Tin giả và áp lực của người làm báo

20/06/2019 10:10

Kinhte&Xahoi Với sự ra đời của mạng Internet và các thiết bị kỹ thuật số, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, bất kỳ ai cũng có thể trở thành người làm báo. Nhưng cũng từ đây, các nguồn tin thất thiệt được công khai đăng tải trên mạng xã hội, đẩy cả người làm báo lẫn độc giả mông lung trong vòng quay thật - giả mà nếu không có bản lĩnh chính trị vững vàng sẽ rất dễ đi chệch hướng thông tin. Chính điều này tạo nên áp lực không nhỏ với đội ngũ những người làm báo.

Dù chịu nhiều áp lực, những người làm báo vẫn luôn đam mê và giữ vững ngọn lửa nhiệt huyết với nghề. (Ảnh minh họa)

Cuộc đua thông tin

Có thể nói, “thế giới đã trở nên phẳng” hơn khi việc trao đổi thông tin giữa các cá nhân trên mọi quốc gia hiện nay vô cùng dễ dàng và nhanh chóng. Không một tin tức gì được gọi là bí mật với cả thế giới nếu nó đã được đưa lên mạng Internet. Ở bất cứ ngóc ngách nào của thế giới, mọi người đều có thể làm tin, viết bài, chụp ảnh… rồi gửi về Tòa soạn, và chỉ trong vài phút, những thông tin đó có thể trở thành những tin, bài “hot” trên các trang báo điện tử, thu hút hàng triệu người theo dõi.

Điều đáng nói, trong nhiều trường hợp, tác giả của những bài viết này không phải là những nhà báo chuyên nghiệp. Họ có thể là anh công nhân đang làm việc tại công trường, là những cô-cậu sinh viên đang ngồi trên giảng đường, thậm chí là  bác nông dân trên đường ra trang trại… vô tình chứng kiến những vụ tai nạn lao động, những hành vi ứng xử thiếu văn hóa… nên đã ghi lại, chụp lại rồi gửi đăng báo.

Trong thời điểm đó, những tin tức này chiếm vị thế độc quyền của một số ấn phẩm báo chí, áp lực vì thế càng cao đối với các nhà báo chuyên nghiệp. Để tăng sức cạnh tranh với độc giả, để không bị “lép vế” trước các cộng tác viên, các nhà báo lập tức lao vào cuộc đua tìm kiếm thông tin với một quyết tâm: thông tin phải nhanh nhất, nóng nhất, có giá trị nhất…

Nhưng, cũng vì chạy theo tin nóng, dẫn thông tin từ nhiều nguồn chưa được kiểm chứng, nhiều nhà báo, phóng viên đã vô tình tiếp tay cho nạn tin giả tiếp cận được với bạn đọc, gây nên những hệ lụy nguy hiểm. Điển hình là mới đây, một số tờ báo dựa vào thông tin từ mạng xã hội đã đồng loạt đăng tải bài viết về việc nam sinh lớp 9 tại tỉnh Phú Thọ làm 4 bạn gái mang thai, khiến dư luận dậy sóng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của cá nhân nam sinh này và cả gia đình của nạn nhân.

Hay trước đó, do hiểu lầm và thiếu kiểm chứng với hình ảnh trên trang Facebook cá nhân của một hoạ sĩ, một vài toà soạn đã bị “việt vị” thông tin khi đăng một bản tin không đúng sự thật với tiêu đề: “Nghệ sĩ Việt đầu tiên có tên trên Đại lộ danh vọng Hollywood”. Rất cầu thị, ngay sau khi phát hiện ra sai sót về nghiệp vụ, những tờ báo này đã đính chính và gửi Lời xin lỗi đến bạn đọc.

Nghĩa vụ vạch trần và dập tắt tin giả 

Với nhân cách của một nhà báo vĩ đại, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trung thực là một tiêu chuẩn đạo đức rất quan trọng trong hoạt động nghề nghiệp báo chí. Người đòi hỏi các nhà báo trong mọi trường hợp khen cũng như chê đều với động cơ trong sáng, khách quan, không thể viết báo vì mục đích vụ lợi, cá nhân, ích kỷ.

Bác yêu cầu người viết báo phải có trách nhiệm cao trước nội dung bài báo của mình, phải có căn cứ thuyết phục; không được vội vàng mới nghe qua đã viết, không được chủ quan, suy đoán, phải có điều tra, nghiên cứu kỹ, nếu không đúng thì không nên viết: “Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà một trong những quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo nước ta là “phải hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật”.

Không chỉ đưa tin đúng, các nhà báo còn có nghĩa vụ vạch trần và dập tắt những tin giả cũng như thông tin bị xuyên tạc, bóp méo, gây hoang mang trong dư luận. Chỉ khi người dân hiểu rõ được bản chất của những thông tin bịa đặt, vô căn cứ trên mạng xã hội, họ sẽ lại trao trọn niềm tin vào những nguồn tin chính thống trên các ấn phẩm báo chí.

Như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng nhắc nhở: Báo chí của chúng ta không nên chạy đua với mạng xã hội về việc đưa tin nhanh nhất. Hãy đưa tin có kiểm chứng. Mạng xã hội đang mất uy tín vì tin giả, điều này đang tạo ra nhu cầu ngày một lớn hơn về thông tin chính xác, có kiểm chứng. Và đây chính là mảnh đất của báo chí.  

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của mặt trái cơ chế thị trường, nhiều nhà báo, phóng viên đôi lúc đã không giữ được “ngòi bút sắc” khi tự mình đánh mất bản ngã, rơi vào cạm bẫy đầy sức hút của những thông tin hỗn độn để rồi bị chính những thông tin này “nhấn chìm”. Cái giá phải trả cho sự cẩu thả này không chỉ là danh dự, nhân phẩm của một nhà báo cụ thể mà còn là sự hồ nghi, sự suy giảm niềm tin yêu của độc giả với “làng báo chí” Cách mạng nói chung.

Vì vậy, khi đã mang trong mình sứ mệnh cao cả là “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng”, những người cầm bút không cho phép mình được cẩu thả; không vì đề cao tính thời sự mà bỏ qua tính xác thực và nhân văn của mỗi thông tin đem đến cho bạn đọc.

Hiểu một cách đơn giản nhất thì những tác phẩm báo chí không chỉ cung cấp cho bạn đọc nguồn tin chân thực mà còn phải biết dẫn dắt dư luận hiểu đúng bản chất của vấn đề, sự kiện, từ đó có suy nghĩ và cách hành xử có văn hóa. Báo chí phải đem đến cho công chúng niềm tin ở sự thật, tin vào giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

Đứng giữa mênh mông nguồn tin, giữa lẫn lộn thật - giả, xấu - tốt, đòi hỏi mỗi người làm báo phải có lương tâm và trách nhiệm. Thông qua những người làm báo chân chính, nhiều tờ báo đã trở thành chỗ dựa tin cậy cho độc giả, góp phần xây dựng niềm tin của xã hội vào sự nghiêm minh của pháp luật, vào đường lối đổi mới của Đảng và đất nước.  

Vân Thanh

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Rò rỉ thông tin, bị lừa đảo vì mua hàng qua mạng

Thời gian gần đây, nhiều khách hàng lên tiếng chia sẻ việc bị lừa khi giao dịch qua các trang thương mại điện tử. Lý do là thông tin giao dịch bị rò rỉ, khiến những kẻ lừa đảo tận dụng để moi tiền khách hàng.

Nguồn: Pháp luật Plus