Tiểu thương và..."chợ 4.0"

05/12/2023 15:29

Kinhte&Xahoi Mô hình “chợ 4.0” đang được triển khai mạnh mẽ và đồng bộ ở TP Hồ Chí Minh. Không chỉ thanh toán online, nhiều tiểu thương còn mở gian hàng trên mạng, dựa vào các kênh mạng xã hội để tiếp cận khách hàng.

Đoàn Thanh niên quận Bình Tân hướng dẫn tiểu thương trên địa bàn quận tham gia “chợ 4.0”. (Nguồn: UBND quận Bình Tân)

Làm quen với thanh toán online

Dạo một vòng chợ Bến Thành, chị Nguyễn Thị Tâm Anh, một Việt kiều Mỹ mới về Việt Nam sau 4 năm cho biết, chị thực sự bất ngờ khi tiểu thương ở chợ giờ đây đã “số hóa” trong việc kinh doanh. Hầu hết các sạp kinh doanh ở chợ Bến Thành, từ hàng lưu niệm, sạp vải cho đến các cửa hàng ăn uống đều có thanh toán qua thẻ, tài khoản. Tại nhiều sạp, mã QR code được dán ở nơi dễ nhận thấy nhất để khách hàng dễ thanh toán. “Tôi thấy rất tiện lợi khi không cần phải đem tiền mặt vào chợ để tránh những trường hợp rủi ro như bị móc túi, đánh rơi. Cảm giác thực sự mới mẻ và hiện đại khi ngồi ăn đĩa bánh bèo 45 ngàn đồng tại chợ cũng có thể quét mã thanh toán nhanh chóng”.

Theo Ban Quản lý chợ Bến Thành, thời gian qua, Ban Quản lý chợ đã phối hợp với các ngân hàng để tạo tài khoản và mã QR cho các hộ kinh doanh tại chợ, như máy POS, VNPay, NAPAS… Hiện số hộ kinh doanh có sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt là 1.216/1.433 hộ, chiếm gần 85%.

Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, nhiều chợ lớn nhỏ tại các quận, kể cả quận vùng ven cũng đã đẩy nhanh tốc độ 4.0. Như chợ Thủ Đức, từ chỗ từng không mấy vui vẻ hoặc từ chối khi được đề nghị thanh toán online, đến nay bà con tiểu thương đã tích cực tiếp nhận việc này, ngay cả với những đơn hàng chỉ vài chục ngàn đồng để mua rau củ quả.

Chị Nguyễn Thị Hoa, 54 tuổi, kinh doanh tạp hóa tại chợ chia sẻ: “Trước đây, nhiều người tới mua hàng cũng nói chuyển khoản nhưng tôi không chịu, vì mình đâu có tài khoản ngân hàng gì đâu. Nhưng được chính quyền với các đoàn thể vận động thường xuyên nên tôi bắt đầu cho khách thanh toán online từ tháng 6 tới nay. Hồi chưa làm thì thấy ngại vì phức tạp, sợ bị lừa các kiểu. Nhưng khi quen rồi thấy nó còn dễ dàng, tiện lợi hơn cả tiền mặt”.

Lên mạng bán hàng

Mô hình “chợ 4.0” đang được triển khai mạnh mẽ và đồng bộ ở TP Hồ Chí Minh. Không chỉ thanh toán online, nhiều tiểu thương còn mở gian hàng trên mạng, dựa vào các kênh mạng xã hội để tiếp cận khách hàng. Trên kênh TikTok có không ít tiểu thương một số chợ trên địa bàn TP thường xuyên livestream bán hàng, “bắt trend” nhanh và được khách hàng trẻ tuổi ủng hộ nhiệt liệt.

Một số gian hàng tại các chợ truyền thống còn tổ chức các chương trình khuyến mãi, giảm giá để khuyến khích khách mua hàng hoặc thanh toán online. Tại chợ Trần Văn Quang, quận Tân Bình hiện đang thực hiện chương trình khuyến mãi hóa đơn 500.000 đồng tặng một phần quà, giảm 10 - 19% cho đơn hàng đặt qua Zalo và thanh toán qua mã QR tại cửa hàng.

Quận 12 là một trong những quận ngoài trung tâm triển khai hiệu quả mô hình chợ 4.0. Đến nay, trên địa bàn quận đã có 8/9 chợ truyền thống áp dụng phương thức thanh toán không tiền mặt, hơn 2.000 tiểu thương tại các chợ này cũng được hỗ trợ xây dựng mã QR dễ dàng thanh toán trực tuyến. Đồng thời, tỷ lệ thanh toán không tiền mặt tại các chợ đạt trên 80%.

Đơn cử là chợ An Sương, một chợ lâu đời và quy mô lớn trên địa bàn quận 12 hiện có 302/356 hộ kinh doanh tại chợ có tài khoản ngân hàng, có sử dụng điện thoại thông minh và cài đặt internet banking, sẵn sàng cho các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, đạt 85%. Trong đó, có 40% thương nhân của chợ hiện đã bán hàng trên Zalo, Facebook, Tiktok, Utop, nhiều nhất là ngành hàng quần áo, mỹ phẩm…

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực thương mại với 3 chợ đầu mối, 222 chợ truyền thống, 237 siêu thị, 48 trung tâm thương mại… Các cơ sở này đều tham gia vào hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Nhờ đó, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt của TP Hồ Chí Minh hiện ở tốp đầu cả nước.

Theo kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh được UBND TP ban hành, TP Hồ Chí Minh phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng đạt trên 90%.

Tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân, tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên 250.000 điểm. Số giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua thiết bị di động mỗi năm tăng trên 50%.

Thời gian qua, chương trình “chợ 4.0” tại TP Hồ Chí Minh đã được chính quyền thành phố, các phòng ban, quận huyện cùng các hội đoàn thể kết hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, các ứng dụng thanh toán... triển khai đồng bộ, mạnh mẽ và tích cực với sự ủng hộ của đông đảo bà con tiểu thương.
 

 

Ngọc Mai - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội tiếp nhận trên 12.000 thông báo khuyến mại

Thông tin được bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết tại lễ phát động chương trình khuyến mại tập trung quốc gia, do Bộ Công Thương tổ chức sáng nay (4-12), tại Hà Nội.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/thuong-truong/tieu-thuong-vacho-40-d201688.html