Trường Đại học Điện lực "lừa dối” hàng nghìn sinh viên: Khi lòng tham che mờ nhân cách

25/05/2020 22:47

Kinhte&Xahoi Thanh tra Bộ Công thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kết luận về những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng tại trường Đại học Điện lực trong công tác tuyển sinh và thu chi tài chính.

Chỉ trong thời gian 4 năm, thanh tra Bộ Công thương đã 2 lần thanh tra trường Đại học Điện lực và chỉ ra hàng chục sai phạm, thậm chí là nghiêm trọng trong nhiều lĩnh vực

Vi phạm pháp luật tràn lan

Trường Đại học Điện lực được thành lập ngày 19/5/2006 theo Quyết định số 111/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở Trường Cao đẳng Điện lực. Trải qua 14 năm tồn tại và phát triển, ngôi trường này đã đào tạo được hàng chục nghìn sinh viên làm việc trong ngành điện lực trên cả nước, hiện nhà trường là đơn vị trực thuộc Bộ Công thương.

Trong quá trình hoạt động, đã có nhiều đơn thư của giảng viên, sinh viên phản ánh tới các cơ quan chức năng về một số sai phạm “đặc biệt nghiêm trọng” liên quan tới Ban giám hiệu và một số cán bộ trong trường.

Để làm rõ thông tin, ngày 16/9/2016, Thanh tra Bộ Công thương đã tiến hành thanh tra công tác tuyển sinh, đào tạo hệ cao đẳng, đại học, thạc sĩ; liên kết đào tạo; quản lý thu, chi học phí tại Trường Đại học Điện lực.

Tiếp đó, ngày 26/9/2019, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có kết luận số 109/KL-TTr về công tác tuyển sinh, quản lý đào tạo, quản lý văn bằng chứng chỉ trình độ đại học của Trường Đại học Điện lực. Gần nhất, ngày 13/5/2020, Thanh tra Bộ Công thương tiếp tục ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng; công tác tổ chức; cán bộ; công tác quản lý, sử dụng ngân sách, hoạt động sự nghiệp có thu; công tác đầu tư, mua sắm trang thiết bị, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại trường Đại học Điện lực.

Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không đứng ngoài cuộc khi kết luận những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng liên quan tới lãnh đạo trường, lãnh đạo khoa đã và đang làm việc tại Trường Đại học Điện lực.
Điểm chung của cả 3 kết luận Thanh tra nêu trên đều chỉ ra những sai phạm có yếu tố hình sự của một số cá nhân đang công tác hoặc đã nghỉ hưu tại Trường Đại học Điện lực.

Có thể kể đến một số sai phạm trong việc báo cáo không trung thực với Bộ Giáo dục và Đào tạo để tuyển sinh vượt chỉ tiêu 34.270 sinh viên trong giai đoạn 2011-2015; Vi phạm Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi tuyển 1699 sinh viên (đã ra trường năm 2018 và 2019 - pv) có điểm trúng tuyển thấp hơn điểm trúng tuyển do Trường công bố; Tuyển sinh các đối tượng tốt nghiệp cao đẳng nghề liên thông lên trình độ đại học khi chưa được phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo…

Và trong số cả "rừng" vi phạm như vậy, đau xót nhất, ngoài việc “phù phép” cho 1699 sinh viên nhập học khi có điểm đầu vào dưới “chuẩn” thì có lẽ việc ông Chu Đức Toàn, Phó Trưởng Khoa Điều khiển và Tự động hóa và các cá nhân liên quan “thu lợi bất chính” bằng cách “nhận tiền chống trượt thi tốt nghiệp” của 22 sinh viên lớp C16 ĐK TĐH với số tiền 70.400.000 đồng thực sự là một “nỗi đau” cho những người làm giáo dục chân chính.

Sai phạm đặc biệt nghiêm trọng là thế, hàng chục nội dung cũng đã được Thanh tra của Bộ Công thương (Bộ chủ quản – pv) và Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ quản lý ngành – pv) chỉ ra rất chi tiết. Tuy nhiên, Ban giám hiệu trường Đại học Điện lực, trong đó vai trò chủ chốt là Hiệu trưởng Trương Huy Hoàng và Chủ tịch Hội đồng trường Lê Anh Tuấn vẫn “giấu giếm” rất nhiều “góc khuất” cả về đào tạo lẫn thu chi tài chính trong gần 10 năm qua như: Không cung cấp cho cơ quan chức năng danh sách toàn bộ sinh viên đại học chính quy năm 2013, 2014 của tất cả các ngành đào tạo của Trường có điểm trúng tuyển dưới điểm chuẩn theo thông báo của trường năm 2013, 2014; Danh sách sinh viên tuyển sai đối tượng năm 2013, 2014; Danh sách sinh viên chuyển trường được trường tiếp nhận không đúng quy định năm 2013, 2014… cùng hàng chục tỷ đồng thu chi trái pháp luật liên quan tới công tác quản lý tài chính, học phí, lệ phí, quản lý phôi bằng, hoạt động dịch vụ, kê khai thuế, trích lập, sử dụng các quỹ, công nợ, mua sắm trang thiết bị, đầu tư công… đã biến ngôi trường "ngành điện" này trở thành một “quả bom” phức tạp bậc nhất từ trước tới nay trong sự nghiệp trồng người của nước ta.

Tuổi trẻ và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

Doãn Hưng


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc https://phapluat.tuoitrethudo.com.vn/truong-dai-hoc-dien-luc-lua-doi-hang-nghin-sinh-vien-khi-long-tham-che-mo-nhan-cach-46978.html