Tìm niềm vui trong cách ly

03/03/2020 15:24

Kinhte&Xahoi Nghe tới hai chữ cách ly nói chung ai chả lo ngại. Ngoài việc phải hạn chế giao tiếp ít nhất 14 ngày, nếu khu cách ly tập trung không đảm bảo tiêu chuẩn biết đâu lại thành môi trường truyền bệnh. Tuy nhiên một nữ du học sinh đã biến chuỗi ngày cách ly thành niềm vui cho bản thân và người khác…

Phong trào cầu lông do Thùy Dung khởi xướng được mọi người trong khu cách ly hưởng ứng Ảnh: NVCC

Nhờ việc ghi nhật ký những ngày cách ly của bản thân bằng giọng kể lạc quan, hài hước, mà Nguyễn Thùy Dung, đang học thạc sĩ Luật Quốc tế, ĐH HanYang (Hàn Quốc) được nhiều người biết tới và khen ngợi. Cô thậm chí nhận được những bình luận kiểu như: “Vừa xinh, vừa học giỏi, vừa ngoan lại còn biết dọn toilet sạch sẽ. Chuẩn con dâu quốc dân rồi!”.

Chả là ngay trong ngày đầu chuyển vào khu cách ly, Dung đã đăng ảnh đeo găng cầm lọ chất tẩy rửa, tuyên bố với vẻ mặt cương quyết: “Hôm nay mình nghĩ là nên làm gì đó để thể hiện sự biết ơn với TPHCM vì đã phải chi một phần ngân sách nuôi mình 2 tuần và chăm sóc sức khỏe cho mình. Nghĩ một hồi, mình quyết định sẽ đi... cọ nhà vệ sinh. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tuỳ theo phạm vi cách li của mình”. Chưa hết, album ảnh ghi lại những ngày cách ly được cô đặt tên là “Con ơi hồi 28 tuổi mẹ bị cách ly”.

Lịch trình một ngày cách ly, Dung cho biết sáng tầm 7h sẽ được gọi đầy thân thương: “Dậy ăn sáng mấy đứa ơi…”. Các món đúng đăng ký từ hôm trước, đặt sẵn ở bàn đầu dãy nhà. Người cách ly lấy mang về phòng ăn. Toàn những đặc sản đường phố nổi tiếng như bánh canh, hủ tiếu, hoành thánh, nui… Sau vài lần gọi đồ ăn bên ngoài về thải quá trời rác nhựa, Dung quyết định ăn cơm “nhà nước”, miễn phí, tự chọn. Như ngày 2/3 thực đơn có tới 8 lựa chọn: thịt kho trứng, vịt kho gừng, cá hú kho thơm, gà rô-ti, canh khổ qua…

Mỗi ngày được đo thân nhiệt 3 lần. Có số điện thoại của bác sĩ để gọi bất cứ lúc nào. Mỗi ngày khử trùng cả khu một lần, thêm lần nữa nếu có người mới vào. “Có nhân viên đi dọn từng phòng, nhưng mọi người đều có ý thực tự quét dọn phòng mình”, Dung kể. Mỗi sáng lại có một bộ quần áo sạch đặt ở cửa phòng.

Dung nhận thấy cửa sổ mới sơn, trần mới, giấy dán tường, đường điện cũng mới…, chứng tỏ Quận 3 đã rất nhanh chóng chuẩn bị cơ sở vật chất để đón những ai có hộ khẩu ở quận. Riêng Dung gặp may vì khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất (do không thể đặt vé về nhà ở Hà Nội), đang bơ vơ thì được một nhân viên ở sân bay giới thiệu về Quận 3 - là nơi cách ly được xem là khang trang nhất TPHCM. Trong khi các khu cách ly (vài quận chung nhau một khu) khác đang quá tải. Trước đó Dung dự định tự cách ly và cũng đã liên hệ được với một chủ nhà cho thuê ở TPHCM sẵn sàng hỗ trợ.
 
Dung may mắn về đúng thời điểm Covid-19 bùng phát ở Hàn Quốc. Thoạt đầu cô không định về vì khu bị dịch còn gần sân bay hơn so với thủ đô. Nhưng chứng kiến chỉ sau 3 ngày, số người nhiễm bệnh ở Seoul từ 5 đã lên tới 44 người. Trong khi Vĩnh Phúc mới có 30 người nghi nhiễm mà cả xã đã bị cách ly. Còn người Hàn Quốc vẫn hết sức “lạc quan”, ra ngoài không những không đeo khẩu trang, không rửa tay mà một số còn biểu tình hăng say. Dung ở ngay phía sau Nhà Xanh nên thường xuyên phải đi bộ xuyên qua đoàn người tập trung biểu tình trên quảng trường Gwanghwamun để về nhà. Cô nghe thấy người cầm đầu toán biểu tình nói: “Đừng đeo khẩu trang thì Chúa mới nhận ra và chữa khỏi cho bạn(?)”.

Trường tạo điều kiện cho học từ xa nên Dung biến phòng cách ly thành lớp học và tranh thủ viết luận để chuẩn bị tốt nghiệp. Cô cho hay, tháng Hai vừa qua, để tránh dịch bệnh, một số trường ĐH ở Hàn Quốc thay vì tổ chức lễ tốt nghiệp thì gửi bằng cho sinh viên qua bưu điện.

Thời gian rảnh, Dung nhảy dây và cùng mọi người chơi cầu lông. Tất nhiên phải thường xuyên khử trùng vợt. Nhân viên y tế vẫn giám sát từ xa, phòng khi mọi người mải chơi tiến đến gần nhau. Chính vì quy định giữ khoảng cách (trên 2m) nên mỗi khi được người nhà tiếp tế đồ ăn thức uống, mọi người thường chia cho hàng xóm qua đường cửa sổ hoặc để ngoài cửa, gõ cửa xong chạy đi.

Sau khi phát động phong trào thể dục thể thao, Dung tiếp tục đảm nhiệm vai trò nhân vật giải trí cho cộng đồng. Dung đặt lời mới đề tài Covid-19 cho bài Để Mị nói cho mà nghe, nhờ bạn có giọng thu âm, còn mình làm diễn viên nhép lời. Khi clip được báo mạng đăng lên, Dung gửi đường dẫn cho các phòng để mọi người có thể xem trên TV. Tức là mỗi phòng đều có TV nối mạng. Hiện có khoảng 20 khách trong khu nhà. “Những người mới tâm trạng bao giờ chả hơi buồn chán. Mình là người cũ cũng nên tạo không khí cho mọi người thoải mái tinh thần”, cô nói.

Tất nhiên đi cách ly đâu phải đi nghỉ mát, điều kiện làm sao thoải mái bằng ở nhà. “Lúc đầu tôi cũng lo nghĩ, con gái xa nhà không khỏi tủi thân”, Dung kể. “Nhưng nghe chuyện của chị ở phòng bên thấy vấn đề của mình chả có gì. Chị ấy từ Mỹ về để ở bên bố đang hấp hối. Chỉ vì quá cảnh ở sân bay Incheon 2 tiếng, mà về TPHCM vẫn phải cách ly...”.  

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nông dân kể chuyện chia nhau 100 tỷ trên cánh đồng rực đỏ

Được coi là vựa cà rốt nổi tiếng với sản lượng 12.000-18.000 tấn củ cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu, mỗi vụ người nông dân xã Đức Chính có thể thu về hơn 100 tỷ đồng, giúp cuộc sống của họ ngày một khấm khá.

Nguồn: Tiền Phong/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/tim-niem-vui-trong-cach-ly-d118531.html