Tổng cục Du lịch "làm" luật riêng

01/05/2020 16:31

Kinhte&Xahoi Dư luận đang dậy sóng khi ông Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch ban hành quy định: Du khách không được chia sẻ, đưa tin trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông về dịch Covid-19 tại cơ sở dịch vụ du lịch...

Đại dịch Covid-19 càn quét hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, làm đảo lộn trật tự thế giới, gây tử vong hơn 227.894 người (tính đến ngày 30-4-2020) và mấy tỉ người điêu đứng. Du lịch là ngành tổn thương đầu tiên, nặng nề nhất và phục hồi chậm nhất.

Giữa đại dịch, Việt Nam nổi lên thành điểm sáng, là quốc gia chủ động phòng chống dịch hiệu quả. Đó là nhờ sự kiên quyết của Chính phủ, sự đồng lòng của người dân và năng lực của ngành y tế. Covid-19 càng làm bật lên những phẩm chất hào hiệp, nghĩa tình của người Việt trong việc tương trợ đồng bào, hợp lực với Chính phủ, chăm sóc du khách và hỗ trợ các nước.

Kết quả bước đầu rất khả quan, Việt Nam chỉ 270 ca nhiễm, chưa có tử vong; đang từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, phục hồi hoạt động, trong đó có ngành du lịch. 

Điều đáng nói, các doanh nghiệp đã khốn khổ vì Covid-19, giờ lại thêm váng đầu vì những quy định của các ngành khi bắt đầu hoạt động trở lại. Quy định nào cũng chi li, có khi chỏi nhau và thiếu tính khả thi.

Nội chuyện phải học và nhớ từng chi tiết để thực hiện cho đúng, tránh bị phạt hoặc rút giấy phép là đã nhức đầu. Chẳng còn đầu óc đâu mà sáng tạo. Có doanh nghiệp ngao ngán "Chưa hết sợ Cô Vi, nay sợ thêm Cô Quy", tức là những quy định máy móc, hành doanh nghiệp.

Bằng chứng là đây: Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh vừa ban hành Quyết định số 473/QĐ - TCDL về việc "Hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn tại các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch". Đọc xong là hoa mắt vì chi tiết đến máy móc. Các cơ sở không phải là robot. Cái doanh nghiệp đang cần là quyền chủ động vận dụng theo điều kiện nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả phòng chống dịch.

Phần cuối của Quyết định này quy định "Khách du lịch không được chia sẻ, đưa tin, đăng bài trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông về tình hình dịch tại cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch". Đọc xong là toát mồ hôi. Chẳng lẽ Tổng cục Du lịch có thể ra "luật" riêng, trái với quyền tự do thông tin và được thông tin đã mặc định trong Hiến Pháp Việt Nam 2013 và Luật Tiếp cận Thông tin (hiệu lực từ 01-7-2018).

Mỗi công dân được chia sẻ, đưa tin, đăng bài trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông về mọi vấn đề xã hội, trừ bí mật quốc gia và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu gây tổn hại cho người khác hoặc thông tin không chính xác. 

Quyết định 473 còn tạo điều kiện cho những người xấu miệng suy diễn là Việt Nam lâu nay bưng bít thông tin dịch bệnh. Ngay cả khi hết giãn cách xã hội, mọi hoạt động đang từng bước phục hồi mà vẫn cấm "Du khách không được chia sẻ, đưa tin, đăng bài trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông về tình hình dịch tại cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch" thì hết biết.

Không nên cấm và cũng không thể cấm. Chẳng những không cấm mà còn khuyến khích du khách công khai chia sẻ thông tin dịch bệnh trên tour và sau tour một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời; giúp Chính phủ chủ động phòng chống hiệu quả hơn. Những thông tin giả, sai lệch, xuyên tạc, không chỉ cấm mà còn bị xử phạt theo pháp luật.

Tổng cục Du lịch không thể và không có quyền ra luật riêng!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thị trường dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5: Linh hoạt thích ứng

Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, các nhà bán lẻ đã chủ động tăng lượng hàng nhập, đồng thời triển khai nhiều chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng. Đặc biệt, các DN cũng chủ động xoay chuyển phương thức kinh doanh nhằm đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới của người dân.

Hà Nội: Thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi để đảm bảo bình ổn giá thịt lợn

Để thực hiện bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt trong thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19, UBND thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành thành phố và đề nghị các doanh nghiệp thực hiện nhiều biện pháp nhằm đưa giá thịt lợn hơi xuống khoảng 70.000 đồng/kg trong tháng 4/2020, lộ trình đến cuối Quý II và III/2020 giảm xuống còn từ 65.000 đến 60.000 đồng/kg.

Theo Người Lao Động/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/thoi-luan/noi-thang-tong-cuc-du-lich-lam-luat-rieng-d123422.html