TP Hồ Chí Minh: Nhiều nước cùng tìm giải pháp bảo tồn và phát triển áo dài Việt Nam

04/03/2023 16:35

Kinhte&Xahoi Ngày 4/3, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh cùng Sở Du lịch, Sở Ngoại vụ TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tọa đàm “Nét đẹp áo dài Việt - Bảo tồn và Phát triển” nhằm tìm những giải pháp bảo tồn và phát triển áo dài Việt Nam.

Đây là một trong những hoạt động chính trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh lần thứ 9, năm 2023.

Đại biểu các nước cùng tham dự chương trình và tham quan các gian trưng bày

Tham gia chương trình có các đại diện Sở, ngành TP Hồ Chí MInh và 21 đại diện lãnh đạo của các cơ quan ngoại giao như: Tổng Lãnh sự, phu nhân Tổng Lãnh sự các nước Nga, Trung Quốc, Thái Lan, Úc (Australia), Ý, Bờ Biển Ngà, Cuba, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Ma Rốc…

Tại đây, các đại biểu cũng đã cùng nhau trao đổi về chia sẻ kinh nghiệm trong việc duy trì sức sống, ý nghĩa trong việc phát triển, bảo tồn các giá trị của áo dài Việt Nam trên trường quốc tế.

Đa số các đại biểu tham dự cho rằng, cùng với sự phát triển về kinh tế, xã hội của đất nước, sự gia nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam trong các hoạt động quốc tế, hình ảnh chiếc áo dài Việt Nam đã trở nên quen thuộc và trở thành một trong các biểu tượng của Việt Nam trong lòng bạn bè thế giới.

Không chỉ biểu trưng cho nét đẹp của người Việt Nam, áo dài còn gợi nhớ đến một đất nước Việt Nam xinh đẹp, thân thiện, hiền hòa và gợi nhớ một điểm đến đậm đà bản sắc trong lòng du khách quốc tế.

Hiện nay, ngày càng có nhiều bạn bè quốc tế thích thú khi được mặc những chiếc áo dài Việt Nam. Theo đó, muốn bảo tồn di sản áo dài có rất nhiều cách làm và cách bảo tồn tốt nhất là để đồng bào - chủ nhân của di sản tự bảo tồn nó.

Điều quan trọng là phải khơi dậy ý thức bảo tồn văn hoá trong họ, và bản thân họ phải được giáo dục để có chung quan điểm cũng như hành động, thì việc bảo tồn mới bền vững.

Các hoạt động tìm hiểu về áo dài truyền thống và hiện đại

Trong khi đó, theo các nhà thiết kế, việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên tà áo dài mang một ý nghĩa thiết thực, bởi mỗi chiếc áo dài đều mang hai tiếng Việt Nam rất thiêng liêng. Khi mặc áo dài, chúng ta sẽ đều cảm thấy tự hào và bất kể một người nước ngoài nào khi nhìn thấy tà áo dài là người ta đều biết đó là người Việt Nam.

Chính vì vậy, việc truyền tải những hình ảnh di sản của dân tộc lên tà áo dài, mình phải thực sự tính toán làm sao có thể thổi hồn vào đó là những nét đẹp văn hóa của các vùng miền, xuất hiện một cách phù hợp nhất với mỗi người khi mặc lên trên mình chiếc áo dài đó.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu và khách mời còn cùng trò chuyện, trao đổi xoay quanh các chủ đề “Nhuộm và vẽ trên lụa” và chủ đề "Tìm hiểu giá trị áo dài ngũ thân - trình diễn trang trí áo dài ngũ thân - trải nghiệm mặc thử áo dài"; Chủ đề "Nhuộm"…

 Trọng Vũ - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Huyền Phi Cosmetics vẫn công khai tư vấn bán sản phẩm đã bị đình chỉ lưu hành

Mẫu kiểm nghiệm sản phẩm Serum thâm X2 - Nhãn hàng Huyền Phi Cosmetics chứa Hydroquinone là chất không được phép có trong sản phẩm mỹ phẩm chăm sóc da. Đồng thời, tính năng, công dụng và thành phần công thức sản phẩm kê khai tại Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm không thống nhất với tính năng, công dụng và thành phần công thức ghi trên nhãn sản phẩm... Do đó, sản phẩm Serum thâm X2 của nhãn hàng Huyền Phi Cosmetics đã bị Bộ Y tế đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tp-ho-chi-minh-nhieu-nuoc-cung-tim-giai-phap-bao-ton-va-phat-trien-ao-dai-viet-nam-218744.html