Tháng 2/2020: Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 7,9% so với tháng trước

02/03/2020 15:36

Kinhte&Xahoi Theo Tổng cục Thống kê, tháng 02 là tháng sau Tết Nguyên đán và là tháng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng không sôi động như những tháng trước.

Ảnh minh họa. ( Ảnh: Hồng Hạnh / Báo Bắc Kạn)

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Hai ước tính đạt 414,1 nghìn tỷ đồng, giảm 7,9% so với tháng trước và tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 325,2 nghìn tỷ đồng, giảm 6,7% và tăng 8,2%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 44,2 nghìn tỷ đồng, giảm 13% và giảm 3,9%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 3,3 nghìn tỷ đồng, giảm 21% và giảm 6%; doanh thu dịch vụ khác đạt 41,4 nghìn tỷ đồng, giảm 10,2% và tăng 1,8%.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 863,9 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,4% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,3%).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 2 tháng đầu năm nay ước tính đạt 674 nghìn tỷ đồng, chiếm 78% tổng mức và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 13,3% của cùng kỳ năm 2019 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng hạn chế đến nơi công cộng mua sắm.

Trong đó, ô tô tăng 11,2%; xăng, dầu tăng 11%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 9,5%; may mặc tăng 8,9%; lương thực, thực phẩm tăng 8,6%; phương tiện đi lại tăng 7,1%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 4,7%. Một số địa phương có mức doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng khá: Quảng Ninh tăng 13,8%; Hải Phòng tăng 13,6%; Thanh Hóa tăng 11,9%; Nghệ An tăng 10,9%; Hà Nội tăng 10,5%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 9,6%; Đà Nẵng tăng 8,2%; Khánh Hòa tăng 7,9%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 2 tháng đầu năm ước tính đạt 95 nghìn tỷ đồng, chiếm 11% tổng mức và chỉ tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,8%) do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên người dân hạn chế đi lại và ăn uống ngoài gia đình, đồng thời việc tạm ngừng cấp visa cho khách Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến dịch vụ lưu trú, ăn uống.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 2 tháng so với cùng kỳ năm trước giảm ở hầu hết các địa phương, trong đó Khánh Hòa giảm 24,2%; Lâm Đồng giảm 10,2%; Hà Nội giảm 8,1%; Cần Thơ giảm 5,6%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 5%; Thanh Hóa giảm 2,9%; Bình Định giảm 1,6%.

Doanh thu du lịch lữ hành 2 tháng đầu năm ước tính đạt 7,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 12,8%), trong đó doanh thu của Bình Thuận tăng 5,3%; Đà Nẵng tăng 1,5%; Hà Tĩnh tăng 0,8%; Hải Phòng giảm 0,7%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 1,2%; Hà Nội giảm 9,5%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 9,7%; Quảng Nam giảm 12,8%; Thanh Hóa giảm 23,6%.

Doanh thu dịch vụ khác 2 tháng đầu năm ước tính đạt 87,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng mức và tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó doanh thu của Quảng Ninh tăng 8,7%; Quảng Ngãi tăng 6,1%; Thừa Thiên - Huế tăng 5,4%; Đà Nẵng tăng 4,7%; Bình Định tăng 4%; Quảng Bình tăng 3,9%; Hải Phòng tăng 1,2%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 0,3%; Hà Nội giảm 1,2%.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sau bánh mì thanh long, giá loại quả "rồng" tăng đột biến

Sau khi doanh nhân Kao Siêu Lực chế biến ra loại bánh mì thanh long độc đáo, đồng thời chia sẻ rộng rãi công thức, nhiều cơ sở sản xuất ở các địa phương cũng đã làm được bánh mì thanh long. Cộng với việc khơi thông cửa khẩu đã đẩy giá thanh long ở nhiều địa phương tăng cao.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/thang-2-2020-ban-le-hang-hoa-va-doanh-thu-dich-vu-tieu-dung-giam-79-so-voi-thang-truoc-d118394.html