Thanh tra Chính phủ 'tuýt còi' dự án đô thị du lịch biển Phan Thiết

10/09/2019 15:20

Kinhte&Xahoi Quy định bố trí 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội tại dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết đã bị bỏ qua, thay vào đó là hoán đổi thành khu đất thương mại.

Dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết tại phường Phú Thủy, TP Phan Thiết, Bình Thuận - Ảnh: Đ.TRONG

Việc biến dự án sân golf thành khu đô thị cũng bị Thanh tra Chính phủ "tuýt còi", cả UBND tỉnh Bình Thuận và Bộ Xây dựng mới đây bị Thủ tướng chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Bình Thuận và Bộ Xây dựng cùng sai

Theo Thanh tra Chính phủ, Bình Thuận phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 không bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong phạm vi dự án là chưa đúng quy định. Cho dù chính quyền tỉnh này đã hoán đổi hai khu đất khác có tổng diện tích tương đương (8,57ha) để xây dựng nhà ở xã hội, đồng thời cho phép chủ đầu tư nộp khoản tiền tương đương giá trị quỹ đất cho Nhà nước thì vẫn chưa phù hợp theo quy định.

Lý do là việc nộp tiền quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội chỉ áp dụng đối với các dự án phát triển nhà thương mại, đầu tư phát triển đô thị có quy mô dưới 10ha, trong khi dự án trên có quy mô hơn 62ha.

Không chỉ địa phương, Thanh tra Chính phủ chỉ ra rằng Bộ Xây dựng cũng phải có phần trách nhiệm. Lý do là bộ này, trong một văn bản phản hồi với chính quyền Bình Thuận, đã "hướng dẫn" địa phương này "có thể căn cứ vào nhu cầu, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội hằng năm, trung hạn và dài hạn đã phê duyệt, nghiên cứu điều chỉnh lại quy hoạch đất dành cho nhà ở xã hội sang vị trí khác cho phù hợp trong TP Phan Thiết".

Từ căn cứ này, Bình Thuận đã đề xuất diện tích tương đương 20% quỹ đất dành cho xây dựng phát triển nhà ở xã hội trong dự án sang vị trí khác.

Theo hồ sơ Tuổi Trẻ có được, khi trình đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng khu đô thị trên đến UBND Bình Thuận phê duyệt (tờ trình số 596/TTr-SXD ngày 30-3-2015), Sở Xây dựng báo cáo phải dành 20% quỹ đất trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội mới đúng quy định.

Tuy nhiên, sau này khi tỉnh đã hoán đổi đất nhà ở xã hội trong dự án ở khu vực khác, trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo sở này phân trần rằng nếu bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội trong dự án này là "không tương xứng với dự án đô thị hiện đại".

Cũng liên quan đến việc hoán đổi quỹ đất trên, Kiểm toán Nhà nước cho rằng UBND Bình Thuận cho phép chủ đầu tư nộp tiền với mức thu 2.577.000 đồng/m2 (bằng mức tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách), tương đương khoảng 187 tỉ đồng, là chưa phù hợp, mà con số phải là hơn 221 tỉ đồng. Một doanh nghiệp bất động sản đánh giá dự án này nằm ở vị trí đất vàng, thuộc loại "đắt đỏ" nhất địa phương, vì thế số tiền như vậy "không thấm vào đâu so với giá trị đất thương mại".

Sân golf biến thành đất biệt thự, nhà vườn

Trước khi trở thành đô thị, khu đất dự án trên là sân golf Phan Thiết được Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch và đầu tư) cấp giấy phép đầu tư từ năm 1993, 100% vốn nước ngoài, thời gian hoạt động 50 năm, cho thuê trả tiền đất hằng năm.

Trong quá trình hoạt động, dự án sân golf trải qua 4 lần thay đổi chủ đầu tư, lần gần nhất là năm 2013, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Rạng Đông. Tổng diện tích sân golf và các công trình phụ trợ khoảng 62ha.

Tiếp nhận sân golf hơn hai tuần, ngày 24-12-2013, chủ đầu tư kiến nghị địa phương xin chuyển nhượng đất sân golf sang đất ở đô thị để đầu tư xây dựng và kinh doanh biệt thự, nhà vườn, nhà phố, nhà cao tầng... vì cho rằng sân golf không hiệu quả, luôn bị thua lỗ, không bù đắp nổi chi phí. Yêu cầu này được chấp thuận vào tháng 3-2015.

Tháng 4 năm đó, Bình Thuận phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, phường Phú Thủy, và sau đó cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất 620.655,6m2, trong đó diện tích tính tiền sử dụng đất là 363.523,6m2, với mục đích đất ở đô thị. Riêng phần diện tích còn lại không thu tiền sử dụng đất (đất công cộng).

Việc địa phương cho phép chuyển đổi sân golf thành khu đô thị, Thanh tra Chính phủ kết luận phù hợp với quy định.

Yêu cầu rút kinh nghiệm, chấn chỉnh

Liên quan đến dự án đô thị du lịch biển Phan Thiết, Kiểm toán Nhà nước còn yêu cầu Sở TN-MT và Cục Thuế Bình Thuận chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong việc tham mưu cho UBND tỉnh Bình Thuận làm văn bản trình Bộ Tài chính cho chủ đầu tư giãn nộp tiền sử dụng đất, làm chậm huy động tiền vào ngân sách.

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nỗi lo từ thuốc đông y biến tướng

Mỗi năm có khoảng 30% số người bệnh được khám và điều trị bằng y học cổ truyền hoặc kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại. Tuy nhiên, chất lượng thuốc đông y đang trở thành vấn đề lớn đối các cơ quan quản lý cũng như người dân chữa trị bằng phương pháp này.

Theo Tuổi Trẻ/ Hoà Nhập