Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức của cán bộ, công chức

05/01/2022 14:47

Kinhte&Xahoi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Chính phủ, chính quyền các địa phương lâu nay đã liêm chính, kỷ cương, hoạt động hiệu lực, hiệu quả rồi thì tới đây càng phải nâng cao hơn nữa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương sáng 5/12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận, biểu dương và cảm ơn các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, đồng bào, chiến sĩ cả nước về những nỗ lực phấn đấu và những kết quả quan trọng, thành tích to lớn đã đạt được trong năm 2021, góp phần quan trọng đưa đất nước ta vượt qua những khó khăn, thách thức hết sức nặng nề, chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra, tiếp tục làm rạng rỡ Tổ quốc ta, tô thắm thêm lịch sử và truyền thống anh hùng của dân tộc ta.

Thúc đẩy phát triển kinh tế với nhiều điểm sáng tích cực

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh năm 2021 là năm đầu tiên nước ta triển khai việc nghiên cứu, học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhất là phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 với những biến chủng mới. Kinh tế thế giới phục hồi nhưng không đồng đều, chưa bền vững; Lạm phát tăng nhanh; Thị trường tài chính, tiền tệ biến động mạnh, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi, đất nước ta cũng phải chống đỡ với khó khăn, thách thức rất lớn do đợt dịch COVID-19 lần thứ tư với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, tính mạng của người dân và các mặt của đời sống kinh tế - xã hội nước ta.

“Trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn đó, Chính phủ, chính quyền các địa phương và toàn hệ thống chính trị nói chung đã cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu, hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Những kết quả cụ thể nổi bật là, nước ta đã ứng phó, kiềm chế, kiểm soát được dịch bệnh, từng bước chuyển sang trạng thái "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Đợt dịch thứ tư bùng phát ở những địa bàn đông dân cư đã dẫn đến sự quá tải cục bộ hệ thống y tế ở thời điểm vắc xin khan hiếm và chưa có thuốc đặc trị. Dưới sự lãnh đạo sát sao, đúng đắn của Đảng, sự quản lý, điều hành quyết liệt, cụ thể của Nhà nước, toàn hệ thống chính trị và đồng bào, chiến sĩ cả nước đã vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt trong phòng, chống dịch; Hạn chế tối đa thiệt hại và kiềm chế được dịch bệnh; Tích cực thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn.

Đến thời điểm này, có thể khẳng định là chúng ta đã thực hiện thành công chiến lược vắc xin "đi sau về trước" với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay. Nếu đầu tháng 5/2021, nước ta mới có được vài trăm nghìn liều vắc xin, thì đến nay đã có khoảng 200 triệu liều vắc xin với tỉ lệ bao phủ 1 mũi vắc xin là 99,6%; Tỷ lệ bao phủ 2 mũi vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên là 90,9% (là một trong 6 nước có độ bao phủ vắc xin cao nhất thế giới); Đang tích cực tiêm mũi 3 và tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi với tỷ lệ bao phủ tiêm 1 mũi là 85,6%, tiêm 2 mũi là 57% và sẽ tiêm vắc xin cho trẻ từ 5-11 tuổi vào đầu năm 2022.

Vào những thời điểm khó khăn, thử thách gay gắt nhất của dịch bệnh, tinh thần đại đoàn kết của toàn dân tộc ta lại càng được phát huy mạnh mẽ. Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch (y tế, quân đội, công an, tổ COVID cộng đồng,...) đã bám sát địa bàn, tận tâm, tận lực, không ngại gian khổ, hiểm nguy, ngày đêm làm việc với tinh thần "tất cả vì sức khoẻ, tính mạng của Nhân dân".

Các cấp uỷ Đảng, chính quyền và lực lượng chức năng ở cơ sở đã "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để trực tiếp kiểm tra, động viên, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống cho người dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan dân vận các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể Nhân dân, các hội quần chúng, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo, người dân, doanh nghiệp... trong và ngoài nước đã có nhiều sáng kiến, việc làm cụ thể, thiết thực tham gia công tác phòng, chống dịch. Những nỗ lực và kết quả đó đã góp phần tiếp tục củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta.

Nước ta đã nỗ lực duy trì, phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế với nhiều điểm sáng tích cực. Nền kinh tế nước ta tiếp tục được đánh giá là nền kinh tế phát triển ổn định, có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù tăng trưởng kinh tế quý III là âm 6% do đợt bùng phát dịch lần thứ tư, nhưng sang quý IV đã đạt mức tăng 5,22%, cao hơn cùng kỳ năm 2020 (4,61%) và cả năm ước tăng 2,58%. Thu ngân sách Nhà nước vẫn tăng 16,4%, cao hơn mức tăng 11,3% của năm 2020. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá năm 2021 đạt mức kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020 (đưa Việt Nam trở thành một trong 20 nước có nền kinh tế đứng đầu thế giới về thương mại); Cán cân thương mại duy trì xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp, đạt khoảng 4 tỉ USD...

Trong khó khăn, nước ta vẫn tiếp tục quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Đặc biệt, Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức rất thành công, đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được dư luận rộng rãi trong cả nước hoan nghênh và đồng tình, ủng hộ.

Các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh đã được triển khai đồng bộ, có hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội và đời sống Nhân dân. Việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công; Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ Nhân dân tiếp tục được quan tâm. Đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức dạy và học trực tiếp, trực tuyến một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh để hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm học.

Toàn cảnh hội nghị

Quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường, nâng cao hiệu quả; chủ quyền quốc gia, môi trường hoà bình, ổn định tiếp tục được giữ vững, tạo thuận lợi cho phát triển đất nước; Trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm...

Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được mở rộng, triển khai đồng bộ, toàn diện, linh hoạt, hiệu quả và đạt nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là hoạt động ngoại giao vắc xin. Công tác bảo hộ công dân, thông tin đối ngoại, ngoại giao kinh tế, văn hóa tiếp tục được chú trọng, đẩy mạnh. Vị thế, uy tín quốc tế của nước ta ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực, hiệu quả, có trách nhiệm vào việc giữ vững hoà bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả nổi bật, ấn tượng, có sự chuyển biến rất tích cực, nâng cao rõ rệt về chất.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nêu rõ chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập. Cụ thể, do hậu quả nặng nề bởi đợt bùng phát dịch lần thứ tư gây ra, tăng trưởng kinh tế cả năm chỉ đạt 2,58%, thấp hơn so với mục tiêu đề ra (6%). Thị trường tài chính - tiền tệ, thị trường lao động, ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro. Kinh tế - xã hội cả nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn. Các hoạt động sản xuất kinh doanh ở một số lĩnh vực, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ gặp nhiều khó khăn; Không ít doanh nghiệp phải dừng hoạt động, thậm chí phải giải thể, phá sản. Một số chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động bị đứt gẫy. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Công tác phòng, chống dịch có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng...

Tuyệt đối không được chủ quan, mất cảnh giác

 Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu cần tiếp tục theo dõi sát sao, nắm chắc các diễn biến của tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước, đặc biệt là nguy cơ từ các biến chủng mới để kịp thời có chính sách, biện pháp ứng phó phù hợp; Tập trung ưu tiên thực hiện chương trình tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 đã được ban hành để sớm thực sự thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, ngành ngay từ đầu năm 2022.

Chính phủ và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin, nhanh chóng bao phủ cơ bản 2 mũi cho người được phép tiêm chủng vắc xin. Bảo đảm đủ vắc xin, thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch; Nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng; Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đề cao tính tự giác, tích cực, chủ động của người dân trong phòng, chống dịch. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Tổng Bí thư yêu cầu, tập trung thực hiện có hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, gắn với thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế; Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn; Tạo chuyển biến mạnh hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chính phủ và các địa phương quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hoá hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế, xã hội; Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; Thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn; Chăm lo đời sống người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn; Xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững; Ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các chương trình, đề án, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi....

Chính phủ và các địa phương nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hoá, nhất là ở các khu công nghiệp, khu đô thị mới; Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, văn hóa tốt đẹp. Xây dựng nếp sống văn hoá lành mạnh, ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống và quan tâm hơn đến việc phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em và tệ nạn xã hội.

Bê cạnh đó, Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; Giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; Chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tích cực đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; Thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh mạng, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ; Tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại cấp cao; Chủ động, tích cực, làm sâu sắc, thực chất hơn quan hệ với các đối tác...

Đặc biệt, Tổng Bí thư lưu ý, tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp từ trung ương đến địa phương; Xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; Nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong 2 năm 2020-2021 vừa qua và năm 2022-2023 tới đây, cùng với toàn thế giới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã, đang và sẽ tiếp tục phải đối mặt với "Kẻ thù vô hình - COVID-19" như tên của cuốn sách của nhiều tác giả do Nhà xuất bản Thể thao và Du lịch vừa mới phát hành với tinh thần chống dịch như chống giặc. "Kẻ thù vô hình - COVID-19" là hết sức nguy hiểm, nó không chỉ cướp đi sinh mạng của con người mà còn có thể huỷ hoại nhiều thành quả mà nhân loại và Nhân dân ta đã dày công vun đắp.

Nhấn mạnh, để có thể chiến thắng "kẻ thù vô hình" hết sức nguy hiểm và tàn ác này, giữ gìn, phát huy những thành tựu, kết quả đã đạt được, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, trước hết là mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chúng ta lâu nay đã đổi mới, sáng tạo thì tới đây càng phải đổi mới, sáng tạo hơn nữa. Nhà nước ta nói chung, Chính phủ, chính quyền các địa phương nói riêng lâu nay đã liêm chính, kỷ cương, hoạt động hiệu lực, hiệu quả rồi thì tới đây càng phải liêm chính, kỷ cương, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cao hơn nữa.

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đoàn kết, nhất trí, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu to lớn vưa qua rồi thì tới đây càng phải đoàn kết, nhất trí, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới có thể hoàn thành được những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2022, tạo tiền đề cho việc thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, hùng cường”.

 Anh Đức - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hàng giả tràn lan "chợ mạng"

Cuối năm là thời điểm người dân có nhu cầu mua sắm đồ đạc, vật dụng mới. Trong khi đó, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến tâm lý do sợ mua sắm trực tiếp thì lại là chất xúc tác mạnh để “chợ mạng” tung ra rất nhiều sản phẩm hút khách. Thế nhưng, nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười từ việc mua phải hàng không y hình qua chợ mạng khiến người tiêu dùng cần thận trọng hơn khi đặt niềm tin trong thời điểm này.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-siet-chat-ky-luat-ky-cuong-nang-cao-dao-duc-cua-can-bo-cong-chuc-187298.html