thở…) để đưa ra phác đồ điều trị chính xác; Đó là chưa kể nhiều bệnh nhân kích động, quậy phá, làm tung bộ đồ bảo hộ của bác sĩ và khẩu trang cá nhân, khiến nguy cơ phơi nhiễm trong quá trình điều trị đối với y, bác sĩ khá cao”, bác sĩ Tươi chia sẻ.

Trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19, bên cạnh những nhân viên y tế đang ngày ngày nỗ lực cứu chữa chăm sóc người bệnh, những sinh viên ngành y cũng đang là các chiến sĩ xung kích với tinh thần: “Đâu cần sinh viên y có, đâu khó có sinh viên y”.

Đại diện Bộ Y tế tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho các thầy cô giáo, sinh viên Đại học Y Hà Nội có thành tích xuất sắc trong phòng, chống dịch COVID-19

Tham gia chi viện tại tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh những ngày khốc liệt nhất, sinh viên Đỗ Mạnh Cầm (lớp Y6F, khoa Y học cổ truyền trường Đại học Y Hà Nội) cho biết: "Tuổi trẻ ai cũng có những lựa chọn. Chúng tôi chọn góp sức nhỏ của mình, mang yêu thương đi thật xa. Đó là khẩu hiệu của những sinh viên Đại học Y Hà Nội xung phong chi viện cho miền Nam giữa thời điểm nơi đây đang là tâm dịch của cả nước trong năm 2021”.

Với sinh viên Đại học Y, năm cuối là thời điểm quan trọng nhất khi kỳ thi bác sĩ nội trú gần kề, thậm chí quan trọng hơn cả thi đại học. "Vì thi đại học không đỗ bạn có thể thi lại, còn thi nội trú thì cả đời chỉ có một lần duy nhất. Chúng em tự động viên mình đó là việc cá nhân, mà việc cá nhân thì nên gác lại vì việc chung của cả nước", Mạnh Cầm chia sẻ.

Tại tâm dịch, các sinh viên Đại học Y như Mạnh Cầm làm tất cả mọi việc từ lấy mẫu bệnh phẩm, truy vết F0, đi điều trị cho đến công việc hành chính chưa bao giờ làm như lập danh sách, rà soát đối tượng, xây dựng kho lưu trữ thông tin…

Tình hình ở đó khắc nghiệt hơn rất nhiều so với những gì họ tưởng tượng: "Những cuộc điện thoại dồn dập với nội dung "nguy kịch lắm rồi", "F0 đã mất" báo về liên tục. Sợ gia đình lo lắng, Mạnh Cầm đã phải giấu cả việc mình xung phong vào nơi tâm dịch.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, chàng sinh viên trẻ Đỗ Mạnh Cầm đã vinh dự là một trong 27 cá nhân có thành tích cao trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và trong công tác phối hợp xét nghiệm, điều trị người nhiễm COVID-19 trên địa bàn thành phố được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

 (Còn nữa)

 Phương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nước hoa giả, tác hại thật

Thời gian qua, nhiều loại nước hoa mang thương hiệu nổi tiếng thế giới được rao bán với giá rẻ hàng chục lần so với giá gốc; thậm chí, có loại giá rẻ “giật mình”, chỉ 50.000-200.000 đồng. Điều đáng nói, các sản phẩm này được bày bán nhan nhản tại các chợ, cửa hàng và trên mạng xã hội. Vì ham rẻ, nhiều người tiêu dùng đã mua phải nước hoa giả, kém chất lượng, gây hại cho sức khỏe bản thân.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ky-1-nganh-y-te-thu-do-vat-suc-noi-tuyen-dau-chong-dich-190582.html