Sự thực đằng sau việc giảm đột ngột các ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc

01/03/2020 09:32

Kinhte&Xahoi Trung Quốc trong ngày qua công bố các ca nhiễm COVID-19 chỉ ở mức vài trăm, con số thấp nhất trong nhiều tuần qua.

Trung Quốc thay đổi cách chẩn đoán khiến số ca nhiễm COVID-19 giảm sâu. Ảnh: Tân Hoa xã

Ngày 20.2, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc công bố 394 ca nhiễm COVID-19 mới, con số thấp nhất trong vài tuần, sau khi tiếp tục thay đổi các tiêu chuẩn chẩn đoán để loại trừ các bệnh nhân được chẩn đoán lâm sàng bằng các phương pháp như chụp CAT.

Số ca nhiễm mới hôm 20.2 cho thấy sự sụt giảm đáng kể so với 1.749 ca 1 ngày trước đó. Đây cũng là ngày thứ 16 liên tiếp, các ca nhiễm mới ngoài Hồ Bắc giảm, trong khi ở Hồ Bắc là giảm ngày thứ 7 liên tiếp.

Hôm 19.2, các nhà chức trách y tế Trung Quốc tuyên bố thay đổi kế hoạch điều trị mới, nói rằng chỉ có các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm được xác nhận mới được tính. Điều này đã đảo ngược một quyết định trước đó tính cả các trường hợp chẩn đoán lâm sàng.

Tuần trước, những bệnh nhân chẩn đoán lâm sàng được tính vào số bệnh nhân nhiễm COVID-19, dẫn đến con số tăng đột biến gấp 9 lần trong ngày 13.2.

Sự suy giảm dần dần về số ca nhiễm mới được ghi nhận trên khắp Trung Quốc đã làm tăng hy vọng rằng tình hình ở đó sẽ bắt đầu ổn định, nhưng các nước Châu Á khác đã chứng kiến sự gia tăng đột biến của các bệnh nhiễm COVID-19.

Một số chuyên gia trước đây đã bày tỏ hy vọng rằng dịch sẽ đạt đỉnh vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3, bao gồm cả chuyên gia hô hấp hàng đầu Trung Quốc Chung Nam Sơn, người đã nói rằng đỉnh dịch dự kiến diễn ra vào cuối tháng 2 sau đó ổn định vào tháng 4.
 
Yanzhong Huang, một thành viên cao cấp về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại ở Washington, được tờ SCMP dẫn lời cho biết: “Các biện pháp ngăn chặn nặng tay dường như có hiệu quả trong việc kiềm chế sự lây lan của virus bên ngoài tỉnh Hồ Bắc”.

Nhưng những người khác kêu gọi thận trọng, nói rằng sự sụt giảm dường như phần lớn là do những thay đổi trong cách chẩn đoán và vẫn còn phải xem mức độ hạn chế lây lan có hiệu quả thế nào.

Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, Mỹ cho biết, các biện pháp được chính phủ Trung Quốc áp dụng cho đến nay là cách ly kiểm soát dân số mạnh mẽ nhất mà chúng ta từng thấy trong lịch sử hiện đại. Nhưng thách thức hiện giờ với Trung Quốc là khi người dân quay trở lại làm việc, mọi người ở cùng trong không gian công cộng.

Trong khi đó, số ca nhiễm COVID-19 mới trên toàn thế giới gần đây đã tăng mạnh ở các quốc gia bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc, trong đó Hàn Quốc có 53 ca mới trong ngày 20.2, đưa tổng số ca nhiễm ở nước này lên 104. Hàn Quốc cũng có ca tử vong đầu tiên hôm 20.2.

Tàu Diamond Princess neo ở cảng Yokohama, Nhật Bản có hơn 600 hành khách dương tính với COVID-19, trong đó 2 người đã tử vong.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sau bánh mì thanh long, giá loại quả "rồng" tăng đột biến

Sau khi doanh nhân Kao Siêu Lực chế biến ra loại bánh mì thanh long độc đáo, đồng thời chia sẻ rộng rãi công thức, nhiều cơ sở sản xuất ở các địa phương cũng đã làm được bánh mì thanh long. Cộng với việc khơi thông cửa khẩu đã đẩy giá thanh long ở nhiều địa phương tăng cao.

Theo Báo Lao động/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/su-thuc-dang-sau-viec-giam-dot-ngot-cac-ca-nhiem-covid-19-o-trung-quoc-d118386.html