Trung thu đặc biệt nơi tâm dịch của các “chiến binh” áo trắng

21/09/2021 10:29

Kinhte&Xahoi Tết Trung thu năm nay, nhiều y, bác sĩ đang ở tuyến đầu chống dịch sẽ không được đón ngày đoàn viên trong đêm trăng cùng gia đình mình. Thay vào đó, họ vẫn tiếp tục công việc của nơi phòng tuyến chống dịch bằng sự đồng lòng và quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.

Tết Trung thu từ lâu đã trở thành một dịp vô cùng ý nghĩa với mọi gia đình, là khoảnh khắc các thành viên sum vầy hạnh phúc bên mâm cỗ đón trăng, cùng nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và hướng tới cuộc sống tươi đẹp hơn. Tuy vậy, thời điểm hiện tại, đại dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.

Hơn ai hết, các y, bác sĩ, sinh viên tình nguyện và đội ngũ tuyến đầu chống dịch đang gác lại những hạnh phúc riêng tư, cống hiến hết mình cho cuộc chiến của cả dân tộc. Họ đang nỗ lực từng ngày để đem bình yên, nụ cười, niềm hạnh phúc và cuộc sống bình thường trở lại.

Nữ sinh viên Trần Thị Bình

Chi viện cho tâm dịch TP Hồ Chí Minh từ ngày 24/7, đây là lần đầu tiên mà Trần Thị Bình (22 tuổi, sinh viên chuyên ngành Bác sĩ Y học cổ truyền, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam) tham gia công tác tình nguyện chống dịch.

Những ngày này, Bình vẫn tiếp tục công việc lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, tại các khu cách ly, trực phản ứng nhanh, truy vết và hỗ trợ tiêm chủng tại địa bàn huyện Hóc Môn.

Những ngày làm nhiệm vụ tại tâm dịch TP Hồ Chí Minh là kỷ niệm không bao giờ quên của Bình

Xa gia đình, bạn bè để thực hiện nhiệm vụ lớn của đất nước, cô sinh viên trẻ chưa từng một lần cảm thấy nản chí trước những khó khăn của dịch bệnh. Trung thu năm nay, dù không được cùng gia đình, bạn bè “phá cỗ” như mọi năm nhưng với Bình, đây là Tết Trung thu sẽ không bao giờ quên trong cuộc đời.

“Trung thu này mình nhận được quà từ lãnh đạo và người dân địa phương rồi cả những món quà của nhà trường gửi từ Hà Nội vào nữa. Đặc biệt hơn, đó là những lời chúc không chỉ của gia đình, bạn bè mà còn của cả những người dân mình tiếp xúc hàng ngày. Mình sẽ tiếp tục cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ, góp sức mình cho cuộc chiến chống dịch của đất nước”.

Chàng sinh viên quê lúa Đinh Ngọc Lâm

Với mong muốn được giúp đỡ nhiều người vượt qua khó khăn của bệnh tật, Đinh Ngọc Lâm (sinh năm 1999) quyết định theo đuổi ngành Y để có thể trở thành bác sĩ tương lai. Hiện tại, Lâm đang theo học chuyên ngành Bác sĩ đa khoa tại trường Đại học Y dược Thái Bình.

Nghe theo tiếng gọi cùng đất nước chống dịch, Lâm cùng đoàn 250 cán bộ, giảng viên và sinh viên của trường Đại học Y Dược Thái Bình vào chi viện cho TP Hồ Chí Minh từ ngày 25/8.

Lâm thực hiện tất cả các công việc như quản lý, lấy mẫu xét nghiệm, hỗ trợ tiêm vắc xin… tại quận Bình Tân. Trước đó, chàng sinh viên quê lúa cũng từng tham gia chống dịch tại Bắc Giang trong 35 ngày từ 1/6 đến 5/7.

Dù không rộn ràng như mọi năm, Lâm và những người bạn của mình vẫn có một Tết Trung thu thật đặc biệt

Năm nay, dù không đón Trung thu tại quê nhà nhưng Lâm cùng các thành viên trong đoàn luôn nhận những lời động viên, hỏi thăm; Được tặng quà từ các địa phương nơi Lâm đang làm nhiệm vụ và Hội đồng hương tỉnh Thái Bình ở TP Hồ Chí Minh. Để đón ngày Tết đoàn viên năm nay, Lâm cùng các thành viên tại trạm lưu động mua một vài chiếc đèn lồng, cùng nhau cắt bánh Trung thu.

“Đây cũng không phải Trung thu đầu tiên mình xa nhà nhưng có lẽ là Trung thu đáng nhớ nhất. Tại tuyến đầu chống dịch, tuy có khó khăn, vất vả, đôi lúc nhớ gia đình, bạn bè nhưng được gặp những người bạn mới, giúp đỡ được mọi người, mình thấy thật vui và tự hào vì có thể góp sức cho đất nước cho cuộc chiến lịch sử”.

Miệt mài thực hiện nhiệm vụ của mình, Nguyễn Đức Chính (22 tuổi, sinh viên chuyên ngành Bác sĩ đa khoa, trường Đại học Y Hà Nội) tưởng như quên Tết Trung thu đã đến rất gần.

Chàng bác sĩ tương lai Nguyễn Đức Chính

Có mặt tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 25/8, gần một tháng nay, Chính thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ theo dõi, chăm sóc F0 điều trị tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng tại địa phương được phân công.

“Đây là lần đầu đi chống dịch ở một nơi tuy không xa lạ nhưng có thật nhiều điều mới mẻ đối với mình. Mỗi ngày đạp xe đi phát thuốc cho những bệnh nhân F0 điều trị tại nhà, mình lại càng thấy yêu con người nơi đây, yêu công việc và ước mơ mà mình đã theo đuổi hơn”, Chính chia sẻ.

Trung thu này, chàng bác sĩ tương lai và mọi người trong đoàn đón Tết đoàn viên cũng rất đơn giản. Mỗi người có một chiếc bánh Trung thu để cảm nhận không khí của ngày này. Vì tính chất công việc nên mọi người trong đoàn sẽ không tụ tập mà chỉ gọi nhóm cùng nhau qua mạng xã hội.

Đón Trung thu ở một nơi xa, chàng trai trẻ gửi lời chúc an lành tới mọi gia đình trong cuộc chiến chống dịch

“Có lẽ đây là Trung thu đáng nhớ và cũng ý nghĩa nhất của mình khi xa gia đình và trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt tại tâm dịch TP Hồ Chí Minh. Mình nhớ nhà, nhớ những người bạn ở Hà Nội, nhớ không khí Tết Trung thu khi dịch bệnh chưa xuất hiện. Trên hết, mình và tất cả mọi người ở đây vẫn đầy quyết tâm và tự hào vì là một phần của đội ngũ đang ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh.

Bố mẹ và mọi người ở nhà hãy yên tâm, vì đất nước, mình sẽ luôn giữ gìn sức khỏe và bảo vệ bản thân. Chúc mọi người có một Tết Trung thu vui vẻ! Hẹn gặp mọi người trong ngày đất nước vang khúc ca khải hoàn nhé!”, Chính nhắn nhủ.

 Thanh Trung - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sôi động thị trường bánh Trung thu online thời Covid-19

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đường phố Hà Nội năm nay không còn xuất hiện những quầy bánh Trung thu như thông lệ. Thay vào đó, hình thức bán hàng online đang được các doanh nghiệp sản xuất bánh Trung thu cũng như các cửa hàng bánh truyền thống triển khai khá sôi động nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như giải quyết bài toán kinh tế của chính các cơ sở này.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/trung-thu-dac-biet-noi-tam-dich-cua-cac-chien-binh-ao-trang-178057.html