Thủ tướng chỉ đạo triển khai các giải pháp bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế

26/02/2023 15:11

Kinhte&Xahoi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 72/CĐ-TTg ngày 25/2/2023 về việc tiếp tục các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Theo nội dung công điện: Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện việc , thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập ở trung ương, địa phương thiếu thuốc, trang thiết bị y tế cục bộ ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền lợi của người dân khi khám bệnh, chữa bệnh.

Thủ tướng chỉ đạo triển khai các giải pháp bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế. Ảnh Internet.

Để bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, khẩn trương kiểm tra, nắm tình hình, kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở y tế thuộc quyền quản lý triển khai quyết liệt các giải pháp cần thiết để bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

2. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường trách nhiệm, tính chủ động, linh hoạt trong việc lập kế hoạch mua sắm, đấu thầu và tổ chức các giải pháp để có đủ thuốc, trang thiết bị y tế cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền về các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu, cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế.

Phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, dám nghĩ, dám làm trong tổ chức mua sắm, đấu thầu bảo đảm công khai, minh bạch, khoa học, hiệu quả, tránh lãng phí và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.

3. Bộ Y tế có trách nhiệm:

a) Khẩn trương ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc pháp lý trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, trong đó tập trung hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2022 về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

b) Rà soát cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà gây phiền hà, khó khăn cho việc thực hiện thủ tục mua sắm thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm phục vụ khám chữa bệnh; đẩy nhanh tiến độ cấp phép lưu hành đối với thuốc, trang thiết bị y tế; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp kinh doanh thuốc, trang thiết bị y tế thực hiện theo pháp luật.

c) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính kịp thời hướng dẫn các đơn vị, các cơ sở y tế, địa phương thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế ở một số cơ sở khám, chữa bệnh trong Quý I năm 2023, tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh, kéo dài không dám chịu trách nhiệm.

d) Khẩn trương rà soát, đánh giá cụ thể việc tiếp nhận máy móc, trang thiết bị y tế đã qua sử dụng do tổ chức, cá nhân tặng, cho, đóng góp, tài trợ, viện trợ cho các cơ sở y tế sử dụng phục vụ khám, chữa bệnh; trên cơ sở đó, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan có liên quan đề xuất giải pháp cụ thể để đưa các trang thiết bị này vào sử dụng tránh lãng phí các nguồn lực, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:

a) Khẩn trương hướng dẫn kịp thời, kỹ lưỡng các đơn vị, địa phương thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền, trong đó tập trung hướng dẫn việc nhà thầu được phép cung cấp máy cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất.

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công an và các bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn lập giá kế hoạch phục vụ mua sắm, đấu thầu bảo đảm thuận lợi cho các cơ sở y tế, bảo đảm công khai, minh bạch.

c) Phối hợp với Bộ Y tế xây dựng các quy định về đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế trong dự án Luật Đấu thầu bảo đảm phù hợp với đặc thù của ngành y tế.

5. Bộ Tài chính có trách nhiệm:

Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản về quản lý, sử dụng tài sản công và sử dụng kinh phí có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định; đặc biệt là các vấn đề về: xây dựng dự toán mua sắm, dự toán thu chi.

6. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí đưa tin, phản ánh liên quan đến thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế, nguồn nhân lực tại các bệnh viện bảo đảm tính chính xác, kịp thời, trung thực, khách quan, phù hợp, hiệu quả.

7. Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện Công điện này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vướng mắc và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân trong tháng 3 năm 2023./.

N. Trường - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Siết chặt hơn nữa việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, đảm bảo an toàn thực phẩm

Thời gian qua, lực lượng chức năng trên địa bàn Hà Nội đã liên tiếp phát hiện, xử lý nhiều vụ việc “tuồn” thực phẩm bẩn vào thị trường để tiêu thụ. Để chặn đứng "thực phẩm bẩn", bảo vệ sức khỏe người dân, lực lượng chức năng cần siết chặt hơn nữa việc kiểm tra, kiểm soát thị trường.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/thu-tuong-chi-dao-trien-khai-cac-giai-phap-bao-dam-du-thuoc-trang-thiet-bi-y-te-d190617.html