Thị trường lao động quý II năm 2021: Ảm đạm vì ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19

23/08/2021 10:55

Kinhte&Xahoi Dịch Covid-19 bùng phát tại một số tỉnh, thành phố từ cuối tháng 4 đến nay với những diễn biến phức tạp, khó lường đã khiến thị trường lao động quý II ảm đạm. Không những vậy, dịch bệnh còn khiến cho việc thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội càng trở nên khó khăn

Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong nhiều năm

 Dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến việc làm của người lao động. Sự bùng phát nhanh, mạnh, khó kiểm soát hơn của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 khiến thị trường lao động rơi vào trạng thái biến động khó lường, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao.

Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát vào cuối tháng 4/2021 không chỉ lấy đi việc làm, ảnh hưởng đến sinh kế của nhiều lao động tự do trong khu vực phi chính thức, mà còn khiến cuộc sống của những lao động trong khu vực chính thức như: Giáo viên mầm non, hướng dẫn viên du lịch, lái xe, công nhân… rơi vào cảnh mất việc, phải nhận hỗ trợ của Nhà nước.

Quý II/2021, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là gần 1,2 triệu người, tăng hơn 87.000 người so với quý trước.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,62%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 3,36%. Số lao động thiếu việc làm là 1,1 triệu người, tăng hơn 173.000 người so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều doanh nghiệp vẫn nỗ lực đảm bảo mục tiêu kép, duy trì việc làm cho lao động

Dịch bệnh với biến chủng mới đã tấn công vào các khu công nghiệp, khu chế xuất - nơi sử dụng lực lượng lao động lớn của cả nước, tác động mạnh đến các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Từ đầu năm đến nay, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường (79.700 doanh nghiệp) cao hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (75.800 doanh nghiệp).

Đặc biệt, từ cuối tháng 6 đến nay, cả nước có 9,94% doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, với số lao động tạm ngừng việc lên tới gần 4 triệu người. Các ngành, nghề, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, du lịch, vận tải...

Số lao động bị ảnh hưởng về việc làm gia tăng, kéo theo tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị tăng. Hiện nay là hơn 4%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Theo Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), từ đầu năm 2021 đến nay, gần 13 triệu người trong độ tuổi lao động của cả nước đã bị ảnh hưởng về việc làm, thu nhập. Đặc biệt, từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 8, các địa phương ghi nhận gần 10% số đơn vị, doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh, tương đương gần 4 triệu lao động phải tạm ngừng việc...

Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn?

 Để trợ giúp người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành chức năng, các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, giải pháp cấp bách là hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19 theo các nghị quyết, quyết định của Chính phủ; Bảo đảm đời sống cho lao động tạm trú, lao động tự do, giúp họ yên tâm “ở đâu, ở yên đó”.

Ảnh minh họa

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng đang tạo điều kiện để người lao động, doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi nhằm duy trì việc làm đang có, đồng thời tạo ra các vị trí việc làm mới.

Trước thực trạng dịch bệnh vẫn có những diễn biến phức tạp, Cục Việc làm kiến nghị hai nhóm giải pháp khôi phục thị trường việc làm.

Nhóm thứ nhất, tiếp tục hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động trong thời gian phòng, chống dịch thông qua việc ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho lao động tuyến đầu, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch, xuất nhập khẩu… để duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu; Khẩn trương triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội...

Nhóm giải pháp thứ hai là hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh thông qua chính sách khuyến khích lao động trẻ, những người không có việc làm tham gia học tập, đào tạo nâng cao trình độ, để sẵn sàng gia nhập thị trường lao động.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng tiếp tục bổ sung nguồn vốn để cho vay ưu đãi phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm; Khoanh nợ, cho vay mới, giúp doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh...

Phương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cửa hàng rau quả không người bán, không cần giám sát đầu tiên ở Hà Nội

Tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, lần đầu tiên ở Hà Nội đã xuất hiện mô hình "cửa hàng giãn cách không người bán" với rau, củ, quả đồng giá được đóng gói cẩn thận và đồng giá để phục vụ nhân dân trong giãn cách xã hội. Cửa hàng đặc biệt này không có nhân viên bán hàng, không cần người giám sát, tất cả việc mua, bán, trả tiền đều dựa vào sự trung thực của khách hàng. Đây là các làm hay đảm bảo giãn cách để phòng dịch Covid-19.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/thi-truong-lao-dong-quy-ii-nam-2021-am-dam-vi-anh-huong-dich-benh-covid-19-174593.html