Thương vụ 3.060 tỷ thâu tóm 92,2ha đất Long Thành: Thế kẹt của Đất Xanh

03/09/2019 15:56

Kinhte&Xahoi Thời gian triển khai dự án sân bay Long Thành sẽ là mấu chốt quyết định Đất Xanh "thắng đậm" trong thương vụ đầu tư vào dự án 92,2 ha tại Long Thành hay không.

Thế kẹt của Đất Xanh

Để đầu tư vào dự án bất động sản tại Long Thành - tỉnh Đồng Nai, Tập đoàn Đất Xanh (mã DXG - HOSE) phải huy động thêm ít nhất khoảng 2.500 tỷ đồng, qua đó áp lực tài chính sẽ tăng mạnh nếu vấn đề của dự án Gem Riverside không được giải quyết nhanh chóng; hay dự án sân bay Long Thành không sớm được khởi công như kế hoạch.

Trung tuần tháng 8/2019, Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An, một thành viên của Tập đoàn Đất Xanh đã vượt qua các nhà phát triển bất động sản như Vinaconex (mã VCG), Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (mã SHN) trúng giá khu đất 92,2ha tại xã Long Đức, huyện Long Thành, Đồng Nai với giá đấu thành công 3.060 tỷ đồng, gấp 1,86 lần giá khởi điểm.

Đây là khu đất có vị trí gần Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành (dự án sân bay Long Thành) và được đánh giá là khu đất "vàng" khi Dự án sân bay Long Thành được đầu tư, đưa vào hoạt động.

Lô đất dự án 92ha vừa được đấu giá thành công của Đất Xanh - Ảnh: Google Maps.

Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai đưa ra điều kiện nhà đầu tư tham gia đấu giá lô đất nói trên phải có hồ sơ chứng minh có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án, không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư của dự án (bao gồm tổng mức đầu tư xây dựng dự án 4.197 tỷ đồng và giá khởi điểm đấu giá 1.645,7 tỷ đồng), tương ứng hơn 876 tỷ đồng. Nhà đầu tư phải nộp kèm báo cáo tài chính 2 năm gần nhất đã được kiểm toán hoặc xác nhận của cơ quan thuế. Đối với doanh nghiệp mới thành lập, ngân hàng xác nhận số tiền góp vốn của các thành viên.

Ngoài ra, UBND tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu nhà đầu tư phải có cam kết tài trợ vốn vay để thực hiện dự án từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức, cá nhân khác.

Hà An - đơn vị trúng đấu giá lô đất 92,2 ha tại Long Thành chắc chắn đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của UBND tỉnh Đồng Nai. Dù vậy, với giá trúng gấp giá khởi điểm 1,86 lần đã khiến cho giá vốn bình quân đất thương phẩm của dự án (bao gồm đất công trình giáo dục và công trình dịch vụ đô thị) sau khi được Hà An đầu tư lên đến 13,5 triệu đồng/m2, cao hơn khoảng 30% - 40% mức giá các dự án gần sân bay Long Thành có vị trí đẹp không kém đang được rao bán.

Câu hỏi đặt ra rằng, điều gì khiến Hà An và Tập đoàn Đất Xanh quyết đưa ra mức giá cao để có được lô đất nói trên?

Vì sao chấp nhận mức giá cao để có lô đất?

Ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Đất Xanh trong kỳ họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 cho biết, năm nay là năm đầu tiên trong giai đoạn phát triển mới 2019 - 2023, Tập đoàn Đất Xanh sẽ kiên định theo đuổi mục tiêu phát triển nhanh bền vững, nâng cao hiệu quả mô hình khép kín, thị trường lên cũng thắng, thị trường xuống cũng thắng. Đồng thời, DXG triển khai chiến lược giải phóng nguồn lực cả hệ thống, tạo áp lực mới cho tăng trưởng "thần tốc" trong giai đoạn 2019 - 2023.

Rõ ràng, nhìn vào danh mục dự án đang dở dang do Đất Xanh đầu tư cho thấy Gem Riverside là dự án trọng tâm đưa công ty này phát triển nhanh trong giai đoạn 2019 - 2023 vì giá trị đầu tư (Gem Riverside đang chiếm gần 40% giá trị danh mục đầu tư dở dang của Đất Xanh từ năm 2017 đến nay), vị trí (khu Nam Rạch Chiếc) và mức giá hấp dẫn.

Tuy nhiên, sau khởi đầu nhanh gọn bao gồm xuống tiền gần 1.100 tỷ đồng để mua khu đất từ Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc (doanh nghiệp nhà nước) cũng như "rầm rộ" quảng cáo dự án, thông tin về lượng khách hàng đặt cọc giữ chỗ trong 9 tháng đầu năm 2018, Gem Riverside không tránh khỏi cuộc khủng hoảng mang tên "rà soát pháp lý" tại Tp.HCM.

Chứng khoán Bản Việt - đơn vị thu xếp phát hành 234 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm cho Đất Xanh trong quý 2/2019, đã dự báo, dự án Gem Riverside sẽ được khởi công cuối năm nay qua đó, huy động nguồn lực từ khách hàng sẽ bị chậm lại, ước tính phải từ quý 3/2020. Điều này đồng nghĩa, một phần quan trọng của nguồn lực hiện có để giúp Đất Xanh tăng trưởng "thần tốc" đang gặp trục trặc.

Dự án bất động sản tại Long Thành quy mô 92,2 ha có thể sẽ là điểm nhấn phát triển của Đất Xanh trong thời gian chờ hoàn tất thủ tục đầu tư vào dự án Gem Riverside, chờ hoàn tất đền bù giải phóng mặt bằng và chấp thuận đầu tư dự án khác quy mô 6,7 ha tại Thủ Đức là Gem Premium.

Theo giới đầu tư bất động sản, khi dự án sân bay Long Thành được khởi công trong thời gian Đất Xanh được yêu cầu phải đầu tư dự án bất động sản tại Long Thành, chắc chắn Đất Xanh sẽ có lãi lớn bất chấp mức giá vốn đất thương phẩm bình quân khoảng 13,5 triệu đồng/m2. Như vậy, thời gian triển khai dự án sân bay Long Thành sẽ là mấu chốt giúp Đất Xanh "thắng đậm" trong thương vụ đầu tư vào dự án 92,2 ha tại Long Thành hay không.

Dĩ nhiên để có thể mạnh tay đặt mức giá cao hơn giá khởi điểm 1,86 lần và bỏ xa các đối thủ trong phiên đấu giá trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đang kiểm soát chặt tín dụng vào bất động sản, Đất Xanh hẳn đã phải có những dữ liệu chắc chắn về tiến độ thực hiện dự án sân bay Long Thành.

Ước tính, trước mắt Đất Xanh cần huy động 2.500 tỷ đồng để thanh toán tiền đất trúng giá cho UBND tỉnh Đồng Nai, trong tương lai gần, công ty này cần huy động thêm khoảng 3.000 tỷ đồng để đầu tư vào dự án bất động sản Long Thành như đã yêu cầu (Đất Xanh có thể đầu tư cuốn chiếu và phân bổ nguồn vốn đầu tư).

Nếu vấn đề của dự án Gem Riverside không được giải quyết nhanh chóng, hay dự án sân bay Long Thành không sớm được khởi công - dự án bất động sản quanh sân bay Long Thành của Đất Xanh không sớm mang về doanh thu, thì áp lực tài chính và chi phí vốn của Đất Xanh sẽ tăng mạnh trong tương lai.

Tại ngày 30/6/2019, nợ phải trả của Đất Xanh gần 8.659 tỷ đồng, trong đó vay nợ ngắn và dài hạn 3.046 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu 7.290 tỷ đồng.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra để đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu

Theo thông tin từ Cục an toàn vệ sinh thực phẩm, để đảm bảo quyền lợi cũng như an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, UBND Thành phố Hà Nội đã ra chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị thực hiện đồng bộ thanh, kiểm tra để đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) cho người dân trong dịp Tết Trung thu.

Chọn bánh Trung thu handmade thế nào cho an toàn?

Những ngày qua cơ quan chức năng liên tục phát hiện, thu giữ nhiều lô bánh Trung thu không rõ nguồn gốc nhập lậu vào Việt Nam. Lo ngại về chất lượng của những loại bánh này, nhiều người đặt niềm tin cho bánh trung thu handmade nhưng sự thật những chiếc bánh handmade có thực sự an toàn...

Theo Vneconomy/ Pháp luật Plus