Tái đàn trong chăn nuôi lợn: Thận trọng để tránh rủi ro

12/05/2020 14:27

Kinhte&Xahoi Ngành chăn nuôi lợn đóng vai trò hết sức quan trọng với Hà Nội, bởi phải phục vụ nhu cầu thực phẩm hàng ngày cho 10 triệu dân nên áp lực rất lớn. Để đạt mục tiêu nâng tổng đàn lợn lên 1,8 triệu con vào cuối năm 2020, Hà Nội đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, ưu tiên dành 150 tỷ đồng hỗ trợ cho lĩnh vực chăn nuôi, chủ yếu tập trung cho chăn nuôi lợn.

Phấn đấu nâng tổng đàn lợn lên 1,8 triệu con vào cuối năm 2020

 Trong bối cảnh dịch Covid-19, ngành Nông nghiệp nói chung, chăn nuôi lợn nói riêng đóng vai trò hết sức quan trọng. Đặc biệt là đối với nhiệm vụ bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho khoảng 10 triệu dân đang cư trú trên địa bàn Thủ đô.

Hà Nội ưu tiên dành 150 tỷ đồng hỗ trợ cho lĩnh vực chăn nuôi, chủ yếu tập trung cho chăn nuôi lợn

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho thấy, trước khi xảy ra dịch tả lợn Châu Phi, tổng đàn lợn của thành phố Hà Nội có trên 1,8 triệu con nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu. Sau khi xảy ra dịch tả lợn Châu Phi, thời điểm thấp nhất Hà Nội chỉ còn 0,9 triệu đầu lợn, giảm xấp xỉ 50%. Đến nay, tổng đàn lợn đã phục hồi lên 1,2 triệu con nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Để đạt mục tiêu nâng tổng đàn lợn lên 1,8 triệu con vào cuối năm 2020, Hà Nội đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, ưu tiên dành 150 tỷ đồng hỗ trợ cho lĩnh vực chăn nuôi, chủ yếu tập trung cho chăn nuôi lợn.

Liên quan đến vấn đề hỗ trợ kinh phí cho bà con nhân dân để tái đàn lợn, tại cuộc họp với các sở ngành, địa phương về kết quả thực hiện Chương trình số 02/CTr-TU của Thành ủy Hà Nội vừa được tổ chức, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã chi trả 1.150 tỷ đồng hỗ trợ người chăn nuôi lợn bị tiêu hủy bởi dịch tả lợn Châu Phi. Mới đây, thành phố đã chính thức có quyết định hỗ trợ các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong đó thành phố ưu tiên 150 tỷ đồng hỗ trợ riêng cho lĩnh vực chăn nuôi, chủ yếu tập trung chăn nuôi lợn.

Hà Nội phấn đấu nâng tổng đàn lợn lên 1,8 triệu con vào cuối năm 2020

Cụ thể, Hà Nội sẽ hỗ trợ 100% chi phí tinh lợn ngoại, hỗ trợ 5 triệu đồng/nái, hỗ trợ 3 triệu đồng/đực bố mẹ để đẩy nhanh tăng đàn, tái đàn với mục tiêu khôi phục 1,8 triệu đầu lợn như thời điểm trước dịch vào cuối năm 2020. Đồng thời, thành phố sẽ hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng cho 100 - 200 cơ sở chăn nuôi. 

Định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học

 Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, hiện nay ngân sách từ các quận, huyện hỗ trợ cho người dân là khoảng 50% số tiền mua giống, nếu nhu cầu ở các địa phương lớn hơn thì thì thành phố sẽ hỗ trợ. Quan điểm của ngành nông nghiệp Hà Nội là tăng đàn không chỉ số lượng mà phải đi đôi với chất lượng. Muốn vậy phải thực hiện an toàn sinh học triệt để.

Với những hộ nghèo và hộ cận nghèo việc đầu tư chăn nuôi an toàn sinh học cho lợn nếu khó khăn thì thành phố có chính sách sẽ chuyển nuôi bê, dê hoặc bò cái sinh sản. Hiện nay chính sách của Hà Nội đang tập trung hỗ trợ trang trại, gia trại có điều kiện chăn nuôi về an toàn sinh học. Tập trung cho mua đàn lợn hậu bị, hỗ trợ 5 triệu đồng/con giống cho các trang trại, gia trại đủ điều kiện thú y.

Về lâu dài, Sở sẽ đề xuất hỗ trợ cho doanh nghiệp, các hợp tác xã và các gia trại lớn đủ điều kiện để nuôi an toàn sinh học, một số nơi đã hỗ trợ 40 - 50% tiền giống để có đàn hậu bị đảm bảo. Vì một số nơi hiện nay do thiếu giống đã đưa một lượng lợn thương phẩm vào làm giống thì chất lượng không tốt.

Liên quan đến vấn đề hỗ trợ người dân tái đàn lợn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng nhấn mạnh: Hiện nay, muốn tăng đàn nhanh chóng phải tăng cường hỗ trợ tinh lợn tốt cho các hộ nuôi nái, tập huấn cho trang trại, gia trại về khoa học kỹ thuật để có giống tốt, an toàn dịch bệnh để số con sống sống sót sau sinh được nhiều. Như trước đây, một lứa chỉ 10 - 11 con giờ phải tăng lên tầm 13 con thì đến cuối năm nay sẽ có hơn 1 triệu con giống, đây sẽ là lượng giống để tăng đàn nhanh chóng.

“Vừa rồi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có làm việc với các công ty chăn nuôi lớn trên địa bàn thành phố, chúng tôi đề nghị các công ty trực tiếp ưu tiên bán giống cho các trang trại gia trại, hộ chăn nuôi lớn trên địa bàn thành phố. Đặc biệt là việc tăng cường việc cung cấp giống. Các đơn vị vệ tinh của các công ty này cũng đang cung cấp giống cho các tỉnh nếu đã đủ nhu cầu thì đề nghị cung cấp ra ngoài Hà Nội”.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, người chăn nuôi không nên quá hoang mang, cần cố gắng giữ ổn định chăn nuôi, nhất là đối với đàn lợn nái. Bởi sau khi dịch đi qua, dự báo thị trường sẽ thiếu hụt một số lượng thịt lợn nhất định. Nếu số lợn nái bị hao hụt, người nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn khi tái đàn để bù đắp cho thị trường.

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các địa phương: Thúc đẩy tiêu dùng nội địa

Những năm gần đây, Hà Nội trở thành “điểm đến” của các loại hàng hóa - đặc biệt là nông sản của nhiều tỉnh, thành phố, nhờ hoạt động kết nối tiêu thụ, quảng bá sản phẩm. Để tiếp tục khơi thông giao thương hàng hóa, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, vẫn cần nâng cao hơn nữa chất lượng, tính an toàn, tiêu chuẩn đóng gói, bao bì…, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hơn 10 triệu người trên địa bàn Thủ đô.

Link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tai-dan-trong-chan-nuoi-lon-than-trong-de-tranh-rui-ro-d2083621.html