Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng kiểm tra hàng hóa tại chợ Bến Thành.
Ngày 6-2, đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Phan Thị Thắng làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết tại siêu thị Co.opmart Lý Thường Kiệt (quận 10) và chợ Bến Thành (quận 1).
Tại thành phố Hồ Chí Minh, tiếp đà thực hiện hiệu quả của những năm trước, năm nay thành phố thực hiện chương trình bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách.
Theo đó, tổng số doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán là 45 doanh nghiệp. Tổng nguồn vốn chuẩn bị phục vụ 2 tháng Tết Giáp Thìn 2024 là hơn 22.000 tỷ đồng; trong đó hơn 8.500 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường.
Nguồn bánh mứt phục vụ Tết tại chợ Bến Thành (quận 1).
Về lượng hàng, các mặt hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25% đến 43%. Về giá cả, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định, không điều chỉnh tăng trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết; đồng thời, thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu.
Chương trình bình ổn thị trường của thành phố Hồ Chí Minh có sự tham gia tích cực, có hiệu quả của nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao như: Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh, Central Retail, MM Mega Market, Lotte, Aeon (phân phối)…; Vissan, C.P Việt Nam, Ba Huân (cung ứng mặt hàng lương thực, thực phẩm)…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhận định: Nguồn hàng hóa phục vụ tiêu dùng Tết năm nay tại thành phố Hồ Chí Minh được các doanh nghiệp cung ứng và phân phối chuẩn bị chu đáo và đa dạng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân. Về giá cả, bà Phan Thị Thắng cũng đánh giá các mặt hàng được doanh nghiệp giữ giá ổn định, đặc biệt là lương thực, thực phẩm.
Theo báo cáo của các địa phương, đến nay, đã có 46/63 tỉnh, thành phố có kế hoạch dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Công tác chỉ đạo các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn trong việc chuẩn bị nguồn hàng hóa được các địa phương quan tâm chỉ đạo, thực hiện sớm.
Bánh chưng được bày bán tại siêu thị Co.opmart Lý Thường Kiệt (quận 10).
Phần lớn các địa phương thực hiện chương trình bình ổn thị trường dựa vào nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp và thông qua chương trình kết nối với các tổ chức tín dụng để được vay với lãi suất ưu đãi trong thời gian thực hiện chương trình. Công tác bảo đảm cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cũng được các địa phương triển khai từ rất sớm.
Bộ Công Thương cho biết, theo báo cáo của các địa phương, đến nay tình hình hàng hóa dồi dào, đa dạng về mẫu mã, chủng loại, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân, giá cả không có biến động.
Nguyễn Lê - Hà Nội mới