TP Hồ Chí Minh: Thu hồi hơn 6.000m² “đất vàng” do Vinafood 2 chuyển nhượng trái quy định

21/09/2022 18:24

Kinhte&Xahoi UBND TP Hồ Chí Minh vừa có quyết định thu hồi 6.274,5m² đất tại số 33 Nguyễn Du và số 34-36 và 42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, Quận 1. Đây là các khu đất trước đó do Công ty Vinafood 2 chuyển nhượng cho Công ty Việt Hân Sài Gòn trái quy định theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Thu hồi đất vàng

 Cụ thể, Quyết định số 2834/QĐ-UBND do Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi ký, về việc thu hồi 6.274,5m² đất tại địa chỉ số 33 Nguyễn Du và số 34-36 và 42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, Quận 1.

Thửa đất này do Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Xây dựng Việt Hân Sài Gòn (Công ty Việt Hân Sài Gòn) nhận chuyển nhượng từ Tổng công ty Lương thực Miền Nam - Công ty TNHH Một thành viên (Vinafood 2), nay là Tổng công ty Lương thực Miền Nam - Công ty cổ phần.

Lý do thu hồi đất này theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai.

Khu đất vàng số 33 Nguyễn Du và 34-36 và 42 Chu Mạnh Trinh nối liền nhau về tay tư nhân sau các cuộc hợp tác, liên kết của Vinafood 2 với Công ty Việt Hân và Công ty Việt Hân Sài Gòn

Theo quyết định này, UBND TP Hồ Chí Minh giao Chủ tịch UBND phường Bến Nghé, Quận 1 có trách nhiệm giao quyết định trên cho Công ty Việt Hân Sài Gòn. Trường hợp công ty này không nhận quyết định hoặc vắng mặt thì phải lập biên bản; Đồng thời, niêm yết quyết định tại trụ sở UBND phường, tại nơi sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư theo quy định.

Còn Công ty Việt Hân Sài Gòn phải thực hiện bàn giao diện tích đất thu hồi cho Trung tâm Phát triển quỹ đất để quản lý theo quy định pháp luật. Công ty cũng phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Nhà nước và các nghĩa vụ tài chính khác (nếu có) theo quy định.

Bên cạnh đó, UBND TP cũng giao Trung tâm Phát triển quỹ đất, chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện thủ tục tiếp nhận, quản lý khu đất thu hồi theo quy định pháp luật; Đồng thời, báo cáo, đề xuất phương án sử dụng đất, trình Sở Tài nguyên và Môi trường để tham mưu cho UBND TP theo quy định.

Thường trực Ban Chỉ đạo 167 (Sở Tài chính) được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị xử lý những nội dung có liên quan đến pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công, việc hỗ trợ đối với các hộ gia đình, cá nhân phải di dời (nếu có).

Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc thực hiện thu hồi đất theo quyết định này; Thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan.

Ngoài ra, quyết định cũng nêu rõ, UBND Quận 1 thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng, quy hoạch đối với khu đất nêu trên, kịp thời xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.

SCB rót vốn vào dự án "ma"

 Trước đó, như báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, liên quan sai phạm tại Vinafood 2, ngày 2/12/2020, Thanh tra Chính phủ đã có Báo cáo kết luận số 2099/BC-TTCP chỉ ra hàng loạt sai phạm xảy ra tại dự án bất động sản số 33 Nguyễn Du, 34-36 và 42 Chu Mạnh Trinh (Quận 1), trong đó còn có liên quan đến hoạt động cấp vốn tín dụng của một số ngân hàng, đặc biệt có Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tham gia rót vốn.

Vì sao ngân hàng SCB rót hàng nghìn tỷ đồng vào dự án "ma"?

Cụ thể, khu nhà, đất số 33 Nguyễn Du và 34-36 và 42 Chu Mạnh Trinh được xác lập sở hữu Nhà nước và giao cho Vinafood 2 quản lý, sử dụng từ sau năm 1975. Thực hiện chủ trương về xử lý, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, năm 2001, Vinafood 2 đã lập báo cáo xin chuyển mục đích sử dụng đất của 4 cơ sở nhà, đất này từ mục đích sản xuất kinh doanh sang xây dựng cao ốc văn phòng, nhà ở cao tầng để bán và cho thuê theo đúng quy hoạch của thành phố. Dự án do chính đơn vị này trực tiếp làm chủ đầu tư và được Bộ Tài chính, UBND TP Hồ Chí Minh đồng ý phê duyệt.

Tuy nhiên, thay vì thực hiện theo báo cáo đã được duyệt, Vinafood 2 sau đó lại thay đổi phương án từ trực tiếp đầu tư dự án sang hợp tác, liên kết, góp vốn với Công ty TNHH TM Quảng cáo Xây dựng Địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân), thành lập Công ty TNHH Hai thành viên, lấy tên là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Xây dựng Việt Hân Sài Gòn (Công ty Việt Hân Sài Gòn). Trong đó, Công ty Việt Hân góp 80% vốn bằng tiền mặt, Vinafood 2 góp 20% bằng toàn bộ giá trị tài sản trên đất và một phần giá trị quyền sử dụng đất của 4 cơ sở nhà đất trên.

Cũng từ đây, Vinafood 2 từ hợp tác, liên kết với đối tác chuyển sang thoái toàn bộ vốn góp tại Việt Hân Sài Gòn, biến khu đất trên từ đất công trở thành đất tư nhân.

Trung ương đã chỉ đạo điều tra làm rõ những sai phạm của Vinafood 2 và các đơn vị liên quan

“Việc Công ty Việt Hân Sài Gòn lợi dụng GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất kèm chứng thư xác định trị giá tài sản đảm bảo, phối hợp với Ngân hàng SCB và các cơ quan Công chứng để thực hiện ký cùng thời điểm 7 hợp đồng thế chấp có cùng nội dung như nhau, cùng giá trị tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ cùng một lúc cho 7 công ty khác nhau là 6.308 tỷ đồng, bằng cách: Lập hồ sơ dự án đầu tư khống đối với 4 cơ sở nhà đất này, lấy tên là The Goldmark Premium Tower để các công ty này ký hợp đồng tín dụng vay ngắn hạn với một trong các chi nhánh ngân hàng của Ngân hàng SCB, có mục đích sử dụng vốn vay là “Bổ sung vốn để thực hiện thi công dự án The Goldmark Premium Tower giai đoạn 1 tại địa chỉ của 4 cơ sở nhà đất này và được giải ngân ngay.

Khi các khoản vay và lãi trả cuối kỳ này đến hạn sẽ được chuyển sang chi nhánh ngân hàng khác giải ngân như cho vay mới. Phương thức và cách làm này được lập lại nhiều lần như nhau, số tiền vay lần sau lớn hơn lần trước là vi phạm các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, chính sách tín dụng, quy trình lõi cấp tín dụng, quy chế phán quyết cấp tín dụng của ngân hàng TMCP”, Báo cáo Kết luận thanh tra chỉ rõ.

Trọng Vũ - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tìm lời giải cho bài toán đầu ra của sản phẩm OCOP

Chương trình OCOP đã giúp khu vực nông thôn phát triển nhóm sản phẩm hàng Việt đặc thù, thế nhưng việc tiêu thụ lại không hề dễ dàng. Để giải quyết vấn đề này, cần xây dựng mỗi liên kết giữa nhà sản xuất với DN bán lẻ, Nhà nước cần đưa ra chính sách khuyến khích tiêu thụ.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/thu-hoi-hon-6000m-dat-vang-do-vinafood-2-chuyen-nhuong-trai-quy-dinh-206246.html