Thủ tướng: Việt Nam muốn cùng Trung Quốc thúc đẩy kinh tế, cùng có lợi

06/11/2018 08:36

Kinhte&Xahoi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, là nước láng giềng hữu nghị thân thiết, Việt Nam luôn coi trọng đoàn kết, phát triển quan hệ hợp tác, ổn định, mong muốn cùng Trung Quốc thúc đẩy kinh tế, thương mại phát triển bền vững, cùng có lợi. Theo Thủ tướng, một quốc gia khó có thể tự mình phát triển, nếu không mở cửa hội nhập, liên kết.

Sáng ngày 5/11, phát biểu tại lễ khai mạc Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất (CIIE 2018) tại Thượng Hải, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc Trung Quốc tổ chức Hội chợ, thể hiện tư duy hợp tác cùng thắng, cùng có lợi, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và tiếp thêm động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế của khu vực và toàn cầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khai mạc Hội chợ sáng 5/11 (ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hiện nay, kinh tế thế giới tiếp tục duy trì đà phục hồi, tăng trưởng, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 lan tỏa mạnh mẽ tới từng quốc gia, từng doanh nghiệp và từng người dân, mở ra nhiều cơ hội hợp tác cũng như các thách thức mới đan xen nhau. Tuy nhiên, tranh chấp thương mại đang diễn biến phức tạp, đòi hỏi các bên cần đối thoại, tăng cường lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, hợp tác bình đẳng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, là nước láng giềng hữu nghị thân thiết, Việt Nam luôn coi trọng đoàn kết, phát triển quan hệ hợp tác, ổn định, mong muốn cùng Trung Quốc thúc đẩy kinh tế, thương mại phát triển bền vững, cùng có lợi.

“Chúng tôi ủng hộ hệ thống thương mại đa phương mở, công bằng, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ với WTO là nền tảng; ủng hộ tự do hóa thương mại và đầu tư; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác và phát triển”, Thủ tướng nói.

Lãnh đạo Chính phủ dẫn câu tục ngữ Việt Nam “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” với ngụ ý nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau là ngọn nguồn của sức mạnh và thành ngữ Trung Quốc “một cây không làm nên cánh rừng” với ý nghĩa tương tự.

Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, một quốc gia khó có thể tự mình phát triển, nếu không mở cửa hội nhập, liên kết để cùng nhau tạo nên những “ngọn núi cao”, những “cánh rừng lớn” của phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm gian hàng của Việt Nam tại Hội chợ (ảnh: TTXVN)


“Chính phủ Việt Nam cam kết tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế tiên tiến và các tiêu chuẩn cao trong các Hiệp định FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia. Chúng tôi chào đón các bạn và hoan nghênh các bạn hợp tác, phát triển thành công tại Việt Nam” - Thủ tướng cho biết.

Với vai trò “Quốc gia danh dự”, tại Hội chợ này, Việt Nam đã tổ chức khu gian hàng quốc gia; cử 25 doanh nghiệp uy tín, chất lượng, có năng lực xuất khẩu tốt thuộc 2 nhóm ngành hàng nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến và dịch vụ thương mại tham dự. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, trao đổi với các đối tác của Trung Quốc và các nước tham dự để mở rộng các cơ hội hợp tác, đầu tư trong thời gian tới.

 

Theo Dân trí/Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thêm 1 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không tem nhãn phụ

Thời gian gần đây, tòa soạn nhận được phản ánh của bạn đọc về tình trạng hệ thống mỹ phẩm Cheapie Market bày bán các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài nhưng trên bao bì, vỏ sản phẩm không hề có tem nhãn phụ tiếng Việt. Người tiêu dùng đang hoài nghi về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm tại đây.